Vì sao không thể xóa sổ Covid-19 và các nước đang sống chung với virus như thế nào?

VOV.VN - Ngày càng nhiều quốc gia cho rằng, chúng ta không thể sống mãi trong phong tỏa và cần vượt qua sự ám ảnh về mục tiêu không Covid, đồng thời biến virus trở thành "kẻ sống chung" ít đe dọa hơn trên hành tinh này.

Vì sao không thể xóa sổ Covid-19?

Trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược "Không Covid" (Zero Covid) thì những người phát ngôn chính phủ của Australia và New Zealand đã thể hiện sự hoài nghi về chiến lược này,

Chính Thủ tướng Australia Scott Morrison đã khẳng định việc quốc gia này quay trở về thời điểm đưa số ca mắc về con số 0 là điều khả năng cao không thể xảy ra. Bộ trưởng Phản ứng với Covid-19 của New Zealand Chris Hipkins đã thừa nhận rằng bản chất dễ lây nhiễm của biến thể Delta đã làm dấy lên "những câu hỏi lớn" về hướng tiếp cận "loại bỏ dịch bệnh".

Singapore trước đó đã từ bỏ chiến lược Không Covid và Israel bắt đầu thừa nhận rằng việc tuyên bố tiêu diệt virus đang dần đi vào bế tắc. Hầu hết các quốc gia đều nhất trí rằng chúng ta sẽ phải sống chung với virus trong khi ngăn chặn các ca bệnh nặng và ca tử vong qua chiến lược tiêm vaccine diện rộng.

Tom Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) gần đây đã nhận định rằng còn nhiều điều chúng ta không hiểu về virus này.

Không nói riêng gì virus SARS-CoV-2, những gì chúng ta biết về quá trình tiến hóa của các loại vi sinh vật khác khiến chúng ta nên tránh việc đưa ra những khẩu hiệu tuyên chiến như xóa sổ virus. Chỉ có 2 loại virus duy nhất hoàn toàn bị xóa sổ cho tới nay là virus gây bệnh đậu mùa ở con người và virus gây nên dịch tả ở gia súc. Thậm chí, bệnh bại liệt vẫn chưa được xóa sổ hoàn toàn trên thế giới khi vẫn có những trường hợp mắc bệnh ở Afghanistan và Pakistan.

Xóa sổ virus SARS-CoV-2 là một tham vọng hoàn toàn phi thực tế, đặc biệt khi một loại virus về hô hấp bắt đầu lan nhanh và rộng. Những điều đó rõ ràng cho thấy chiến lược chiến thắng duy nhất là phải bảo vệ người dân khỏi các triệu chứng nặng qua chiến dịch tiêm vaccine và sử dụng các biện pháp đã được kiểm chứng để ngăn chặn sự lây nhiễm cho tới khi chúng ta có thể tiêm vaccine cho phần lớn dân số. Bằng cách làm như vậy, chúng ta sẽ hướng đến việc biến virus trở nên ít nguy hiểm hơn thậm chí cả khi nó vẫn tiếp tục hiện diện trên thế giới.

Các quốc gia trên thế giới đang sống chung với virus như thế nào?

Singapore

Singapore đã quyết định từ bỏ giấc mơ Không Covid mà thay vào đó sẽ học cách "sống chung với virus", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định ngày 29/8, mặc dù Singapore là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới với 80% người trưởng thành đã được tiêm vaccine đầy đủ.

Singapore, một quốc gia với khoảng 5,7 triệu dân, từng là một trong những quốc gia theo đuổi chiến lược loại bỏ hoàn toàn số ca mắc thay vì chỉ hạn chế số ca mắc. Những quốc gia khác cũng theo đuổi chiến lược này là New Zealand, Trung Quốc, và Australia.

"Hiện không thể đưa số ca mắc về con số 0, thậm chí cả khi chúng ta phong tỏa trong thời gian dài. Vì vậy, chúng ta phải chuấn bị cho Covid-19 trở thành một bệnh đặc hữu, giống như cúm hoặc thủy đậu", Thủ tướng Lý Hiển Long nhận định.

"Thật may mắn, với việc tiêm vaccine và các biện pháp phòng ngừa, chúng ta có thể sống chung với virus".

Singapore đã thể hiện ấn tượng trong suốt cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu khi ghi nhận 67.000 ca mắc từ khi đại dịch bùng phát nhưng chỉ có 55 ca tử vong.

Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định, chính phủ của ông sẽ không từ bỏ việc ngăn chặn virus nhưng nước này sẽ từ bỏ mô hình Không Covid.

"Trong giai đoạn tới, chúng tôi sẽ thực hiện từng bước một. Không phải một bước chuyển đột ngột như một vài quốc gia mà sẽ thận trọng và dần dần tiến về phía trước".

Ấn Độ

Khi các bang ở Ấn Độ tăng cường các cơ sở hạ tầng y tế để chuẩn bị cho làn sóng Covid-19 thứ ba sắp đến, Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của WHO cho rằng, Ấn Độ có lẽ đang bước vào "giai đoạn lây nhiễm mang tính địa phương, khi mà sự lây nhiễm ở mức thấp hoặc mức trung bình và chúng ta sẽ không chứng kiến sự gia tăng số ca mắc theo cấp số nhân hay đạt đỉnh như cách đây một vài tháng".

Giai đoạn lây nhiễm cục bộ là khi đa phần dân số đã học được cách sống chung với virus. Nó rất khác với giai đoạn đại dịch khi virus lan tràn và áp đảo với toàn bộ dân số.

Theo CDC, bệnh đặc hữu (endemic) được định nghĩa là bệnh xuất hiện và thường lây lan trong dân số ở một khu vực địa lý nhất định. Một số bệnh được đưa vào loại này là thủy đậu và sốt rét.

Phần lớn các chuyên gia cho rằng virus SARS-CoV-2 sẽ tuân theo quá trình tiến hóa tự nhiên của virus khi cuối cùng sẽ trở thành bệnh đặc hữu.

"Chúng ta không thể hy vọng sẽ loại bỏ hay xóa sổ virus nhưng khi nó trở thành bệnh đặc hữu, chúng ta có thể sống chung với nó", chuyên gia Swaminathan cho hay.

Số ca mắc hàng ngày ở Ấn Độ đang có chiều hướng giảm nhưng vẫn cần theo dõi và thận trọng. Dù vậy, người ta hy vọng rằng khi ngày càng nhiều người được tiêm vaccine hoặc phát triển miễn dịch tự nhiên, số ca mắc hàng ngày sẽ trở nên ổn định trong khi số ca tử vong và số ca bệnh nặng sẽ trở nên hiếm hoi hơn.

Israel

Hơn 7.000 người Israel dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày 28/8, với tỷ lệ dương tính là 7,09%, mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 2/2021 mặc dù một chuyên gia hàng đầu nước này lạc quan cho rằng dịch bệnh đã được kiểm soát trước khi vào năm học mới.

Bộ trưởng Y tế Israel Nachman Ash nhận định rằng trong năm nay nước này sẽ không có thêm đợt phong tỏa nào nữa.

"Sẽ có những người phải cách ly bắt buộc và chúng tôi đang nỗ lực để hạn chế tối đa điều đó", ông Nachman Ash cho hay.

Nhà sinh học Viện Weizmann - Eran Segal, một cố vấn hàng đầu của chính phủ Israel về Covid-19 cho biết: "Sự bùng phát dịch bệnh sẽ không dừng lại nhưng chắc chắn tỷ lệ lây nhiễm sẽ giảm. Số ca bệnh nặng mới sẽ ở mức ổn định và ở khoảng 100 ca/ngày nhưng sẽ có khoảng 20% trong số đó có nguy cơ tử vong vì dịch bệnh này".

Tỷ lệ dân số Israel được tiêm vaccine đủ liều là hơn 60%. Ngoài ra, gần 70% những người từ 16 - 19 tuổi ở Israel đã được tiêm đầy đủ vaccine với 80% được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Trong số trẻ em từ 12 - 15 tuổi, 30% trong số này được tiêm vaccine đầy đủ và ít nhất 45% được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Gần 2 triệu người Israel đã được tiêm mũi vaccine tăng cường với 80% trong số này có độ tuổi từ 70 - 79.

Chuyên gia về Covid-19 của Israel Salman Zarka nhận định, Israel đang học cách sống chung với Covid-19.

"Virus này vẫn ở đây. Sẽ có làn sóng thứ năm sau làn sóng thứ tư. Khi chúng ta chấp nhận rằng virus sẽ luôn ở đây, chúng ta sẽ phải học cách sống chung với nó và tìm kiếm sự cân bằng".

Ireland

Ireland, một trong những quốc gia châu Âu phong tỏa lâu nhất sẽ chấm dứt gần như tất cả các biện pháp hạn chế Covid-19 vào tháng 10 sau một trong những chiến dịch tiêm vaccine thành công nhất châu lục, Thủ tướng Micheal Martin cho hay ngày 31/8.

Từ 22/10, yêu cầu trình giấy chứng nhận tiêm vaccine khi vào trong quán bar hoặc nhà hàng, cùng với tất cả các biện pháp hạn chế về số lượng người khi tham gia các sự kiện trong nhà và ngoài trời sẽ được gỡ bỏ.

Như một phần trong việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn, chính phủ nước này đang khuyến khích mở lại các nhà hát và rạp chiếu phim với 60% sức chứa vào tuần sau, cũng như các lực lượng lao động trong các ngành không thiết yếu có thể quay lại văn phòng làm việc từ 20/9.

Gần 90% người trưởng thành ở Ireland đã được tiêm vaccine đầy đủ. Việc ăn uống trong các quán cafe, quán bar và nhà hàng bị cấm ở Ireland trong suốt 16 tháng cho tới tháng 7, khi chính phủ cho phép các cơ sở kinh doanh này mở cửa với những người đã tiêm vaccine.

Dù vậy, Thủ tướng Martin đã đưa ra một thông báo, cảnh báo về sự gia tăng số ca mắc trong những tuần tới trước khi chứng kiến tỷ lệ này giảm xuống.

"Chúng ta không thể xóa sổ virus này hoàn toàn", Thủ tướng Ireland nhận định.

***

Con người cần nối lại các hoạt động kinh tế - xã hội, mặc dù vẫn cần thận trọng trước dịch bệnh. Chúng ta không thể sống mãi trong phong tỏa về lâu dài và cần vượt qua sự ám ảnh về mục tiêu không Covid trong khi biến virus trở thành "kẻ sống chung" ít đe dọa hơn trên hành tinh này.

Việc từ bỏ chiến lược Không Covid cũng yêu cầu những cam kết mới về sự đoàn kết trên toàn cầu. Nếu tất cả mọi người không cùng nhau thực hiện những biện pháp ngăn chặn sự lây nhiễm và phần lớn người dân ở các quốc gia chưa được tiêm vaccine, virus có thể tạo ra những đột biến mới với độc lực không hề thuyên giảm thậm chí cả khi mức độ lây nhiễm đã giảm. Việc nhận thức về điều này cần được hưởng ứng bởi mọi người nói chung chứ không chỉ là một vài nhóm nhỏ. Điều đó yêu cầu sự thay đổi hành vi của những người từ chối đeo khẩu trang, phản đối tiêm vaccine hay những quốc gia đang tích trữ vaccine. Nếu không làm được điều đó, virs sẽ tiếp tục lây lan và khiến nhiều người tử vong hơn thậm chí cả khi bản năng tiến hóa của nó không cần thiết phải làm vậy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

3 bài học từ giai đoạn đầu đại dịch Covid-19 đến nay đã “lỗi thời”
3 bài học từ giai đoạn đầu đại dịch Covid-19 đến nay đã “lỗi thời”

VOV.VN - Theo Vox, tình hình Covid-19 hiện tại rất khác so với nửa đầu năm 2020, thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát, bởi vậy cần có cần những cách tiếp cận mới để phù hợp với diễn biến của dịch bệnh.

3 bài học từ giai đoạn đầu đại dịch Covid-19 đến nay đã “lỗi thời”

3 bài học từ giai đoạn đầu đại dịch Covid-19 đến nay đã “lỗi thời”

VOV.VN - Theo Vox, tình hình Covid-19 hiện tại rất khác so với nửa đầu năm 2020, thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát, bởi vậy cần có cần những cách tiếp cận mới để phù hợp với diễn biến của dịch bệnh.

Thái Lan: “Sống chung với Covid-19", chấp nhận "rủi ro có tính toán"
Thái Lan: “Sống chung với Covid-19", chấp nhận "rủi ro có tính toán"

VOV.VN - Thái Lan đang chuẩn bị cho kế hoạch sống chung với Covid-19 khi các kế hoạch sơ bộ được vạch ra để nới lỏng một số hạn chế và mở cửa lại biên giới cho những du khách đã tiêm chủng, ngay cả khi số ca mắc mới khoảng 20.000 ca/ngày.

Thái Lan: “Sống chung với Covid-19", chấp nhận "rủi ro có tính toán"

Thái Lan: “Sống chung với Covid-19", chấp nhận "rủi ro có tính toán"

VOV.VN - Thái Lan đang chuẩn bị cho kế hoạch sống chung với Covid-19 khi các kế hoạch sơ bộ được vạch ra để nới lỏng một số hạn chế và mở cửa lại biên giới cho những du khách đã tiêm chủng, ngay cả khi số ca mắc mới khoảng 20.000 ca/ngày.

Dịch Covid-19 tại Mỹ tồi tệ hơn năm 2020 dù 50% dân số tiêm phòng đầy đủ
Dịch Covid-19 tại Mỹ tồi tệ hơn năm 2020 dù 50% dân số tiêm phòng đầy đủ

VOV.VN - Lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021, Mỹ ghi nhận hơn 100.000 người phải nhập viện do Covid-19. Các nhân viên y tế cho biết, một lần nữa, họ phải tiếp tục vật lộn để điều trị làn sóng bệnh nhân tăng đột biến.

Dịch Covid-19 tại Mỹ tồi tệ hơn năm 2020 dù 50% dân số tiêm phòng đầy đủ

Dịch Covid-19 tại Mỹ tồi tệ hơn năm 2020 dù 50% dân số tiêm phòng đầy đủ

VOV.VN - Lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021, Mỹ ghi nhận hơn 100.000 người phải nhập viện do Covid-19. Các nhân viên y tế cho biết, một lần nữa, họ phải tiếp tục vật lộn để điều trị làn sóng bệnh nhân tăng đột biến.