Vì sao Australia từ chối “cành ô liu” của Trung Quốc?
VOV.VN - Cái lắc đầu của Australia với “cành ô liu” của Trung Quốc là thông điệp cho thấy Canberra sẽ không để Bắc Kinh qua mặt trong các vấn đề lợi ích quốc gia và tầm ảnh hưởng với các nước láng giềng.
Cái lắc đầu với “cành ô liu”
Tuần trước, Ngoại trưởng Australia Marise Payne đã thông báo Canberra hủy bỏ 2 thỏa thuận trong Sáng kiến Vành đai và Con đường mà bang Victoria đã ký với Trung Quốc. Bà cho rằng những thỏa thuận này "không phù hợp với chính sách đối ngoại của Australia hoặc gây bất lợi cho các mối quan hệ của nước này", song không nêu cụ thể.
Tháng 12 năm ngoái, chính quyền Thủ tướng Morrison đã cho thực thi một đạo luận mới giúp Canberra có thể thay đổi hướng đi về chính sách đối ngoại và quốc phòng. Luật này cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao và Thương mại xem xét kỹ càng tất cả các thỏa thuận nước ngoài của chính quyền các bang, các hội đồng địa phương và các trường đại học công.
Trước đó, Australia đã tiến hành một loạt biện pháp khiến Trung Quốc không hài lòng. Một đạo luật mới năm 2017 của Australia yêu cầu các nhà vận động hành lang nước ngoài phải đăng ký hoạt động và cấm các khoản quyên góp nước ngoài cho các đảng phái chính trị. Tới năm 2018, Australia ban hành lệnh cấm 5G với Huawei, đột kích nhà ở của 4 nhà báo thuộc truyền thông nhà nước Trung Quốc. Năm 2020, Canberra kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc Covid-19, bất chấp những cảnh báo từ phía Bắc Kinh.
Trung Quốc cũng không làm ngơ trước các động thái trên khi nước này ban hành một loạt lệnh hạn chế với việc vận chuyển lúa mạch, thịt bò, gỗ, tôm hùm, rượu vang và than đá với Canberra và khiến Australia thiệt hại khoảng 20 tỷ AUD (tương đương 15,5 tỷ USD) xuất khẩu.
Hiện nay, các doanh nghiệp Australia đang chờ đợi xem liệu cú đánh tiếp theo của Trung Quốc sẽ là gì. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi việc Australia hủy bỏ thỏa thuận Vành đai và Con đường sẽ làm sâu sắc thêm căng thẳng giữa 2 nước và kêu gọi Australia đảo ngược quyết định.
"Bằng cách áp dụng đạo luật trên, Australia cơ bản đã bắn phát súng đầu tiên chống lại Trung Quốc về thương mại và đầu tư. Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả thích đáng”, Chen Hong, chuyên gia nghiên cứu về Australia tại một trường đại học ở Thượng Hải nhận định.
Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc sẽ đáp trả ở lĩnh vực nào bởi bản thân các lệnh trừng phạt thương mại của Trung Quốc cũng khiến nước này bị phản tác dụng ở mức độ không hề nhỏ khi mà giá quặng sắt tăng cao do các biện pháp kích thích kinh tế nội địa của Trung Quốc và việc hạn chế nguồn cung ở Brazil, đối thủ cạnh tranh xuất khẩu chính của Australia.
Trung Quốc sẽ tổn thất hàng tỷ USD và mất khoảng 5 năm để mở ra nguồn quặng sắt thay thế lớn nhất, đó là mỏ Simandou ở quốc gia Tây Phi Guinea, cách Trung Quốc 650 km đường biển và mất 40 ngày để tới Trung Quốc, trong khi từ cảng Pilbara của Australia thì thời gian này chỉ mất 15 ngày.
Trung Quốc có thể khiến Australia tổn thất nếu đánh vào việc xuất khẩu len hoặc hạn chế sinh viên Trung Quốc học tập hay du lịch Australia. Dù vậy, các vũ khí này không có hiệu quả bởi các lệnh hạn chế đi lại do Covid-19 hiện nay nhưng về dài hạn, chúng sẽ khiến Australia chịu thiệt hại đáng kể. Tháng 6/2019, trước khi đại dịch bùng phát, Australia đứng ở vị trí thứ 4 như một nhà xuất khẩu giáo dục, đứng thứ 6 về du lịch, trong đó học sinh và du khách Trung Quốc chiếm đa số.
Chính quyền Thủ tướng Morrison khẳng định sẽ tiếp tục xuất khẩu quặng sắt với giá cao để bảo vệ cán cân thương mại. Báo chí Australia dẫn lời "các quan chức cấp cao" nước này cho biết Australia đã chuẩn bị để đương đầu với các biện pháp đáp trả của Trung Quốc, đồng thời chỉ ra việc nước này đã xoay xở như thế nào trong năm qua trước sự "cưỡng ép kinh tế" của Bắc Kinh.
Sáng kiến Vành đai và Con đường đã sớm trở thành chính sách kinh tế mang dấu ấn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi ông nắm quyền vào cuối năm 2012. Sáng kiến này có mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành trung tâm sản xuất và thương mại toàn cầu, thông qua các tuyến đường sắt để vươn khắp lục địa Á - Âu và qua tuyến đường biển để vươn ra Bắc Phi, Trung Đông và Địa Trung Hải.
Việc Australia từ chối sáng kiến này đồng nghĩa với việc chính quyền Thủ tướng Morrison trực tiếp đối đầu với nhà lãnh đạo Trung Quốc. Cho tới nay, Australia là nước duy nhất hủy bỏ một thỏa thuận trong Sáng kiến Vành đai và Con đường đã được ký kết.
Đằng sau sự chuyển hướng của Australia
Lập trường của Australia không phải lúc nào cũng như vậy. Hồi tháng 9/2017, Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo đã ký một biên bản ghi nhớ với Trung Quốc, cam kết hợp tác về các dự án cơ sở hạ tầng ở những nước thứ ba.
"Australia ủng hộ các mục tiêu của Sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm cải thiện sự phát triển về cơ sở hạ tầng, cũng như tăng cường các cơ hội ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương", ông Ciobo nhận định.
Cùng lúc đó, Australia cũng tham gia vào Sáng kiến Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) của Trung Quốc và 1 bộ trưởng Australia vẫn giữ 1 vị trí trong hội đồng quản trị của sáng kiến này. Đây là dự án cho phép một công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin của Australia trong vòng 99 năm.
Khi Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews tới Bắc Kinh vào tháng 4/2019 dự một diễn đàn toàn cầu của BRI, Frances Adamson, người hiện là Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã có bài phát biểu đề cập đến sự ủng hộ của Thủ tướng Morrison rằng "sự đóng góp của BRI có thể đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng trong khu vực".
Không lâu sau đó, Thủ tướng Morrison đã trực tiếp thể hiện sự ủng hộ với các dự án BRI của Trung Quốc song cho rằng chúng phải đáp ứng "nhu cầu thực sự của thị trường và các tiêu chuẩn quốc tế".
Tuy nhiên, 3 năm trước, những vấn đề chính trị như Hong Kong và Tân Cương vẫn chưa ảnh hưởng đến mối quan hệ vốn tập trung chủ yếu vào kinh tế và văn hóa này.
Giờ đây, Ngoại trưởng Australia đã tuyên bố: "Việc có một tiếng nói và một kế hoạch thống nhất khi nhắc đến các thỏa thuận của Australia có vai trò vô cùng cần thiết".
Mặc dù bang Victoria do các thành viên của Đảng Lao động Australia lãnh đạo - đảng đối lập với liên minh bảo thủ của Thủ tướng Morrison nhưng Ngoại trưởng Payne vẫn nhận được sự ủng hộ trong quyết định dừng thỏa thuận Vành đai và Con đường với Trung Quốc. Ngay cả khi có mối quan hệ ngày càng thân thiết với Trung Quốc thì đảng này vẫn thận trọng để không bị xem là mềm yếu trong các vấn đề an ninh quốc gia.
Thượng nghị sĩ Đảng Lao động Kimberley Kitching, Chủ tịch Ủy ban Tham vấn Thương Mại, Quốc phòng và Đối ngoại của Quốc hội nhận định, thỏa thuận BRI của bang Victoria là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm qua mặt chính quyền liên bang và chia rẽ Australia.
"Trung Quốc đã sử dụng các thỏa thuận với bang Victoria như một công cụ tuyên truyền để quảng bá BRI với các nước láng giềng của chúng ta. Chúng ta cần có chung 1 tiếng nói bởi nếu không làm vậy, chúng ta sẽ để cho một chính phủ nước ngoài phá hoại lợi ích quốc gia của mình", nghị sĩ này nhận định.
Roland Rajah, chuyên gia hàng đầu về kinh tế tại Viện Lowy ở Sydney cho rằng, Trung Quốc đang cạn dần các biện pháp trừng phạt Australia mà không làm tổn hại đến những lợi ích của chính mình.
"Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng các biện pháp trừng phạt thương mại của Trung Quốc vẫn khiến các doanh nghiệp và người lao động Australia phải trả cái giá nhất định”, chuyên gia này đánh giá./.