Vì sao Mỹ coi châu Á là trọng tâm chiến lược?
Lợi ích kinh tế, chính trị, quân sự của Mỹ đều nằm ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có bài viết đăng trong TC “Foreign Policy” số 11/2011, với tiêu đề “Kỷ nguyên Thái Bình Dương của Mỹ”, trong đó khẳng định tương lai chính trị sẽ được quyết định ở châu Á, chứ không phải Afghanistan hay Iraq.
Tổng thống Obama, trong bài phát biểu trước Quốc hội Australia ở Canberra, đã nhấn mạnh: "Hoa Kỳ là cường quốc Thái Bình Dương và chúng tôi sẽ mãi hiện diện ở đây". Vì thế, câu hỏi vì sao Mỹ coi châu Á là trọng tâm chiến lược được dư luận quốc tế quan tâm.
Châu Á – Thái Bình Dương đã trở thành động lực chính của nền chính trị toàn cầu. Trải dài từ tiểu lục địa Ấn Độ đến bờ biển phía Tây của Mỹ, khu vực rộng lớn chiếm 50% dân số thế giới đang ngày càng có vị trí quan trọng trong giao thương hàng hải quốc tế. Đây cũng là nơi có nhiều quốc gia đầu tầu của kinh tế thế giới, đồng thời cũng là những đối tượng thải ra chất gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất.
Khu vực này gồm một số đồng minh chủ chốt của Mỹ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Phillippines, Thái Lan và một số cường quốc mới nổi quan trọng như: Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.
Chính giới Mỹ cho rằng, khai thác một châu Á tăng trưởng và năng động là trung tâm lợi ích kinh tế và chiến lược của Mỹ, đồng thời là ưu tiên quan trọng hàng đầu đối với Tổng thống Obama. Những thị trường mở ở châu Á cung cấp cho Mỹ những cơ hội đầu tư, giao thương và tiếp cận công nghệ tiên tiến chưa từng có.
Sự phục hồi kinh tế trong nước của Mỹ sẽ phụ thuộc vào xuất khẩu và khả năng khai thác thị trường tiêu dùng rộng lớn đang ngày càng phát triển mạnh mẽ ở khu vực châu Á của các công ty Mỹ.
Mới đây phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế ở New York, bà Hillary cho biết: “Khi Mỹ đã kết thúc cuộc chiến tại Iraq và đưa binh sỹ về nước, thì đây là thời điểm chúng ta phải đưa ra một quyết định quan trọng. Trọng tâm chiến lược cũng như kinh tế đang chuyển đổi sang phía Đông, do đó Mỹ chuyển sang tập trung nhiều hơn vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định quan điểm tương tự khi nói về chiến lược quốc phòng của Mỹ tại Tokyo. Ông L. Panetta nói rằng, Mỹ sẽ luôn thể hiện mình là một cường quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đó cũng là thông điệp được Tổng thống Mỹ Obama một lần nữa khẳng định tại các cuộc họp đa phương cũng như song phương với các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị APEC tại Hawaii. Tổng thống Mỹ Obama đã cam kết một kỷ nguyên mới của Mỹ đối với khu vực châu Á và coi châu Á là một khu vực giúp Mỹ tăng gấp đôi xuất khẩu của mình vào năm 2015, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân Mỹ đồng thời thúc đẩy kinh tế của Mỹ phát triển.
Cạnh tranh khu vực
Quan hệ Mỹ - Trung là một trong những mối quan hệ song phương có nhiều thách thức và có tính hệ lụy nhất đối với Mỹ. Do vậy, Mỹ có cách đề cập cẩn trọng, nhất quán và năng động trên cơ sở thực tế, tập trung vào kết quả và trung thành với các nguyên tắc và lợi ích của Mỹ.
Với Trung Quốc, Mỹ phản đối cả hai quan điểm: Hoặc cho rằng sự phát triển của Trung Quốc là mối đe dọa đối với Mỹ, hoặc cho rằng Mỹ đang tìm cách kiềm chế Trung Quốc. Thực tế, một nước Mỹ thịnh vượng là tốt cho Trung Quốc và một Trung Quốc phát triển mạnh là tốt cho Mỹ.
Hợp tác giữa hai nước mang lại nhiều lợi ích hơn là đối đầu. Nhưng hai nước cũng không thể xây dựng quan hệ dựa trên khát vọng, mà phải thông qua hợp tác hiệu quả và điều quan trọng là đảm nhận được nghĩa vụ và trách nhiệm toàn cầu của mỗi quốc gia. Điều đó sẽ quyết định tương lai quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Mỹ sẽ tiếp tục đặt cơ sở quan hệ và đối thoại với Trung Quốc trong khung cảnh khu vực rộng lớn hơn về nhiều lĩnh vực như kinh tế, chiến lược, an ninh năng lượng, hàng hải, quân sự, kinh tế và các vấn đề xã hội.
Tổng thống Obama nói: "Chúng tôi sẽ tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác với Bắc Kinh, bao gồm trao đổi thông tin nhiều hơn giữa hai quân đội nhằm tăng cường hiểu biết và tránh những tính toán sai lầm. Chúng tôi đã nhìn thấy rằng Trung Quốc có thể là một đối tác, từ giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cho tới ngăn chặn phổ biến vũ khí".
Tuy nhiên, ngay trước khi rời Nhà Trắng, thực hiện chuyến công du tới châu Á – Thái Bình Dương, Tổng thống Obama đã phê chuẩn đề xuất của Lầu Năm Góc thành lập phòng đặc biệt chuyên trách vấn đề đối phó với Trung Quốc.
Chiến lược “Trở lại châu Á”
“Là một quốc gia Thái Bình Dương, Mỹ sẽ đóng một vai trò lớn hơn và lâu dài trong việc định hình khu vực và tương lai ở đây bằng cách duy trì nguyên tắc cốt lõi và mối quan hệ đối tác chặt chẽ với các đồng minh và bạn bè của chúng tôi" (Tổng thống Obama phát biểu tại Australia).
Có thể nói rằng, chưa bao giờ các quan chức cấp cao của Mỹ lại nhấn mạnh đến vai trò của khu vực châu Á - Thái Bình Dương như thời gian gần đây. Tại hầu hết các cuộc họp quốc tế cũng như trong nước, chủ đề về châu Á- Thái Bình Dương được các quan chức Mỹ liên tục đề cập và với tần suất ngày càng cao hơn.
Mỹ luôn thể hiện tiềm năng và sức mạnh quân sự (ảnh KT) |
Các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách của Mỹ dự đoán rằng tương lai của Mỹ sẽ rộng mở hơn ở khu vực châu Á so với châu Âu. Sự chuyển hướng chiến lược này của Mỹ được Ngoại trưởng Hillary mô tả là thế kỷ mới giữa Mỹ và châu Á. Bà Hillary cho rằng đã đến lúc Mỹ phải định hình lại vị trí của mình trong bối cảnh mới của thế giới.
Để thực hiện chiến lược “trở lại châu Á”, Mỹ đã đề ra 6 định hướng chính: tăng cường các liên minh an ninh song phương; tăng cường quan hệ của Mỹ với các cường quốc mới nổi (cả Trung Quốc); tham gia vào các tổ chức đa phương khu vực; mở rộng thương mại và đầu tư; tạo dựng sự hiện diện quân sự trên diện rộng; và thúc đẩy dân chủ-nhân quyền.
Đối với các đồng minh, Mỹ hướng đến 3 nguyên tắc: (1) Duy trì đồng thuận về chính trị đối với những giá trị cốt lõi; (2) Bảo đảm quan hệ linh hoạt và thích nghi để ứng phó thành công với những thách thức và cơ hội mới; (3) Bảo đảm khả năng phòng thủ và hạ tầng thông tin để có thể ngăn chặn, răn đe bất cứ hành động khiêu khích nào của các nhà nước và thực thể phi nhà nước.
Tăng cường quan hệ với các quốc gia mới nổi và các quốc đảo tại Thái Bình Dương là một phần của nỗ lực rộng lớn hơn để đảm bảo sự tiếp cận toàn diện hơn và sự góp mặt của Mỹ trong khu vực. “Chúng tôi mong muốn các đối tác đang nổi này cùng với Mỹ tham gia vào việc định hình một trật tự khu vực và toàn cầu dựa trên luật lệ”.
Mỹ ủng hộ cơ chế 3 bên mới Mỹ–Nhật–Ấn; tăng cường các quan hệ song phương, coi trọng hợp tác đa phương, tham gia tích cực vào các thể chế khu vực ASEAN, APEC và đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chương trình nghị sự của các tổ chức này.
Tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực, Mỹ tiến hành “hiện đại hóa” các thỏa thuận nền tảng với các đồng minh truyền thống tại Đông Bắc Á; Mỹ tìm cách tăng cường sự hiện diện tại Đông Nam Á và Ấn Độ Dương. Mỹ sẽ triển khai tàu tuần tra duyên hải tại Singapore; đã thỏa thuận với Australia nhằm mở rộng hiện diện quân sự tại đây; tìm cách tăng cường tiếp cận chiến thuật tại Đông Nam Á và Ấn Độ Dương...
Như vậy, từ học thuyết, chiến lược, chính sách… đến nay Mỹ đã thực sự hành động “trở lại châu Á”, khiến cho chính trường khu vực và quốc tế trở nên sôi động với những toan tính chiến lược khác nhau trong thời gian gần đây./.