Vì sao quân đội Nga tìm cách kiểm soát khu vực hạt nhân nguy hiểm Chernobyl?
VOV.VN - Chuyên gia Tim Mousseau cho rằng, quyết định của Nga tiến vào Ukraine thông qua một khu vực đầy nguy hiểm như Chernobyl có thể là dấu hiệu cho thấy chiến sự sẽ leo thang.
Thảm họa hạt nhân nguy hiểm có thể xảy ra
Khi quân đội Nga tiếp tục đẩy mạnh cuộc tấn công Ukraine, một thảm họa thứ cấp liên quan đến cuộc giao tranh giữa 2 nước láng giềng từng thuộc Liên Xô cũ có thể xảy ra: một vụ nổ hạt nhân tại Chernobyl.
Chiều ngày 24/2 (theo giờ địa phương), các lực lượng vũ trang Nga đã tiến vào vùng cấm rộng lớn và trống trải xung quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nơi từng diễn ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới năm 1986. Đêm cùng ngày, lực lượng Nga đã kiểm soát hoàn toàn khu vực này, bao gồm cả nhà máy điện hạt nhân, Thủ tướng Ukraine, Denys Shmyhal cho biết.
Phát biểu với hãng thông tấn UNIAN, ông Shmyhal nói: “Thật buồn khi phải thông báo rằng, mọi cơ sở tại khu vực Chernobyl, trong đó có “Vùng Cấm” và nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã bị các lực lượng vũ trang Nga chiếm đóng”.
Các cuộc giao tranh bên trong vùng cấm bao quanh nhà máy hạt nhân Chernobyl, trong đó có thành phố bị bỏ hoang Pripyat đang làm dấy lên lo ngại một thảm họa hạt nhân khác có thể xảy ra. Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, ông Rafael Mariano Grossi đang theo dõi sát sao tình hình và cho biết ông “cực kỳ lo ngại, kêu gọi các bên kiềm chế tối đa” để tránh gây nguy hiểm cho cơ sở hạt nhân này trong bối cảnh giao tranh tiếp diễn.
Ông Rafael Mariano Grossi cho biết: “Điều quan trọng là các hoạt động đảm bảo an toàn và bảo mật của các cơ sở hạt nhân trong khu vực đó không bị ảnh hưởng”.
Vào ngày 26/4/1986, lò phản ứng số 4 tại nhà máy điện hạt nhân ở Chernobyl, cách thủ đô Kiev gần 105 km phát nổ, phát tán một lượng lớn chất phóng xạ vào bầu khí quyển, khiến hơn 100.000 người trong bán kính hơn 2.500km2 phải đi sơ tán. Lò phản ứng bị tàn phá trong vụ nổ đã được niêm phong trong một cấu trúc hình mái vòm bằng kim loại có kích thước lớn bằng sân vận động, với tổng kinh phí xây dựng khoảng 2 tỷ USD. Nhưng 3 lò phản ứng khác không bị ảnh hưởng vẫn nằm lộ thiên, ông Tim Mousseau – giáo sư sinh học tại Đại học Nam Carolina, người đã nghiên cứu Chernobyl trong hơn 20 năm, cho biết.
Theo chuyên gia này, có 2.500 tấn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, chủ yếu là uranium và plutonium và một số chất đồng vị khác trong các bể làm mát của 3 lò phản ứng không bị hư hại vào năm 1986. Theo ông Tim Mousseau, các cuộc giao tranh hiện nay là “một mối đe dọa hiện hữu”, có thể tàn phá môi trường.
Nếu tên lửa bắn trúng lò phản ứng số 4, nơi còn lại khá nhiều chất phóng xạ hoặc những cơ sở tích trữ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng trong nhiều thập kỷ, thì điều này sẽ làm phát tán một lượng lớn bụi phóng xạ ra môi trường.
“Nếu khu vực tích trữ nhiên liệu hạt nhân bị trúng bất cứ loại tên lửa nào thì các chất phóng xạ sẽ lan xa và rộng trong môi trường, có thể gây ra thảm họa lớn hơn thảm họa hạt nhân năm 1986.
Chuyên gia Tim Mousseau cho rằng, khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân ở Chernobyl được cho là nơi nhiều chất phóng xạ nhất trên hành tinh. Tình trạng này kết hợp với điều kiện môi trường ngày càng xuống cấp do các cháy rừng xảy ra trong những năm gần đây có thể dẫn tới một đám cháy lớn làm phun trào nuclide (đồng vị phóng xạ” ra bầu khí quyển.
Mục đích của Nga giành quyền kiểm soát Chernobyl
Theo ông Tim Mousseau, quyết định của Nga tiến vào Ukraine thông qua một khu vực dễ bị tổn thương như Chernobyl có thể là dấu hiệu cho thấy chiến sự sẽ leo thang. Khi nói đến cuộc giao tranh tại nơi từng xảy ra thảm họa hạt nhân, ông cho rằng "cơn ác mộng tồi tệ nhất đã trở thành sự thật”.
“Giao tranh ở khu vực đó có thể gây ra thảm họa hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay”, chuyên gia này nhận định.
Trước đó cùng ngày, trong thông báo trên Twitter, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, quân đội Ukraine đang chiến đấu và "hy sinh mạng sống của họ" để tránh một thảm họa khác tương tự như thảm họa Chernobyl năm 1986.
“Đây là một lời tuyên chiến chống lại toàn bộ châu Âu,” ông Zelensky bình luận về việc quân đội Nga giành quyền kiểm soát khu vực Chernobyl.
Lý giải về việc tại sao Nga lại muốn kiểm soát khu vực Chernobyl, chuyên gia an ninh Juliette Kayyem cho rằng, câu trả lời có thể nằm ở vị trí địa lý của nó.
Chernobyl nằm ở cách thủ đô Kiev của Ukraine hơn 128km về phía Bắc, và gần biền giới với Belarus. “Chernobyl là tuyến đường ngắn nhất từ Nga đến Kiev”, bà Juliette Kayyem cho biết. Có một tuyến đường chính kết nối khu vực này với Kiev vì thế nó có thể được sử dụng để làm điểm tập kết quân đội và trang thiết bị, vốn đã được triển khai ở phía biên giới Belarus. Hơn nữa, Nga có thể cho rằng do sự nguy hiểm của khu vực này, nên sẽ có rất ít vụ ném bom hoặc nã pháo xảy ra ở đây.
Các nhà quan sát Ukraine cho biết, Chernobyl nằm ở phía Tây của sông Pripyat và hợp lưu với sông Dneiper ở phía bắc thủ đô Kiev. Do đó, địa điểm này sẽ đóng vai trò chiến lược, giúp củng cố sườn phía Tây của quân đội Nga nếu họ bao vây thành phố Kiev. Một số nhà phân tích khác cho rằng, Nga muốn giành quyền kiểm soát trạm biến áp Chernobyl, nơi cung cấp năng lượng cho Belarus và các vùng phía tây nước Nga.
Trong bình luận trên Twitter, Shane Partlow – cựu nhân viên đại sứ quán Mỹ ở Kiev cho rằng: “Mục đích của Nga giành quyền kiểm soát khu vực Chernobyl là để kiểm soát trạm biến áp điện vốn rất quan trọng đối với việc cung cấp điện cho khu vực, trong đố có cả Belarus và Nga. Tôi biết được điều này trong một cuộc phỏng vấn với các kỹ sư ở đó khi tôi còn là nhà ngoại giao làm việc tại đại sứ quán Mỹ”./.