Vì sao các bác sĩ thực tập tại Hàn Quốc đồng loạt bỏ việc?
VOV.VN - Các bác sĩ thực tập tại Hàn Quốc đã đồng loạt đình công, bất chấp những lệnh đe doạ bắt giữ của Chính phủ khi họ phải làm việc tới 100 giờ mỗi tuần.
Pyu Ok Hada luôn muốn thực hiện ước mơ giúp đỡ mọi người của mình, nhưng giờ đây vị bác sĩ thực tập tại Hàn Quốc này phải từ bỏ công việc, đứng ngoài bệnh viện nơi mình đã từng cống hiến, với chiếc áo choàng y tế trên tay.
Park Dan, một bác sĩ cấp cứu, cũng là một trong 7,800 bác sĩ đã từ chức trong cuộc đối đầu với chính phủ, bất chấp việc đe dọa sẽ bị bắt giữ.
Bác sĩ Ryu và Park đều cho rằng, các bác sĩ trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống y tế tiên tiến của Hàn Quốc, nhưng lại đang phải làm việc quá sức, với mức lương bèo bọt và không được chính phủ lắng nghe.
Các bệnh viện đã phải từ chối bệnh nhân và hủy bỏ các ca phẫu thuật trong tháng sau khi khoảng 2/3 số bác sĩ trẻ của nước này đình công để phản đối chính sách của chính phủ.
Đội ngũ bác sĩ trẻ cho biết, lương và điều kiện làm việc của họ nên được ưu tiên hơn là các kế hoạch nhằm tăng số lượng y bác sĩ. Trong khi đó, Chính phủ lại mong muốn có thêm nhiều nhân viên y tế hơn nữa để tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở những vùng sâu vùng xa và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của một trong những xã hội có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.
Theo Reuters, hệ thống y tế hiện tại ở Hàn Quốc được vận hành bằng cách sử dụng sức lao động của các bác sĩ thực tập với mức lương rẻ mạt. Các bác sĩ cấp cao và bác sĩ tư nhân tuy không tham gia vào làn sóng đình công này nhưng đã tổ chức các cuộc biểu tình kêu gọi Chính phủ hủy bỏ kế hoạch của mình, với 400 người tập trung tại Seoul vào ngày 25/2 vừa qua.
Tuy nhiên, một cuộc thăm dò gần đây của Gallup Korea cho thấy kế hoạch tăng cường tuyển sinh trường y của Chính phủ Hàn Quốc lại nhận được nhiều sự ủng hộ, với khoảng 76% số người được hỏi, bất kể dở đảng phái chính trị nào.
Những vết nứt giữa bệnh nhân và chính sách
Theo Hiệp hội thường trú thực tập sinh Hàn Quốc, các bác sĩ thực tập và nội trú tại đây phải làm việc theo ca 36 giờ, so với các ca làm việc dưới 24 giờ ở Mỹ. Báo cáo còn cho biết, một nửa số bác sĩ trẻ của Mỹ làm việc 60 giờ một tuần hoặc ít hơn, trong khi các bác sĩ Hàn Quốc thường làm việc với tần suất lên đến hơn 100 giờ.
Bác sỹ Ryu cho biết, ông làm việc hơn 100 giờ một tuần tại một trong những bệnh viện đại học danh tiếng nhất Hàn Quốc, với mức lương từ 2 triệu won đến 4 triệu won (1.500-3.000 USD) một tháng, bao gồm cả tiền làm thêm giờ. Nhưng theo dữ liệu của Hiệp hội Y khoa Mỹ, một bác sĩ của nước này có thể kiếm được trung bình khoảng 5.000 USD một tháng trong năm đầu tiên.
Các bệnh viện hiện vẫn chưa xử lý đơn xin từ chức của các bác sĩ phản đối. Chính phủ Hàn Quốc đã ra lệnh cho họ quay trở lại làm việc, thậm chí là đe dọa bắt giữ hay thu hồi giấy phép hành nghề. Chính quyền nước này cho rằng hành động tập thể này là không thể biện minh được và các bác sĩ phải đặt mạng sống của người dân lên hàng đầu.
Trong khi đó, bác sĩ Park và những người khác cho rằng yêu cầu này của Chính phủ là trái với Hiến pháp, bắt buộc người dân phải làm việc trái với ý muốn của mình.
Các bác sĩ đình công chỉ chiếm một phần nhỏ trong số 100.000 bác sĩ của Hàn Quốc, nhưng chiếm hơn 40% số lượng nhân viên tại các bệnh viện giảng dạy lớn, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng cấp cứu, phòng chăm sóc đặc biệt và phòng phẫu thuật.
Năm phòng cấp cứu lớn nhất tại Hàn Quốc ngày 25/2 đã phải ở trong tình trạng báo động đỏ khi đối mặt với tình trạng hết giường bệnh. Thủ tướng Han Duck-soo hôm 23/2 cho biết, các bệnh viện công sẽ kéo dài thời gian mở cửa, thậm chí mở cửa vào cả cuối tuần và ngày lễ để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ông Park, Chủ tịch Hiệp hội thực tập sinh Hàn Quốc mong muốn chính quyền bổ sung thêm các bác sĩ vào những chuyên ngành thiết yếu như nhi khoa và khoa cấp cứu tại các bệnh viện lớn. Các bác sĩ muốn có được những sự bảo vệ pháp lý tốt hơn khỏi các vụ kiện và mong muốn có những thay đổi đối với hệ thống bệnh viện đang dựa vào lực lượng lao động chính là các bác sĩ với mức lương thấp cùng các dịch vụ ngoài bảo hiểm để duy trì hoạt động ở một quốc gia thường được ca ngợi vì cung cấp bảo hiểm y tế chất lượng toàn cầu với giá cả phải chăng.
Ông Park cho biết, bản thân mình bị “giằng xé” giữa bệnh nhân và việc Chính phủ thực thi chính sách mà không lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đội ngũ bác sĩ. "Được chữa trị cho bệnh nhân là một niềm tự hào, điều đã giúp tôi đi được tới ngày hôm nay. Thật đau lòng và khó khăn khi phải từ bỏ công việc này. Nhưng hệ thống y tế hiện tại đã bị bóp méo và chúng tôi cần những điều tốt hơn thế”, ông Park nói.