Vụ án Khashoggi và “cuộc hôn nhân” giữa Mỹ với Saudi Arabia

VOV.VN-Cái chết của Khashoggi mở ra khả năng Mỹ đánh giá lại mối quan hệ với Saudi Arabia khi không còn chia sẻ về giá trị và ít chia sẻ về lợi ích với Riyadh.

Vụ nhà báo Mỹ gốc Saudi Arabia Jamal Khashoggi bị sát hại trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 2/10 vừa qua đã khiến cả 2 rối bời, đặc biệt là Riyadh, vương quốc dường như bị bất ngờ vì làn sóng chỉ trích và đang đứng trước bờ vực bị Mỹ trừng phạt.

Cái chết của nhà báo Khashoggi đã tạo ra một “bước ngoặt” trong quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh trái) và Quốc vương Salman. (Ảnh: Getty Images)

Nhà Trắng có thể sẽ tỏ ra ủng hộ Riyadh nhưng vẫn phải hành xử theo xu thế tất yếu khi mà những bài báo chỉ trích được đăng đều đặn mỗi ngày còn các viện nghiên cứu thì trả lại tiền mà Hoàng tộc Saud tài trợ và Quốc hội Mỹ thì đang chủ động xem xét các lệnh trừng phạt.

Cuộc “hôn nhân” thất bại

Trước cái chết của Khashoggi, Mỹ đã ngày càng không hài lòng về mối quan hệ đồng minh với Saudi Arabia. Giống như một cuộc “hôn nhân” thất bại, Washington và Riyadh lâu nay đã “li thân”.

Những bất đồng lợi ích giữa Mỹ và Saudi Arabia cũng như chính sách đối ngoại liều lĩnh của Riyadh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ song phương.

Như Thượng nghị sỹ Mỹ Chris Murphy miêu tả trong bài quan điểm của ông đăng báo mới đây rằng: “Khi tôi vào Quốc hội cách đây gần 10 năm, sự ủng hộ đối với Saudi Arabia khá rộng rãi ở cả 2 đảng. Nhưng giờ đây… ngày càng có nhiều người trong chúng tôi băn khoăn rằng liệu hành động của đồng minh có phù hợp với lợi ích tốt nhất của chính chúng tôi hay không.”

Đúng là có nhiều người cho rằng, vấn đề trong quan hệ Mỹ - Saudi Arabia chỉ là chuyện xung đột giữa nhưng lợi ích và các giá trị của Mỹ. Nhưng giờ đây, mối quan hệ mật thiết với Saudi Arabia không còn rõ ràng là để phục vụ cho lợi ích của Mỹ nữa.

Nếu các nghị sỹ Mỹ cứ suy nghĩ theo hướng đó thì cái chết của nhà báo Khashoggi là cơ hội hoàn hảo để Mỹ cuối cùng cũng có thể tạo được khoảng cách với đồng minh nhiều rắc rối này.

Bàn tay của Thái tử và số phận của người bất đồng chính kiến

Cái chết của nhà báo Khashoggi gây chấn động dư luận quốc tế không chỉ vì nghi vấn ông bị tra tấn và phân xác, mà còn vì địa vị cao của ông ở chính Saudi Arabia trước khi sang Mỹ sống lưu vong và mối liên hệ mật thiết của ông với phương Tây.

Mấu chốt của vấn đề có lẽ không hoàn toàn nằm ở chỗ, liệu cái chết của Khashoggi là một tai nạn (một vụ thẩm vấn “quá tay” dẫn tới chết người như Saudi Arabia tuyên bố) hay có chủ ý (được lên kế hoạch từ trước theo thông tin mới nhất)?

Nếu như theo một trong những phiên bản của Saudi Arabia về vụ giết người này là ông Khashoggi bị đe dọa đánh thuốc mê để bắt cóc đưa về Riyadh thì điều đó cũng đủ khiến dư luận Mỹ và phương Tây dậy sóng, như cái cách mà Mỹ gây sức ép khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải thả mục sư Andrew Brunson mới đây.

Khashoggi bị giết một cách man rợ hay không, hoặc còn sống và bị bắt về Riyadh theo lệnh của Thái tử Mohammed bin Salman, cũng đều có thể đẩy quan hệ Mỹ - Saudi Arabia xuống một đáy mới.

Kể từ năm 2015, bất chấp mọi chỉ trích và lời đồn, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (MbS) đã tỏ ra “thẳng tay” với những người bất đồng chính kiến, kể cả đó là hoàng thân, quốc thích. Đối thủ nổi trội nhất cạnh tranh ngai vàng với ông, Thái tử bị phế truất (21/6/2017) Mohammed bin Nayef đến giờ vẫn bị giam lỏng tại nhà. Vì thế, nhiều người Hồi giáo dòng Shiite ở các tỉnh phía Đông của Saudi Arabia hay các nhà hoạt động nhân quyền và những người bất đồng ý kiến như Khashoggi đã tìm cách rời bỏ quê hương nếu có điều kiện.

Hình ảnh đó của Thái tử MbS đã khác với những gì mà đại bộ phận báo chí phương Tây từng mô tả về ông: một nhà cải cách trẻ trung và biết nhìn xa trông rộng, muốn đưa Saudi Arabia nhảy vọt trong thế kỷ 21. Và với việc Thái tử MbS dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ Saudi Arabia lái xe hay kế hoạch lần đầu phát hành cổ phiếu (IPO) của tập đoàn dầu lửa quốc gia Aramco, những nét “phác thảo” về ông cũng không quá phóng đại.

Vụ bắt giữ và giam lỏng hàng trăm lãnh đạo doanh nghiệp lớn ở Saudi Arabia ở khách sạn hạng sang Riyadh Ritz-Carlton trong một chiến dịch chống tham nhũng hồi đầu năm nay đã giúp vị Thái tử trẻ thâu tóm quyền lực, đồng thời bổ sung cho quốc khố vào đúng thời điểm Saudi Arabia eo hẹp về tài chính. Đâu đó ở Mỹ và phương Tây đã có những tiếng nói yếu ớt và mờ nhạt bày tỏ quan ngại về hành động lúc đó của Thái tử MbS.

Quốc vương Salman, người đã “buông rèm nhiếp chính” suốt quãng thời gian cải cách và bắt bớ trên, giờ đã xuất hiện trở lại để giải quyết cuộc khủng hoảng uy tín có lẽ là chưa từng có đối với Hoàng tộc Saud, và có lẽ cũng để níu kéo những mối quan hệ đồng minh quá quan trọng, như với Washington.

Áp lực đối với ông Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có sự dịch chuyển niềm tin đối với Saudi Arabia. Từ chỗ bày tỏ tin tưởng Thái tử MbS không hay biết về vụ sát hại Khashoggi, ông Trump đã phải lên tiếng chỉ trích câu chuyện của Saudi Arabia về cái chết của nhà báo này là “sự che đậy vụng về chưa từng có”.

Nhà Trắng cho biết, ngày 25/10, Giám đốc Cục tình báo Trung ương Gina Haspel đã báo cáo cho Tổng thống Donald Trump về cuộc điều tra liên quan tới cái chết của Khashoggi sau khi trở về từ chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Bà Haspel được cho là đã nghe cuốn băng ghi âm nội dung cuộc thẩm vấn và sát hại nhà báo Khashoggi.

Bài toán đặt ra cho Tổng thống Trump bây giờ là ông phải nghe ai? Một bộ phận quan chức Mỹ sẽ cố vấn cho ông rằng quan hệ với Saudi Arabia quá quan trọng vì vấn đề dầu lửa, buôn bán vũ khí và chính trị khu vực. Nhưng những lập luận đó đã không còn tính thuyết phục mạnh mẽ như 35 năm trước. Trong khi bộ phận còn lại sẽ cho rằng Mỹ chẳng cần phải thân thiết với Saudi Arabia mới đạt được những mục tiêu đối ngoại hay thỏa mãn nhu cầu năng lượng.

Về dầu lửa, Saudi Arabia là nước có khả năng thao túng giá dầu với tư cách là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới (khoảng 7 triệu thùng/ngày, trong đó có 1 triệu thùng dành riêng cho Mỹ).

Thế nhưng tình hình hiện nay đã khác với thời cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đưa ra học thuyết cam kết bảo vệ các nước giàu tài nguyên dầu lửa ở Trung Đông để ngăn chặn ảnh hưởng của Liên bang Xô Viết và bảo vệ nguồn cung dầu lửa trong bối cảnh Cách mạng Hồi giáo Iran làm nguồn cung hiếm hoi.

Nhưng ngày nay không còn những vấn đề đó nữa. An ninh năng lượng là một lý do chính đáng để Mỹ duy trì lợi ích ở Trung Đông, cụ thể là mối quan hệ với Saudi Arabia, nhưng nó không phải là điều kiện bắt buộc Washington phải bao bọc Riyadh vô điều kiện.

Về đối ngoại, Saudi Arabia đang làm rối chiến lược của Mỹ ở Trung Đông khi tham chiến ở Yemen, cô lập Qatar, cung cấp vũ khí “vô tiền khoáng hậu” cho các lực lượng chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad bất kể số vũ khí đó có lạc vào tay các phần tử cực đoan hay không. Lợi ích chính của Mỹ ở Trung Đông nằm ở sự ổn định nhưng những gì Saudi Arabia làm lại hoàn toàn ngược lại.

Đến những hợp đồng bán vũ khí béo bở cho Saudi Arabia cũng không còn hấp dẫn nữa. Tổng thống Trump hiện vẫn níu kéo mối quan hệ này bằng lập luận rằng thỏa thuận bán 110 tỷ USD vũ khí cho Riyadh sẽ tạo rất nhiều việc làm cho nước Mỹ. Song các chuyên gia chỉ ra rằng các hợp đồng này thực tế chỉ trị giá khoảng 20 tỷ USD và tạo ra khoảng 4.000 việc làm ít ỏi.

Một thế hệ các nghị sỹ trẻ ở Mỹ như Chris Murphy, Mike Lee, Ro Khanna ủng hộ quan điểm bớt bán vũ khí đi, còn thế hệ già như ông Bernie Sanders đã không ngại ngần chỉ trích Saudi Arabia.

Quan điểm của các nghị sỹ đối với Riyadh được thể hiện rõ ràng hơn khi tuần trước Quốc hội Mỹ kêu gọi điều tra nhân quyền đối với cái chết của Khashoggi và để ngỏ khả năng trừng phạt. Thượng nghị sỹ Lindsey Graham thậm chí còn kêu gọi Saudi Arabia phế truất Thái tử MbS.

Trong bối cảnh Mỹ tái áp đặt trừng phạt với Iran, Nhà Trắng vẫn có thể duy trì ủng hộ đối với Saudi Arabia chừng nào có thể. Nhưng cái chết của Khashoggi đã mở ra khả năng Mỹ đánh giá lại mối quan hệ với Saudi Arabia mà nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump không làm điều đó thì rất có thể chính quyền tiếp theo sẽ làm, hoặc Quốc hội Mỹ sau bầu cử tháng 11 tới sẽ giục giã hơn về vấn đề này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Infographic: Ly kỳ vụ giết, phân xác nhà báo ở Lãnh sự quán Saudi Arabia
Infographic: Ly kỳ vụ giết, phân xác nhà báo ở Lãnh sự quán Saudi Arabia

VOV.VN-Nhà báo Mỹ gốc Saudi Arabia Jamal Khashoggi ban đầu được cho là mất tích, sau đó được khẳng định là đã chết nhưng chưa thấy xác, nghi là đã bị phân xác.

Infographic: Ly kỳ vụ giết, phân xác nhà báo ở Lãnh sự quán Saudi Arabia

Infographic: Ly kỳ vụ giết, phân xác nhà báo ở Lãnh sự quán Saudi Arabia

VOV.VN-Nhà báo Mỹ gốc Saudi Arabia Jamal Khashoggi ban đầu được cho là mất tích, sau đó được khẳng định là đã chết nhưng chưa thấy xác, nghi là đã bị phân xác.

Thổ Nhĩ Kỳ xử rắn, Mỹ mềm mỏng vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại?
Thổ Nhĩ Kỳ xử rắn, Mỹ mềm mỏng vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại?

VOV.VN-Ngày 16/10, Mỹ yêu cầu Saudi Arabia điều tra thấu đáo vụ nhà báo Khashoggi mất tích, có thể bị giết, nhưng Tổng thống Trump tin Riyadh “không biết gì”.

Thổ Nhĩ Kỳ xử rắn, Mỹ mềm mỏng vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại?

Thổ Nhĩ Kỳ xử rắn, Mỹ mềm mỏng vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại?

VOV.VN-Ngày 16/10, Mỹ yêu cầu Saudi Arabia điều tra thấu đáo vụ nhà báo Khashoggi mất tích, có thể bị giết, nhưng Tổng thống Trump tin Riyadh “không biết gì”.

Giám đốc CIA báo cáo “sự thật” vụ giết Khashoggi với Tổng thống Trump
Giám đốc CIA báo cáo “sự thật” vụ giết Khashoggi với Tổng thống Trump

VOV.VN - Giám đốc CIA Gina Haspel đã báo cáo với Tổng thống Donald Trump về vụ việc liên quan tới nhà báo Khashoggi sau khi bà trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Giám đốc CIA báo cáo “sự thật” vụ giết Khashoggi với Tổng thống Trump

Giám đốc CIA báo cáo “sự thật” vụ giết Khashoggi với Tổng thống Trump

VOV.VN - Giám đốc CIA Gina Haspel đã báo cáo với Tổng thống Donald Trump về vụ việc liên quan tới nhà báo Khashoggi sau khi bà trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Saudi Arabia thừa nhận cái chết của nhà báo Khashoggi là “sai lầm nghiêm trọng"
Saudi Arabia thừa nhận cái chết của nhà báo Khashoggi là “sai lầm nghiêm trọng"

VOV.VN - 15 người được cử đi thẩm vấn Khashoggi đã đe dọa sẽ đánh thuốc mê rồi bắt cóc ông và xiết cổ giết chết nhà báo này khi ông tìm cách chống cự.

Saudi Arabia thừa nhận cái chết của nhà báo Khashoggi là “sai lầm nghiêm trọng"

Saudi Arabia thừa nhận cái chết của nhà báo Khashoggi là “sai lầm nghiêm trọng"

VOV.VN - 15 người được cử đi thẩm vấn Khashoggi đã đe dọa sẽ đánh thuốc mê rồi bắt cóc ông và xiết cổ giết chết nhà báo này khi ông tìm cách chống cự.

Con trai của nhà báo bị sát hại Jamal Khashoggi rời Saudi Arabia về Mỹ
Con trai của nhà báo bị sát hại Jamal Khashoggi rời Saudi Arabia về Mỹ

VOV.VN - CNN dẫn một nguồn thạo tin ngày 26/10 cho biết, Salah Khashoggi - con trai cả của nhà báo bị sát hại Jamal Khashoggi đã rời Saudi Arabia và tới Mỹ. 

Con trai của nhà báo bị sát hại Jamal Khashoggi rời Saudi Arabia về Mỹ

Con trai của nhà báo bị sát hại Jamal Khashoggi rời Saudi Arabia về Mỹ

VOV.VN - CNN dẫn một nguồn thạo tin ngày 26/10 cho biết, Salah Khashoggi - con trai cả của nhà báo bị sát hại Jamal Khashoggi đã rời Saudi Arabia và tới Mỹ.