Vì sao Triều Tiên cáo buộc Mỹ “đẩy tình hình đến bờ vực chiến tranh”?
VOV.VN - Lời cáo buộc Mỹ “đẩy tình hình khu vực đến bờ vực chiến tranh” được cho là nhằm tạo cớ để Triều Tiên có thể thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6.
Thử hạt nhân để sẵn sàng cho chiến tranh
AFP dẫn lời Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 2/5 cảnh báo Mỹ rằng, Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 “bất kỳ lúc nào tại bất kỳ địa điểm nào do nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un ra lệnh".
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters
Tuyên bố trên của phía Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đã lên tiếng khẳng định “không loại trừ việc sử dụng các biện pháp quân sự” nhằm chặn đứng chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng nói thêm rằng, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục “tăng cường năng lực đánh phủ đầu bằng hạt nhân của mình” và sẵn sàng “đáp trả mọi biện pháp chống lại Triều Tiên mà Mỹ dự định thực hiện."
Phía Triều Tiên cũng cáo buộc Mỹ đã đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên
đến "bờ vực chiến tranh hạt nhân” sau khi Mỹ điều máy bay ném bom tàng hình tầm xa chiến lược B-1B Lancer tham gia tập trận cùng không quân Hàn Quốc và Nhật Bản với mục đích “răn đe Triều Tiên”.
Theo Bộ Ngoại giao Triều Tiên, các máy bay ném bom chiến lược nói trên đã “diễn tập thả bom hạt nhân vào những mục tiêu quan trọng tại Triều Tiên trong khi Tổng thống Donald Trump và nhiều quan chức “diều hâu” của Mỹ kêu gọi cần có biện pháp cứng rắn đối với Triều Tiên.
Quan chức Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định, nếu Triều Tiên “không sở hữu năng lực hạt nhân đủ mạnh”, Mỹ chắc chắn sẽ “không ngần ngại xâm chiếm Triều Tiên” giống như Mỹ đã từng làm với nhiều quốc gia khác.
Mỹ chấp nhận “đấu dịu”, Hàn Quốc vẫn “đề cao cảnh giác”
Trước những lời lẽ hết sức cứng rắn của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chủ động “đấu dịu” bằng tuyên bố “sẵn sàng gặp mặt” nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào “thời điểm thích hợp”.
Tuyên bố của ông Trump được đánh giá là “mang tính ngoại giao” nhiều hơn là “cam kết thực chất” bởi ngay sau đó, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer đã đưa ra một loạt những điều kiện mà “lãnh đạo Triều Tiên phải đáp ứng thì cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong-un mới có thể diễn ra”.
Một trong những điều kiện mà ông Spicer đưa ra là Triều Tiên phải ngừng ngay chương trình hạt nhân của mình lại, điều mà trước ông Trump cả 3 Tổng thống tiền nhiệm đã “vò đầu bứt tai” tìm mọi cách từ thuyết phục đến răn đe Triều Tiên nhưng cuối cùng vẫn chịu thất bại.
Chính vì thế, không chỉ có Mỹ mà chính Hàn Quốc cũng cảm thấy bất an trước những tuyên bố từ phía Triều Tiên dù Hàn Quốc giờ đã nằm trong tầm bảo vệc của Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ vừa triển khai tại nước này vừa để trấn an đồng minh, vừa để bảo vệ hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc.
Nhận thức rõ được mối nguy của việc Triều Tiên thử tên lửa lần thứ 6, quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn đã ra lệnh cho binh sĩ nước này phải “hết sức đề cao cảnh giác trước mọi động thái của Triều Tiên”.
Liệu cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có thành hiện thực?
Trung Quốc liệu có giúp “tháo ngòi nổ”?
Theo các chuyên gia, cả Mỹ và Hàn Quốc đều hiểu rõ tầm quan trọng của Trung Quốc trong việc gây sức ép với Triều Tiên để buộc Triều Tiên phải từ bỏ tham vọng hạt nhân và tên lửa của mình. Tuy nhiên, cả Mỹ và Hàn Quốc đều không dám mạo hiểm “đặt trọn niềm tin” vào tầm ảnh hưởng của Trung Quốc bởi dù sao Trung Quốc cùng là đồng minh thân cận nhất và duy nhất của Triều Tiên.
Chính vì thế, việc Mỹ triển khai THAAD tại Hàn Quốc được coi là biện pháp “đặng chẳng đừng” và vô tình đẩy cả Mỹ và Hàn Quốc vào thế “tiến thoái lưỡng nan” trong các cuộc trao đổi với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên bởi Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích gay gắt động thái này của cả Mỹ và Hàn Quốc.
Thậm chí, chính Trung Quốc ngày 2/5 đã yêu cầu Mỹ và Hàn Quốc phải “dừng ngay việc triển khai THAAD” lại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố: “Quan điểm của Trung Quốc là rất rõ ràng, chúng tôi phản đối việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc và yêu cầu các bên liên quan dừng ngay việc này lại. Chúng tôi sẽ thực hiện các bước đi cần thiết để bảo đảm lợi ích của mình”.
Dù vậy, theo các chuyên gia, Trung Quốc cũng không thể hoàn toàn “nhắm mắt làm ngơ” trước những động thái chủ động làm gia tăng căng thẳng của Triều Tiên. Chính vì thế, các chuyên gia nhận định, Trung Quốc sẽ gây áp lực “một cách vừa đủ” để Triều Tiên “làm chậm lại” chương trình hạt nhân và tên lửa của mình để đổi lấy “thiện chí từ phía Mỹ”.
Điều này được thể hiện khá rõ khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trả lời câu hỏi của phóng viên về tuyên bố của ông Trump rằng có khả năng ông sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Theo ông Cảnh Sảng, tuyên bố trên của Mỹ cho thấy Mỹ muốn thực thi các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề Triều Tiên: “Trung Quốc luôn tin rằng, việc sử dụng các biện pháp hòa bình thông qua đối thoại và tham vấn để giải quyết vấn đề Triều Tiên là biện pháp đúng đắn và khả dĩ nhất để đạt được mục tiêu này”./.
Quá ưu tiên ép Triều Tiên, ông Trump xao lãng phần còn lại của Châu Á?