Vì sao Mỹ chi rất nhiều tiền cho việc bảo vệ các đồng minh?
VOV.VN - Mỹ đã từng và vẫn đang chi rất nhiều tiền cho việc bảo vệ các đồng minh của mình. Cụ thể điều đó như thế nào?
Kể từ khi Donald Trump khởi động chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2015, ông đã chỉ trích số tiền mà các đồng minh của Mỹ đóng góp cho việc bảo vệ chính họ.
Giờ đây chính quyền Trump đang yêu cầu Nhật Bản và Hàn Quốc trả thêm tiền cho các binh sĩ Mỹ đóng tại các nước này.
Quân đội Mỹ ở Hàn Quốc. |
Truyền thông cũng đưa tin rằng ban lãnh đạo quân sự Mỹ ở Hàn Quốc đã thảo luận khả năng rút tới 4.000 quân khỏi Hàn Quốc nếu nước này không tăng khoản đóng góp của mình. Lầu Năm Góc kể từ đó đã phủ nhận thông tin này.
1. Như vậy là thế nào?
Mỹ hiện có khoảng 174.000 nhân viên quân sự được triển khai tới xấp xỉ 140 nước. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, tổng chi phí của họ cho các căn cứ nước ngoài và việc triển khai quân tới đây là 24,4 tỷ USD trong năm tài khóa 2020. Con số này chưa tính tới chi phi cho các hoạt động chiến đấu đang diễn ra hiện nay.
Khi các nước mạnh hơn cung cấp an ninh cho các nước yếu hơn, các nước mạnh hơn sẽ được nhận lại các lợi ích phi vật chất.
Thí dụ, nước yếu hơn có thể hy sinh quyền kiểm soát đối với chính sách đối ngoại của mình và trao cho nước lớn quyền tiếp cận lãnh thổ hoặc không phận mà bình thường họ không thể làm được thế. Việc triển khai quân ở Nhật Bản và Hàn Quốc mang lại cho Mỹ khả năng gây ảnh hưởng lên các vấn đề khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á trong Chiến tranh Lạnh.
Ngoài ra, nhân viên quân sự Mỹ đã phục vụ với tư cách là tuyến đầu của hoạt động ngoại giao công chúng của Mỹ trong 70 năm qua thông qua các công việc thường lệ và tương tác hàng ngày với người dân địa phương. Mỹ đã đặc biệt hiệu quả trong việc xây dựng “sức mạnh mềm”, nghĩa là người dân ở các nước khác ủng hộ Mỹ do tình cảm của họ dành cho người Mỹ và văn hóa Mỹ.
2. Mỹ đặt căn cứ ở Nhật Bản và Hàn Quốc từ bao giờ?
Kể từ khi kết thúc Thế chiến 2 vào năm 1945 và Chiến tranh Triều Tiên vào năm 1953, Mỹ đã duy trì một số căn cứ quân sự và hàng chục ngàn nhân viên quân sự ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc.
Sau khi Nhật Bản giành lại chủ quyền vào năm 1951, Mỹ và Nhật Bản đã ký một hiệp ước hướng tới sự tương trợ quốc phòng và một thỏa thuận cho phép Mỹ hoạt động và duy trì các căn cứ quân sự ở Nhật Bản. Hiện nay có xấp xỉ 55.000 lính Mỹ ở Nhật Bản.
Hàn Quốc đã đón nhận quân Mỹ vào lãnh thổ mình đồn trú từ thời Chiến tranh Triều Tiên, khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho phép các quốc gia thành viên đánh đẩy quân Triều Tiên ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc. Sau khi có hiệp định đình chiến 1953, các lực lượng Mỹ tiếp tục cung cấp an ninh cho Hàn Quốc và răn đe lực lượng Triều Tiên ở phía bắc. Hiện có xấp xỉ 26.500 quân Mỹ ở Hàn Quốc.
3. Nhật-Hàn bình thường đóng góp bao nhiêu?
Mỹ đã đàm phán các thỏa thuận với cả Nhật Bản và Hàn Quốc với nội dung chi tiết về việc chia sẻ kinh phí với từng nước.
Lượng đóng góp cụ thể và các hoạt động mỗi nước phụ trách sẽ khác biệt theo thời gian và tùy theo nước. Tuy nhiên, các đóng góp của các đồng minh Mỹ nói chung là đáng kể.
Chẳng hạn, năm 2019, Mỹ và Hàn Quốc đàm phán một thỏa thuận kêu gọi Hàn Quốc đóng góp xấp xỉ 893 triệu USD.
Thỏa thuận hiện nay của Nhật Bản không tuyên bố rõ về tổng đóng góp. Tuy nhiên, mức đóng góp hiện nay của Nhật Bản lên tới xấp xỉ 1,7 tỷ USD.
Bộ Quốc phòng Mỹ hiện ước tính tổng chi phí duy trì hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt là 4,5 tỷ USD và 5,7 tỷ USD.
Các con số này chỉ là phản ánh sơ bộ về quan hệ tài chính giữa nước chủ nhà và Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng. Chúng chưa chứa đựng các chuyển giao khác, như việc Nhật Bản mua các hệ thống vũ khí của Mỹ và các chi phí khác mà chính quyền Nhật Bản chịu.
4. Người dân ở các nước khác nhìn nhận thế nào về sự hiện diện của quân đội Mỹ?
Năm 2018, một cuộc điều tra đã được thực hiện ở 14 nước, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, với khoảng 1.000 người được hỏi ở mỗi nước.
Người dân ở các nước này nói chung cảm thấy tích cực hoặc có thái độ trung lập về quân nhân Mỹ đồn trú tại đây. Những người có tiếp xúc trực tiếp với quân nhân Mỹ hoặc có gia đình và bạn bè tương tác với lực lượng này thường có xu hướng nói tốt về quân Mỹ.
Ngoài ra, khoảng 10-20% số người được hỏi cho hay đã nhận được lợi ích tài chính từ sự hiện diện của quân đội Mỹ. Điều này có thể bao gồm việc các quân nhân Mỹ sử dụng dịch vụ từ các doanh nghiệp của họ hoặc bản thân họ được quân đội Mỹ tuyển dụng.
Tất nhiên quan điểm của người dân địa phương là đa dạng. Đã có những phong trào phản đối lính Mỹ trên đảo Okinawa của Nhật Bản, quanh căn cứ không quân Ramstein của Đức, và ở cả Hàn Quốc. Mỹ càng yêu cầu các nước chủ nhà chi trả cho sự hiện diện của họ thì các chính trị gia ở các nước đó càng ít ủng hộ việc duy trì thỏa thuận giữa đôi bên.
5. Yêu cầu của Tổng thống Trump liệu có hợp lý?
Việc thảo luận liệu các đồng minh của Mỹ có đóng góp đủ cho việc phòng vệ của họ hay không là điều đã có từ lâu.
Tuy nhiên, có 2 yếu tố khiến cho các yêu cầu của ông Trump là mới lạ.
Thứ nhất, các thương lượng với Hàn Quốc trước đây đã xảy ra cứ 4 tới 5 năm một lần. Chính quyền Trump đã thay đổi điều này vào cuối năm này thành hàng năm đối với Hàn Quốc. Các đàm phán này rất phức tạp và có thể khiến đàm phán hàng năm trở nên vừa tốn thời gian vừa gây xáo trộn.
Thứ hai, các báo cáo cho thấy các yêu cầu mới của ông Trump không dựa trên các nhu cầu quân sự rõ ràng của Mỹ.
Các cuộc thăm dò cho thấy mặc dù người Mỹ đang ngày càng hoài nghi về sự can thiệp của Mỹ vào Afghanistan và Iraq, người Mỹ vẫn ủng hộ sự can dự hiện nay của Mỹ vào thế giới và các cam kết của nước này đối với các đồng minh./.