Vì sao việc giải phóng “thủ đô của IS” tại Iraq không dễ dàng?
VOV.VN - Dù liên quân chống IS đang có ưu thế rất lớn, các nhà quan sát dự đoán rằng, cuộc chiến nhằm giành lại Mosul sẽ kéo dài và đẫm máu.
Liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu và các lực lượng tại Iraq đang “làm mưa làm gió” trong chiến dịch giải phóng Mosul - thành phố lớn nhất do IS kiểm soát tại Iraq. Chiến dịch nhằm giải phóng thành phố Mosul, miền Bắc Iraq, bị IS chiếm đóng từ tháng 6/2014 đã được khởi động hôm 17/10. Quân đội Iraq, lực lượng dân quân người Kurd (Kur Peshmega) và các tay súng người Sunni, Shiite, dưới sự yểm trợ của liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu đã giải phóng một số ngôi làng gần Mosul và đang tiến đến thành phố này.
Lực lượng dân quân người Kurd tiến quân ở phía Đông Mosul. Ảnh: Reuters |
Theo những ước tính khác nhau, hiện ở Mosul có từ 700.000 - 1,5 triệu thường dân và từ 5.000 - 10.000 tay súng IS. Trong khi đó, tham gia chiến dịch giải phóng Mosul (bắt đầu từ ngày 17/10) có 60.000 binh sĩ Iraq, lực lượng dân quân người Kurd, lực lượng dân quân người Sunni và Shiite. Liên minh do Mỹ dẫn đầu sẽ hỗ trợ cho lực lượng này bằng các cuộc không kích.
“Giây phút chiến thắng vĩ đại đang đến rất gần” - Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã phát biểu như vậy khi tuyên bố bắt đầu chiến dịch giải phóng Mosul khỏi tay IS. Tuy nhiên, sau hơn một tuần bắt đầu chiến dịch, các lực lượng Iraq đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn. Bản thân Thủ tướng Iraq al-Abadi đã có cuộc khẩu chiến với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết can dự vào chiến dịch giải phóng Mosul.
Với việc IS tiến hành các vụ khủng bố ở các thành phố đã được giải phóng tại Iraq nhằm phản công lại chiến dịch giải phóng Mosul, ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi chiến dịch giải phóng Mosul mà Mỹ và đồng minh đang tiến hành “hoàn toàn là thảm họa”.
Ai sẽ là người thực sự tham gia chiến đấu để giải phóng Mosul?
Chuyên gia quân sự Nga Vladimir Yevseyev, phó Giám đốc Viện nghiên cứu CIS có trụ sở tại Moscow tin rằng, ưu thế vượt trội về quân số của lực lượng liên quân tham gia giải phóng Mosul không phải là điều quan trọng.
“Người Kurd sẽ không tấn công vào Mosul”, ông Yevseyev nói. “Họ sẽ chiếm các vùng đất nơi đồng bào của họ sinh sống lân cận với Mosul và sẽ không tiến xa hơn. Thủ tướng al-Abadi cũng sẽ không để cho lực lượng dân quân người Shiite tiến vào Mosul nhằm tránh việc tàn sát người Sunni đang sinh sống tại đây. Ngoài ra, những người Thổ Nhĩ Kỳ - lực lượng có khả năng nhất cũng sẽ không mạo hiểm xông vào Mosul nhằm tránh thương vong”.
Một chiếc F/A-18E Super Hornet cất cánh từ tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower CVN 69 tại vùng Vịnh để không kích IS tại Mosul. Ảnh: Reuters |
Theo ông Yevseyev, chỉ còn lại lực lượng quân đội chính quy Iraq là có khả năng sẽ tham chiến. Tuy nhiên tình trạng đào ngũ và tham nhũng đang tràn lan trong quân đội Iraq. “Sẽ chỉ có tối đa 30.000 hoặc ít hơn trong tổng số 60.000 quân tham gia chiến đấu”, ông Yevseyev nói. “Trong điều kiện chiến đấu ở đô thị cộng với sự chuẩn bị tốt của IS, lực lượng này sẽ không thể chiếm được thành phố”.
Chuyên gia về Arab Leonid Isayev, giảng viên cao cấp khoa Khoa học Chính trị tại trường Đại học Kinh tế Moscow, cũng tin rằng một cuộc chiến kéo dài đang ở phía trước. Giao tranh sẽ kéo dài “trên địa bàn tỉnh, tại các khu định cư gần Mosul và sau đó là tại mỗi khu phố trong thành phố này”. Theo ông Leonid Isayev, trận chiến Mosul sẽ kéo dài hàng tháng trời và sẽ gây thương vong lớn.
Người Sunni sẽ chống lại người Shiite?
Theo các chuyên gia Nga, việc quân đội Iraq và các đồng minh giành chiến thắng trước IS tại Mosul cũng sẽ không đồng nghĩa với việc hòa bình sẽ được vãn hồi tại Iraq. Một cuộc xung đột mới về dân tộc và tôn giáo có khả năng bùng phát tại đây. Theo ông Isayev, trong hai năm qua các lực lượng dân quân người Shiite giải phóng các ngôi làng người Sunni từ tay IS đã tàn sát người dân tại đó với lý do “hợp tác với kẻ thù”.
Trong khi đó, người Kurd cũng có những lợi ích riêng của họ. Bằng cách giải phóng các vùng lãnh thổ ở miền Bắc Iraq từ tay IS, họ có thể mở rộng lãnh thổ của mình, đuổi người Arab khỏi các ngôi làng và cho người Kurd định cư tại đó.
Theo ông Isayev, vấn đề tổ chức lại cuộc sống sau chiến tranh ở Mosul nhằm tránh việc thanh lọc sắc tộc và tôn giáo cũng không kém phần quan trọng so với cuộc chiến chống lại IS. Tuy nhiên, ở vào thời điểm khi có quá nhiều các lực lượng dân quân tôn giáo và bộ lạc không chịu sự điều hành của chính quyền Iraq, điều này không dễ đạt được.
Người phụ nữ Iraq bế con chạy chốn khỏi thành phố Mosul khi chiến sự diễn ra. Ảnh: AFP |
Sợ hãi về một thảm họa nhân đạo “Aleppo tại Iraq”
Một vấn đề khác liên quan đến chiến dịch giải phóng Mosul, đó là số lượng lớn thường dân vẫn còn mắc kẹt trong thành phố. Kể từ khi quân đội Iraq và các đồng minh tiến hành chiến dịch giải phóng Mosul, đã có những báo cáo về việc thường dân thiệt mạng trong các cuộc không kích do liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu.
Ông Yevseyev lưu ý rằng, sẽ không thể tránh khỏi thương vong cho dân thường khi tiến hành ném bom xuống các thành phố. Washington hiểu rõ điều này và dường như đang cố gắng để tránh tình huống tương tự như ở Aleppo (Syria) - nơi mà phương Tây cáo buộc Nga và quân đội Syria tiến hành các vụ không kích nhằm vào dân thường.
“Người Mỹ nói rằng họ không muốn Mosul lặp lại kịch bản như Aleppo, vì vậy họ sẽ tiến hành các vụ không kích càng ít càng tốt”, ông Isayev nói.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Mỹ đang đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn. Việc tiến hành ném bom sẽ dẫn đến thương vong cho dân thường, nhưng nếu không tiến hành không kích, các đồng minh Iraq của Washington trên mặt đất sẽ tổn thất lớn do sự kháng cự của IS. Điều này cũng sẽ khiến nỗ lực nhằm giải phóng Mosul và điều phối hoạt động giữa quân đội Iraq, dân quân người Kurd và các lực lượng dân quân bộ lạc khác ngày càng trở nên phức tạp./.
Ám ảnh những ánh mắt trẻ tị nạn Iraq chạy trốn bạo lực ở Mosul