Vì sao Australia hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp để đối lấy thỏa thuận AUKUS?

VOV.VN - Chỉ 2 tuần sau cuộc họp trực tuyến với giới chức Pháp, cam kết thúc đẩy hợp tác quốc phòng, Australia bất ngờ hủy hợp đồng tàu ngầm chạy diesel-điện với Pháp để theo đuổi chương trình tàu ngầm năng lượng hạt nhân với công nghệ của Mỹ và Anh.

Chỉ 2 tuần trước khi Pháp “ngậm đắng nuốt cay” vì “bị đâm sau lưng”, các bộ trưởng cấp cao của Pháp đã họp những người đồng cấp Australia – Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton, để củng cố quan hệ giữa 2 nước.

“Hai bên cam kết thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng. Các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình tàu ngầm tương lai”, tuyên bố chung giữa 2 nước khi đó nêu rõ.

Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 30/8 đó giờ là tâm điểm để Pháp cáo buộc rằng nước này bị “đột kích” vì “bước đi chiến lược lớn nhất mà Australia thực hiện trong nhiều thế hệ”.

Ngày 15/9, chính phủ Australia chính thức thông báo cho chính phủ Pháp – chỉ vài giờ trước khi chính thức thông báo về việc hợp tác với Mỹ và Anh – rằng nước này hủy hợp đồng trị giá hàng chục tỷ với Tập đoàn Hải quân Pháp (FNG) để đổi lấy sự dàn xếp mới với Mỹ và Anh về tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân.

“Chúng tôi đã thiết lập mối quan hệ dựa trên sự tin cậy với Australia – sự tin cậy này đã bị phản bội”, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói, Ông Drian cũng tham gia cuộc đối thoại được cho là lạc quan với các bộ trưởng Australia Dutton và Payne 2 tuần trước.

Australia âm thầm “lên kế hoạch B”

Pháp là đối tác thân cận thứ 2 cảm thấy giận dữ về cách tiếp cận của chính phủ Australia trong việc tìm giải pháp thay thế cho các tàu ngầm lớp Collins đã lỗi thời.

Thủ tướng trước đây của Australia, ông Tony Abbott có mối quan hệ công việc thân thiết với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và được cho là muốn Nhật Bản chế tạo hạm đội tàu ngầm tương lai của Australia.

Tuy nhiên, các nghị sỹ đảng Tự do ở Nam Australia lại lo ngại về công việc đóng tàu ở bang này và đã nêu vấn đề trong các cuộc thảo luận nội bộ. Ông Abbot đã hứa hẹn về “quá trình đánh giá mang tính cạnh tranh” để lôi kéo sự ủng hộ của các nghị sỹ Nam Australia.

Khi đó, chính quyền của Thủ tướng Abbot nêu rõ rằng họ đang tìm kiếm các lựa chọn cho tàu ngầm chạy diesel-điện, chứ không phải tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, bởi Australia không đủ năng lực vận hành và bảo trì tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Ngoài đề xuất của Nhật Bản, Australia cũng xem xét về các nhà thầu của Đức và Pháp, với trọng tâm là làm thế nào để vẫn đảm bảo được việc làm đóng tàu ở Australia.

Năm 2016, người kế nhiệm ông Abbott, Thủ tướng Malcolm Turnbull, thông báo DCNS của Pháp - hiện là Tập đoàn Hải quân Pháp (FNG) - được chọn “làm đối tác quốc tế ưu tiên để thiết kế 12 tàu ngầm tương lai, tùy thuộc vào các cuộc thảo luận thêm liên quan đến vấn đề thương mại”.

Phải mất nhiều năm mới hoàn tất thỏa thuận chiến lược tổng thể. Tuy nhiên sau đó, Australia lại lo ngại về việc chậm tiến độ, đội chi phí và khó khăn trong việc đảm bảo sự tham gia nhiều của ngành công nghiệp trong nước vào dự án này.

Có vẻ như một số tiến bộ đã được thực hiện: vào tháng 3/2021, bà Payne cho biết Australia đã đàm phán lại thỏa thuận đối tác chiến lược và nhà thầu Pháp được yêu cầu “chi ít nhất 60% giá trị hợp đồng tại Australia trong suốt thời gian của chương trình”.

Giờ đây, thông tin được liết lộ cho thấy, các cuộc đàm phán bí mật đã được tiến hành trong chính phủ Australia trong ít nhất 18 tháng về một “kế hoạch B” tiềm năng. Điều này khiến nước Pháp cảm thấy bị phản bội, cho dù Thủ tướng Scott Morrison khẳng định Australia đã thẳng thắn và hành động có thiện chí để giải quyết các vấn đề về thương vụ tàu ngầm với Pháp.

Các cuộc trao đổi diễn ra trong bí mật, Pháp bị “đột kích”

Bước đầu tiên, theo quan điểm của chính phủ Australia, là tìm hiểu xem liệu một phương án khác có khả thi hay không. Thủ tướng Morrison được cho là đã không đưa vấn đề lên cấp chính trị với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, ông Morrison đã thực hiện một loạt thay đổi nhân sự cho phép ông “quay đầu”, trong bối cảnh nước này ngày càng lo ngại về Trung Quốc và liệu dự án [của Pháp] có cung cấp cho Australia những khả năng mà Canberra cần hay không.

Đầu năm 2021, Thủ tướng Morrison âm thầm thành lập một tiểu ban nội các mới tập trung vào lĩnh vực đóng tàu hải quân, do chính ông làm chủ tịch. Tiểu ban này được thành lập để đưa ra lời khuyên cho ủy ban an ninh quốc gia, với nhiệm vụ bao gồm việc theo dõi xem các dự án như tàu ngầm tương lai có đang đi đúng hướng để so với các kết quả đã thỏa thuận hay không.

Người ta cho rằng các cuộc trao đổi bí mật về một “kế hoạch B” được tiến hành vào tháng 3 hoặc tháng 4/2021, đầu tiên là giữa Australia với Anh.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cùng Thủ tướng Australia Morrison và Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự cuộc gặp 3 bên bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall vào tháng 6/2021, thảo luận về kế hoạch hợp tác quốc phòng cũng như đề nghị của Australia về việc chia sẻ công nghệ tàu ngầm nhạy cảm.

Vài ngày sau, Thủ tướng Morrison gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris. Mối quan tâm về chương trình tàu ngầm là một trong các chủ đề thảo luận chính. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp, ông Morrison không loại trừ khả năng rời khỏi dự án, nhưng lại khiến người ta có cảm giác rằng những điểm còn vướng mắc giữa 2 bên vẫn đang được giải quyết.

Thủ tướng Morrison nói rằng ông đánh giá cao Tổng thống Pháp đã “đóng vai trò rất tích cực” trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới hợp đồng tàu ngầm.

“Tổng thống Macron và tôi có mối quan hệ rất cởi mở, minh bạch và rất thân thiện, điều đó giúp chúng tôi có thể trai đổi thẳng thắn với nhau về những vấn đề này,” ông Morrison cho biết khi đó.

Trong tuần vừa qua, Thủ tướng Morrison khẳng định, ông đã “rất rõ ràng” trong các cuộc trao đổi với Tổng thống Macron rằng có “những vấn đề rất thực tế” về việc các tàu ngầm thông thường có còn phù hợp với môi trường chiến lược đang thay đổi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nữa hay không.

Không rõ vấn đề đã được trao đổi thẳng thắn như thế nào, nhưng không có dấu hiệu báo động nào trong các phát biểu công khai của Tổng thống Pháp vào thời điểm đó. Ông Macron còn tuyên bố rằng, tàu ngầm do Pháp chuyển giao sẽ “củng cố vị thế của Australia và đóng góp vào chủ quyền và quyền tự chủ chiến lược của Australia”.

Phía Pháp hành động muộn màng?

Sau cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo tại Paris, Pháp – với nỗ lực trấn an rằng dự án sẽ không bị trì hoãn, được cho là gửi tới Australia một lá thư khẳng định cam kết của họ đối với các mốc thời gian liên quan tới chương trình tàu ngầm.

Một nguồn tin của chính phủ Australia tiết lộ, lá thư đã được gửi đến, nhưng lại đến muộn.

“Nếu họ không thể gửi một lá thư đúng lúc, thì làm sao họ có thể bàn giao 12 tàu ngầm đúng hạn?”, nguồn tin cho biết.

Cho dù Pháp không nhận ra rằng Australia sẽ thực sự đi xa đến mức từ bỏ toàn bộ dự án, thì nhiều người đồng tình rằng, nước này có vấn đề về quan hệ công chúng ở Australia.

Phải đến tháng 6, FNG mới mời David Gazard – người từng làm cố vấn cho các thủ tướng John Howard và Peter Costello, đồng thời là bạn thân của Thủ tướng đương nhiệm Australia Morrison - “trợ giúp trong các mối quan hệ với chính phủ”.

Công ty của ông Gazard, DPG Advisory Solutions, chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc họp và liên lạc giữa FNG với các bên liên quan của Australia bao gồm các chính trị gia liên bang và các bộ trưởng Australia.

Tuy nhiên, việc tiếp cận và vận động các chính khách ở Australia được cho là tương đối “nhẹ nhàng”. Cuối cùng, mọi thứ đã quá muộn để có thể thay đổi kết quả.

Những người trong cuộc cho biết, chính phủ Australia theo đuổi song song 2 lựa chọn. Cho dù lựa chọn cuối cùng là hiệp ước quốc phòng AUKUS, Australia vẫn muốn đạt được thỏa thuận tốt nhất có thể với Pháp, trong trường hợp lựa chọn với Mỹ không thành công.

Một trong những nguồn cơn khiến Pháp khó chịu với những gì diễn ra trong tuần qua là nước này có kinh nghiệm đóng tàu ngầm hạt nhân nhưng lại thiết kế tàu ngầm chạy diesel-điện dựa trên các thông số kỹ thuật ban đầu của chính phủ Australia.

Ở phía Australia, nước này cho rằng, phương án tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân của Pháp đòi hỏi công việc phức tạp suốt vòng đời của dự án. Điều này đòi hỏi Australia phải có một ngành công nghiệp hạt nhân tiên tiến hơn. Trong khi đó “kẻ thay đổi cuộc chơi” là Mỹ và Vương quốc Anh sẵn sàng chia sẻ công nghệ của họ.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Dutton lên tiếng bảo vệ quyết định của chính phủ rằng nước này “xem xét những lựa chọn nào có sẵn” và “phiên bản [tàu ngầm] của Pháp không vượt trội hơn so với phiên bản mà Mỹ và Vương quốc Anh vận hành”.

“Cuối cùng, quyết định mà chúng tôi đưa ra dựa trên những gì có lợi nhất cho an ninh quốc gia cũng như an ninh và hòa bình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương,” ông Dutton nói.

Thủ tướng Morrison ngày 17/9 cho biết, ông hiểu sự thất vọng của chính phủ Pháp.

“Điều đó là hoàn toàn dễ hiểu và hợp lý và chúng tôi sẽ phải làm việc để giải quyết vấn đề đó”, ông Morrison nói với Đài 3AW./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quan hệ Pháp-Mỹ lung lay vì AUKUS, Trung Quốc có cơ hội “chen chân” ở châu Âu?
Quan hệ Pháp-Mỹ lung lay vì AUKUS, Trung Quốc có cơ hội “chen chân” ở châu Âu?

VOV.VN - Thỏa thuận AUKUS mới nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc khiến Pháp mất thỏa thuận hàng chục tỷ USD cung cấp tàu ngầm thông thường cho Australia. Các nhà quan sát cho rằng, điều này khiến châu Âu đặt câu hỏi về cam kết của Mỹ về các mối quan hệ xuyên đại tây dương.

Quan hệ Pháp-Mỹ lung lay vì AUKUS, Trung Quốc có cơ hội “chen chân” ở châu Âu?

Quan hệ Pháp-Mỹ lung lay vì AUKUS, Trung Quốc có cơ hội “chen chân” ở châu Âu?

VOV.VN - Thỏa thuận AUKUS mới nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc khiến Pháp mất thỏa thuận hàng chục tỷ USD cung cấp tàu ngầm thông thường cho Australia. Các nhà quan sát cho rằng, điều này khiến châu Âu đặt câu hỏi về cam kết của Mỹ về các mối quan hệ xuyên đại tây dương.

Ngoại trưởng Pháp tố Anh “chủ nghĩa cơ hội vĩnh cửu” trong AUKUS
Ngoại trưởng Pháp tố Anh “chủ nghĩa cơ hội vĩnh cửu” trong AUKUS

VOV.VN - Liên quan tới liên minh AUKUS giữa Australia, Vương Quốc Anh và Mỹ khiến Canberra hủy hợp đồng mua tàu ngầm thông thường trị giá 66 tỷ USD với Paris, Pháp đã triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Australia, nhưng chưa triệu hồi đại sứ tại London.

Ngoại trưởng Pháp tố Anh “chủ nghĩa cơ hội vĩnh cửu” trong AUKUS

Ngoại trưởng Pháp tố Anh “chủ nghĩa cơ hội vĩnh cửu” trong AUKUS

VOV.VN - Liên quan tới liên minh AUKUS giữa Australia, Vương Quốc Anh và Mỹ khiến Canberra hủy hợp đồng mua tàu ngầm thông thường trị giá 66 tỷ USD với Paris, Pháp đã triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Australia, nhưng chưa triệu hồi đại sứ tại London.

Mỹ - Anh - Australia lập liên minh AUKUS, mục đích chính nhằm vào Trung Quốc?
Mỹ - Anh - Australia lập liên minh AUKUS, mục đích chính nhằm vào Trung Quốc?

VOV.VN - Việc Mỹ giúp Australia chế tạo tàu ngầm hạt nhân sẽ cho phép các tàu ngầm của Australia cho thể di chuyển xa hơn, giảm độ ồn, qua đó cải thiện năng lực tác chiến trong khu vực đang có sự gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.

Mỹ - Anh - Australia lập liên minh AUKUS, mục đích chính nhằm vào Trung Quốc?

Mỹ - Anh - Australia lập liên minh AUKUS, mục đích chính nhằm vào Trung Quốc?

VOV.VN - Việc Mỹ giúp Australia chế tạo tàu ngầm hạt nhân sẽ cho phép các tàu ngầm của Australia cho thể di chuyển xa hơn, giảm độ ồn, qua đó cải thiện năng lực tác chiến trong khu vực đang có sự gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.