Vì sao Mỹ rút khỏi Hiệp ước hạt nhân lại là cơn ác mộng đối với Trung Quốc?
VOV.VN - Việc rút khỏi INF có thể cho phép Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc phát triển những loại vũ khí mà trước đó từng bị cấm trong Hiệp ước này.
Phát súng nhắm vào Trung Quốc
Ngày 20/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký kết vào năm 1987 với cáo buộc Nga đã “vi phạm thỏa thuận này trong nhiều năm qua”. “Chúng tôi sẽ không để họ vi phạm thỏa thuận hạt nhân, vượt rào và chế tạo vũ khí trong khi chúng tôi không được phép”, ông Donald Trump nói.
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký hiệp ước INF năm 1987. Ảnh: Reuters. |
Theo giới quan sát, bất chấp việc Tổng thống Trump nhiều lần chĩa mũi nhọn vào Nga, kế hoạch của Mỹ rút khỏi thỏa thuận này không chỉ là vì Nga hay vì bản thân vũ khí hạt nhân, mà trong kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược mới, động thái của Mỹ còn tập trung vào cuộc đua với Trung Quốc tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia Yang Danzhi từ Trung tâm Nghiên cứu về an ninh khu vực thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc lưu ý, tuyên bố của ông Trump nhắm vào Trung Quốc đầu tiên: “Hiệp ước INF đã thiết lập giới hạn và rào cản đối với cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và Mỹ. Kế hoạch của Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước INF đồng nghĩa với việc họ sẽ không bị kiểm soát bởi bất cứ bên nào trong lĩnh vực này và sẽ thoải mái đưa ra các quyết định. Lý do tại sao Mỹ rút khỏi một loạt các thỏa thuận là bởi nước này không thể kiểm soát các đối thủ cạnh tranh theo cách riêng vì các cơ chế và thỏa thuận quốc tế không cho phép”.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Mỹ lại liên kết Trung Quốc với Hiệp ước INF? Lý giải về vấn đề này, học giả Trung Quốc nhấn mạnh, Mỹ đã xác định Nga và Trung Quốc là các đối thủ chiến lược lớn của nước này: “Xuất phát từ những mâu thuẫn về kinh tế và an ninh, Mỹ đang xem Trung Quốc là địch thủ. Bằng cách sử dụng thông điệp chống Trung Quốc làm cái cớ, Mỹ đang cố gắng từ bỏ tất cả các giới hạn liên quan đến việc kiểm soát an ninh và cuộc chạy đua vũ trang”.
Cùng chung quan điểm này, Fu Mengzi, phó giám đốc viện quan hệ quốc tế đương đại (Bắc Kinh), nhận định, việc Tổng thống Donald Trump công bố rút Mỹ khỏi hiệp ước INF là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc chiến “dài hơi” với Trung Quốc.
Trung Quốc có lợi thế hơn Mỹ?
Trung Quốc chưa từng đặt bút ký Hiệp ước về Các lực lượng hạt nhân tầm trung, vốn yêu cầu loại bỏ các tên lửa hạt nhân và tên lửa tầm ngắn và tầm trung có tầm bắn từ 500km đến 5.500km. Do vậy nước này có thể phát triển kho vũ khí quy chuẩn lớn phục vụ cho chiến lược “chống xâm nhập, chống tiếp cận” (A2/AD), chẳng hạn như tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay DF-21, với khả năng phá hủy các tàu sân bay từ khoảng cách lên đến 1.500km. Đây là những loại vũ khí mà Mỹ không được phép triển khai. Điều đó đã khiến Mỹ trở nên “tụt hậu” trong cuộc cạnh tranh phát triển hệ thống quân sự nhằm kiểm soát các vùng biển và vùng trời ở Tây Thái Bình Dương, vốn đang gia tăng những hành vi “thiếu thân thiện” trong những năm gần đây.
Trong trường hợp xung đột xảy ra, lực lượng chiến đấu trên mặt nước của hải quân Mỹ sẽ gặp bất lợi khi phải chống trả bằng những loại vũ khí có tuổi đời khá lâu, chẳng hạn như sử dụng Tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk hay các loại chiến đấu cơ dễ bị tổn thương, để đối phó với những loại vũ khí nguy hiểm có thể nằm ẩn bên trong lãnh thổ Trung Quốc.
Ông Christopher Johnson, nhà phân tích Trung Quốc tại CIA, hiện làm việc ở Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế tại Washington cho biết: “Trong bất cứ cuộc không chiến nào, chúng tôi có thể thực hiện tốt nhiệm vụ trong 2 ngày đầu tiên, nhưng sau đó chúng tôi phải di chuyển mọi thứ trở lại Nhật Bản và chúng tôi không thể tạo ra đủ sức mạnh từ địa điểm đó để tiến hành cuộc không kích sâu hơn vào lục địa Trung Quốc. Nếu không có khả năng tấn công hệ thống chống tàu ở đất liền, các tàu sân bay của Mỹ đang hoạt động ngoài khơi biển Trung Quốc sẽ bị đặt vào tình thế cực kỳ nguy hiểm”.
Tình thế đảo ngược nếu Mỹ rút khỏi INF
Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi INF có thể giúp đảo ngược tình huống này và tạo ra một kịch bản gây ác mộng đối với Trung Quốc. Hệ thống vũ khí quy chuẩn mới của Mỹ có thể bắt đầu với phiên bản tên lửa Tomahawk phóng từ mặt đất, song cũng có thể được mở rộng, bao gồm các loại tên lửa đạn đạo tương tự như tên lửa DF-21 và DF-26 của Trung Quốc. Những loại vũ khí này có thể được đặt tại các địa điểm xa xôi hẻo lánh như miền bắc Nhật Bản, Guam, miền nam Philippines, thậm chí phía bắc Australia.
Chúng sẽ giúp đặt nền móng cho chiến lược quân sự mới của Mỹ đối với khu vực Tây Thái Bình Dương vốn ngày càng nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia quốc phòng tại Washington. Chiến lược mới này sử dụng hệ thống A2/AD của Mỹ để phong tỏa các vùng biển nằm bên trong “chuỗi đảo thứ nhất” và biến các khu vực biển gần Trung Quốc thành những gì mà các học giả như Michael Swaine từng mô tả là “nơi không có sự xuất hiện của con người” trong trường hợp có chiến tranh. “Chuỗi đảo thứ nhất” được Mỹ xây dựng từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh có 4 điểm quan trọng: “Đầu chuỗi đảo” là Hàn Quốc, “đuôi chuỗi đảo” là Philippines, “khóa chuỗi đảo” là Đài Loan, “trọng tâm” là Nhật Bản.
Chiến lược như vậy, theo cách gọi của chuyên gia Andrew Krepinevich là Archipelagic Defense (tạm dịch là phòng thủ quần đảo) sẽ có khả năng ngăn chặn và chống lại các cuộc tấn công của Trung Quốc mà không đặt các loại tàu mặt nước của Mỹ vào tình thế nguy hiểm. Hơn nữa, nó cũng tiết kiệm kinh phí và hao tổn ít binh lực hơn so với việc duy trì các nhóm tác chiến tàu sân bay đắt đỏ để kiểm soát trên biển.
Các chiến lược gia Trung Quốc từ lâu đã lo ngại khả năng xảy ra kịch bản như vậy, khi mà lực lượng phòng thủ của Mỹ và các đồng minh trong khu vực ngăn chặn hải quân Trung Quốc phá vỡ “những lỗ hổng” của “chuỗi đảo thứ nhất, khiến Trung Quốc gặp bất lợi.
Nhiều nhà phân tích về vấn đề kiểm soát vũ khí cảnh báo rằng, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF có thể tạo ra “một cuộc chạy đua phát triển tên lửa” mới, còn thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov viết trên mạng xã hội Twitter nhấn mạnh, động thái này sẽ là “cú đòn giáng mạnh vào toàn bộ hệ thống ổn định chiến lược trên thế giới”. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia Nathan Levine, ít nhất là trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung Quốc đang leo thang căng thẳng như hiện nay thì quyết định của Tổng thống Donald Trump là điều dễ hiểu.
Vì nếu Mỹ theo chiến lược quốc phòng Archipelagic vạch ra ở trên thì trong trường hợp xảy ra xung đột, nước này sẽ không cần phải di chuyển khí tài quân sự đến gần phạm vi hoạt động của các loại vũ khí Trung Quốc. Bởi việc mất đi những loại khí tài đó sẽ là một thảm họa đối với nước Mỹ (chẳng hạn như chỉ cần một chiếc tàu sân bay bị phá hủy, thì sẽ cướp đi mạng sống của hàng nghìn binh sỹ Mỹ) và bất cứ nhà lãnh đạo Mỹ nào cũng sẽ phải chịu sức ép buộc phải mở rộng quy mô cuộc xung đột. Trong trường hợp ngược lại, một khi Mỹ phát triển được những loại vũ khí tấn công tầm xa thì nước này sẽ phải chịu ít hao tổn hơn.
Cây bút Nathan Levine của tờ National Interest cho rằng, trong khi nhiều hãng tin tức tập trung khai thác khía cạnh Nga có thể rút khỏi Hiệp ước INF, hay những thách thức tiềm ẩn đối với Châu Âu khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước này, thì cuộc chơi thực sự lại đang diễn ra ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương./.
Ông Gorbachev: Mỹ sai lầm khi rút khỏi Hiệp ước hạt nhân với Nga
Nga quyết khôi phục cân bằng quân sự nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước hạt nhân