Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh lưu ý, đàm phán COC đặt trong bối cảnh Biển Đông hiện nay có những mặt cần phải nhìn nhận rõ. Cụ thể, điểm chung nhất của cả khu vực và thế giới là duy trì hòa bình và an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Đây là điều tất cả các nước mong muốn, trong đó có Việt Nam. Tất cả các nước đều thấy đây là tuyến giao thông hàng hải, hàng không địa chiến lược, địa kinh tế quan trọng. Không có hòa bình ở Biển Đông thì khó có thể phát triển.

Tuy nhiên, thực tế là trong khu vực này có những tranh chấp, chồng lấn về đòi hỏi về chủ quyền. Điều này đặt ra yêu cầu phải giải quyết vấn đề phát sinh bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Những tranh chấp liên quan đến hai bên thì hai bên giải quyết, tranh chấp liên quan đến nhiều bên thì nhiều bên giải quyết.

Do hòa bình an ninh ở Biển Đông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên đối với những tranh chấp chồng lấn chưa giải quyết được thì cần phải tìm cách quản trị để không ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải. Đó là câu chuyện xây dựng lòng tin, đối thoại và hợp tác.

“Chính vì vậy, COC phải làm sao quản trị hành vi của các quốc gia, đặc biệt là những nước có chồng lấn về đòi hỏi chủ quyền, ngăn chặn không để bất kỳ bên nào có hành động làm phức tạp thêm tình hình; Ủng hộ xây dựng lòng tin, ủng hộ xây dựng tự do an toàn hàng hải. Một COC hiệu quả là COC làm được điều đó và bảo đảm không để bên nào làm ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng như ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia theo UNCLOS 1982”, Đại sứ Phạm Quang Vinh chia sẻ.

Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh: “Câu chuyện một COC tốt, một COC hiệu quả, thực chất đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Đây là quá trình đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc, nên các bên liên quan cần phải thật tâm và dựa trên luật pháp quốc tế. Nước nào cũng phải có trách nhiệm trong việc này”.

Có chung quan điểm với Đại sứ Phạm Quang Vinh, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia chỉ rõ: “Không có bất kỳ điều khoản nào trong dự thảo COC hiện tại có các điều khoản để thực thi ngoài áp lực đạo đức của các nước tham gia đàm phán COC. Theo luật pháp quốc tế, cơ quan có quyền lực thực thi để giải quyết tình huống phát sinh tranh chấp là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng cơ chế này cũng sẽ bị suy yếu với quyền phủ quyết của 5 nước thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an. Nói tóm lại, việc thực hiện có hiệu quả COC cuối cùng sẽ phụ thuộc vào thiện chí của các bên liên quan”.

Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao - chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực luật pháp quốc tế, khi chúng ta nói đạt được COC thực chất và hiệu quả theo như mong muốn thì văn kiện này phải có cơ chế điều phối và giám sát các hoạt động đó. Cơ chế này có thể giống như SOM của ASEAN hoặc mỗi bên sẽ cử một người điều phối giám sát các hoạt động trên biển. Tuy nhiên, hiện còn quá sớm để nói về việc đạt được COC bởi hiện các bên vẫn chưa thống nhất được COC nên là một văn bản pháp lý hay một văn bản chính trị. Chỉ khi nào COC là một văn bản pháp lý thì mới có cơ chế quản lý.

Tất cả các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế, thể hiện thiện chí của mình trong việc thực thi và phải nâng cao tuyên truyền. Một COC hiệu quả cần sự tôn trọng lợi ích của các nước thứ ba.

Để đạt được COC thì các quốc gia phải có thiện chí, giải thích luật pháp quốc tế đúng và phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện. Nếu có thiện chí thì sẽ đạt được COC hiệu quả, thực chất. Nhưng nếu không thì cũng chỉ đạt được một COC hình thức.

Tính ràng buộc và thực thi hiệu quả của COC phụ thuộc vào lợi ích quốc gia và khu vực. Tức là khi các quốc gia đàm phán COC phải dung hòa được lợi ích quốc gia và lợi ích khu vực thì chúng ta mới có COC mang tính ràng buộc và thực thi.

Luật pháp quốc tế dựa trên sự thỏa thuận của các quốc gia. Bao giờ cũng đi dần từ những thỏa thuận chung, sau đó mới đến những thỏa thuận riêng, đến từng vấn đề nhỏ. Thỏa thuận cụ thể bao giờ cũng khó khăn nhưng trước tiên, chúng ta phải đạt được một bộ khung vì COC là văn bản khung chứ không phải hoàn toàn là các vấn đề cụ thể. Về mặt hình thức, COC cũng giống như UNCLOS 1982 – hiến pháp đại dương, tất cả hoạt động trên biển phải thi hành UNCLOS thì mới tiếp tục phát triển những quan điểm cụ thể.

Việt Nam chắc chắn sẽ ủng hộ câu chuyện bảo đảm hòa bình, an ninh an toàn, tự do hàng hải, bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS, bảo đảm giải quyết hòa bình tranh chấp, xây dựng lòng tin mà không làm phức tạp tình hình. Điều quan trọng nhất là ngôn từ nội hàm của COC phải đi kèm với khả năng thực thi.

Theo ông Phạm Quang Vinh, có cơ sở để tin tưởng bởi khi Biển Đông có hòa bình, không chỉ có lợi cho các nước ngoài mà còn có lợi cho chính Trung Quốc. Trung Quốc muốn phát triển thì rất cần Đông Nam Á, rất cần châu Á – Thái Bình Dương, rất cần Biển Đông. Trung Quốc cũng công nhận việc cần giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, các nguyên tắc được đề ra trong UNCLOS và trong DOC.

“Câu chuyện dài hay ngắn của COC không phải là vấn đề một bên có thể quyết định. Thời hạn của COC là điều mà các bên mong muốn nhưng không bao giờ là hạn chót bởi nội hàm của COC có tốt và phù hợp với lợi ích các bên, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS hay không mới quan trọng. Việc đặt ra một thời gian mang hàm ý chúng ta cùng phấn đấu nỗ lực hết mình nhưng quyết định lúc nào COC hoàn thành phải nằm ở nội dung của bản thân COC”, ông Phạm Quang Vinh nêu ý kiến về khả năng hoàn tất ký kết COC trong năm 2022.  

Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) gợi ý: “Mục tiêu đầu tiên của Việt Nam phải là ngăn chặn một COC xấu, nghĩa là một COC quá mơ hồ hoặc gây hại đến quyền lợi của các quốc gia Đông Nam Á cũng như các đối tác bên ngoài. Thứ hai, Việt Nam và các đối tác ở Đông Nam Á cần thúc đẩy các cuộc đàm phán đa phương khác song song với đàm phán COC, chẳng hạn như về vấn đề quản lý nghề cá, bảo vệ môi trường biển, bảo tồn tài nguyên dưới đáy biển, hợp tác thực thi pháp luật… Những thỏa thuận liên quan đến các lĩnh vực này là cực kỳ quan trọng bởi đây là những vấn đề cần giải quyết thay vì đợi COC thêm 10 năm nữa.

Không có bất kỳ cuộc thảo luận chi tiết nào về cơ chế thực thi COC sẽ như thế nào. Khó có chuyện Trung Quốc đồng ý để một bên thứ ba như Tòa án Công lý Quốc tế hoặc Tòa Trọng tài Thường trực phân xử các tranh chấp, đặc biệt sau khi đã thua kiện vào năm 2016. Vì vậy, theo tôi, giao thức giải quyết tranh chấp đặc biệt sẽ cần phải viết thành quy tắc. Tôi muốn đề xuất một cơ chế hòa giải dựa trên các cơ chế hiện có của ASEAN. Cụ thể ở đây là Cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC)* mà Trung Quốc đã tham gia”.

Ông Aristyo Rizka Darmawan, chuyên gia luật quốc tế và an ninh hàng hải thuộc Đại học Indonesia thì cho rằng, bất kể COC có ràng buộc về mặt pháp lý hay không thì điều cốt yếu là phải xây dựng cơ chế giám sát và tuân thủ để đảm bảo tính hiệu quả của bộ quy tắc. Thành công của COC phải được đo lường bằng mức độ các bên tuân thủ. COC có thể thành lập một cơ quan có thẩm quyền thu thập thông tin về những vụ việc vi phạm. Cơ quan độc lập này cần phải có sự tham gia của đại diện tất cả các bên nhằm đảo bảo độ tin cậy và sẽ chịu trách nhiệm thông tin thường xuyên về mức độ tuân thủ.

“Hiện nay, Việt Nam đang đấu tranh để COC là một văn bản pháp lý có tính ràng buộc nhưng tiếng nói của Việt Nam là chưa đủ mà phải có sự đồng thuận của cả khối ASEAN. Điều này chúng ta cần có thời gian, và các bên phải đánh giá để đạt được một COC chỉ mang tính biểu tượng hay một COC thực chất và hiệu quả.

Tiêu chí mà Việt Nam phải đặt lên hàng đầu trong quá trình đàm phán COC là nguyên tắc thực chất và hiệu quả”, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao nói.

COC là văn kiện giữa Trung Quốc và ASEAN nên trước tiên Trung Quốc và ASEAN phải phát huy vai trò của mình. Thế giới quan sát rất sát sao tiến trình đàm phán COC. Một số nước mong muốn tham gia vào tiến trình đó vì họ cũng có lợi ích tự do hàng hải, hàng không và những lợi ích biển chính đáng ở Biển Đông. Ông Nguyễn Hồng Thao nhấn mạnh: “Quan điểm của Việt Nam rất rõ ràng và nhất quán. Đó là Việt Nam sẽ hợp tác với các nước để thúc đẩy được COC thực chất và hiệu quả”./.

(*) Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) được các nhà lãnh đạo của 5 nước thành viên sáng lập ASEAN ký kết năm 1976. TAC là văn kiện pháp lý đầu tiên và duy nhất tính đến nay mà ASEAN cho phép các nước bên ngoài ASEAN tham gia với sự đồng ý của các quốc gia thành viên. Năm 1989, quốc gia đầu tiên không phải là thành viên ASEAN tham gia TAC là Papua New Guinea, kể từ đó đến nay, đã có 24 quốc gia, tổ chức bên ngoài ASEAN gia nhập TAC, bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Pakistan, Hàn Quốc, Nga, New Zealand, Mông Cổ, Australia, Pháp, Timor Leste, Bangladesh, Sri Lanka, Triều Tiên, Mỹ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Brazil, Na Uy, Chile, Ai Cập, Ma Rốc.
 
Theo quy định của TAC, khi phát sinh những tranh chấp, các bên có thể sử dụng biện pháp thương lượng để giải quyết. Nếu không thể giải quyết qua thương lượng, các bên có thể đệ trình đơn yêu cầu Hội đồng cấp cao giải quyết tranh chấp. Hội đồng cấp cao là cuộc họp cấp bộ trưởng của các quốc gia thành viên TAC, khi có yêu cầu giải quyết tranh chấp, Hội đồng này sẽ họp để xem xét vấn đề và đưa ra các khuyến nghị về phương thức giải quyết tranh chấp cho các bên. Ngoài ra, Hội đồng cấp cao cũng có thể điều tra, làm trung gian, hoà giải viên để giải quyết tranh chấp.
 
Mặc dù vậy, cơ chế giải quyết tranh chấp này có một số hạn chế đáng kể: Thứ nhất, theo Điều 14 và 15 của Hiệp định, cơ chế giải quyết tranh chấp của TAC chỉ được áp dụng khi các bên tranh chấp đồng ý. Đồng nghĩa với việc một trong các bên tranh chấp có thể ngăn chặn bên còn lại sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trong TAC để giải quyết tranh chấp theo tiến trình khu vực.
 
Thứ hai, trong cơ chế giải quyết tranh chấp của TAC không có quy định về thời hạn mỗi bước của tiến trình giải quyết tranh chấp, do đó tranh chấp sẽ không được giải quyết nhanh chóng nếu thiếu sự thiện chí từ tất cả các bên tranh chấp, thậm chí nếu như một bên cố ý muốn kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp thì sẽ gây thiệt hại cho bên còn lại.
 
Thứ ba, theo quy định của TAC, Hội đồng cấp cao - cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo TAC không phải là cơ quan chuyên trách về giải quyết tranh chấp mà đây chỉ là cơ quan adhoc, được thành lập ra khi có yêu cầu về giải quyết tranh chấp của các bên. Bên cạnh đó, các biện pháp giải quyết tranh chấp do Hội đồng cấp cao tiến hành là điều tra, trung gian, hoà giải không phải các biện pháp pháp lý, kết quả làm việc của Hội đồng cấp cao là một khuyến nghị về biện pháp giải quyết tranh chấp mà các bên tranh chấp có thể áp dụng cũng không mang giá trị ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên tranh chấp.
 
Dường như để khắc phục những hạn chế này, Điều 17 của Hiệp ước cho phép các bên tranh chấp có thể sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp hoà bình khác nêu trong Điều 331 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Hiệp ước khuyến khích các bên tranh chấp chủ động giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hữu nghị trước khi sử dụng các biện pháp khác được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Thực hiện: Hùng Cường, Hoàng Lê, Kiều Anh

Thứ Sáu, 06:19, 28/01/2022