Vũ khí mới giúp Ukraine thay đổi chiến lược đối phó Nga
VOV.VN - Tấn công vào sâu đằng sau chiến tuyến của đối phương, Ukraine đang gây tác động đến khả năng chiến đấu của Nga, làm chậm đà tiến ở phía Đông và tạo thêm nhiều thách thức ở phía Nam.
Phần lớn thời gian trong cuộc xung đột kéo dài gần nửa năm qua, quân đội Ukraine hứng chịu các đợt pháo kích của Nga ở miền Đông và liên tục để mất lãnh thổ vào tay đối phương trong một cuộc đối đầu không cân xứng. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Ukraine đã thay đổi chiến lược với sự trợ giúp của vũ khí mới tầm xa do phương Tây cung cấp và đã đạt được thành công nhất định trong việc làm chậm đà tiến của các lực lượng Nga.
Tấn công sâu vào đằng sau chiến tuyến của Nga
Được cung cấp ngày càng nhiều vũ khí tầm xa của phương Tây và được các thành phần ủng hộ tại địa phương hỗ trợ, Ukraine đã có thể tấn công các lực lượng Nga ở sâu sau chiến tuyến của đối phương, làm gián đoạn các tuyến tiếp tế quan trọng và nhắm vào các mục tiêu có vai trò then chốt đối với tiềm lực chiến đấu của Moscow.
Các vũ khí mới mà phương Tây cung cấp cho Ukraine cũng đã buộc Nga phải tạm dừng để điều chỉnh lại lực lượng trên chiến trường, từ đó tạo thời gian và không gian cho phía Ukraine đưa ra các quyết định chiến lược hơn.
Một đòn giáng vào phía Nga trong tuần qua là loạt vụ nổ tại căn cứ không quân trên Bán đảo Crimea, phá hủy ít nhất 8 máy bay chiến đấu. Một quan chức Ukraine nói rằng đây là kết quả cuộc tấn công của các binh sĩ đặc nhiệm được các lực lượng địa phương hỗ trợ.
Chiến thuật này đặc biệt phù hợp với khu vực Kherson ở phía Nam, nơi trong nhiều tuần qua, Ukraine đã bắt đầu cho một cuộc phản công lớn. Thành phố Kherson phụ thuộc vào nguồn cung cấp qua 4 cây cầu bắc qua sông Dnipro – vốn dễ bị tấn công hơn so với các thành phố khác hiện do Nga kiểm soát.
Ngày 13/8, Ukraine tuyên bố đã đánh trúng cây cầu cuối cùng trong số 4 cây cầu quan trọng đó, khiến hàng nghìn binh lính Nga có nguy cơ bị cô lập do bị cắt đứt nguồn tiếp tế.
Bất cân xứng nguồn lực buộc Ukraine phải thay đổi chiến thuật
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Pravda nói rằng: “Ukraine không có các nguồn lực như phía Nga. Do đó, chúng tôi cần phải thay đổi chiến thuật, chiến đấu theo một cách khác”.
Chiến lược này dường như đang tạo ra một số kết quả. Mặc dù quân đội Ukraine không đạt được những bước tiến lớn về lãnh thổ, nhưng hiện tại, họ đã cố gắng làm chậm đà tiến của Nga và Moscow cũng phải gánh chịu những tổn thất nặng nề như Ukraine đã phải gánh chịu trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên, lực lượng Nga vẫn tiếp tục gây áp lực lên các vị trí tiền tuyến của Ukraine ở phía Đông và phía Nam. Những bước tiến liên tiếp cho thấy, bất chấp những thất bại trước các cuộc tấn công của Ukraine, Nga vẫn có đủ lực lượng để tiếp tục cuộc chiến.
“Rõ ràng là Ukraine không thể so sánh được với Nga về số lượng đơn vị và binh sỹ. Ukraine cũng đang cạn kiệt nhân lực. Vì vậy, Ukraine phải rất thận trọng trong cách đối phó với các lực lượng Nga”, ông Samuel Bendett, một nhà phân tích vũ khí Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân (Mỹ) cho biết.
Ở phía Đông, với vùng đồng bằng rộng lớn, Nga ban đầu có thể tận dụng ưu thế về quân số và hỏa lực, làm suy yếu quân đội Ukraine bằng những trận pháo kích không ngừng trước khi tiến lên giành lãnh thổ.
Nhưng giờ đây, khi đã có trong tay các loại pháo tầm xa mới, như Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS) do Mỹ sản xuất, Ukraine đã có thể làm chậm bước tiến của Nga và chuyển hướng chú ý đến những gì mà các tướng lĩnh Ukraine coi là lãnh thổ có lợi hơn ở phía Nam.
Ở đó, đặc biệt là Kherson – khu vực mà Nga kiểm soát được từ những tuần đầu tiên sau khi phát động chiến dịch quân sự, Ukraine hy vọng rằng họ có thể lật ngược tình thế. Sử dụng HIMARS và các loại vũ khí tầm xa khác, các lực lượng Ukraine đã dần làm suy yếu khả năng của Nga trong việc tiếp tế cho lực lượng đang nắm giữ lãnh thổ phía Tây sông Dnipro, bao gồm cả thành phố Kherson.
Ông Serhii Khlan, cố vấn của người đứng đầu Cơ quan quản lý quân sự vùng Kherson, cho biết, việc phá hủy cây cầu cuối cùng bắc qua sông Dnipro hôm 13/8 là một phần trong chiến lược của Ukraine nhằm làm nản lòng lực lượng Nga.
“Tất nhiên, các lực lượng Nga sẽ cố gắng sửa chữa và tìm kiếm một giải pháp thay thế. Nhưng vấn đề là thời gian, tiền bạc. Sau đó, khi họ lại có được nguồn thiết bị và sức mạnh - chúng tôi sẽ phá hủy nó một lần nữa”, ông Khlan nói.
Theo các chỉ huy Ukraine, mục đích của chiến thuật hiện nay là tạo ra các điều kiện không thể cố thủ được để Nga buộc phải chủ động rút quân qua Dnipro khi đối mặt với cuộc phản công dự kiến của Ukraine.
Tại miền Đông Ukraine, Nga hiện tập trung vào việc giành lấy vị trí ở khu vực Donetsk và đã xảy ra giao tranh dữ dội trong những ngày gần đây ở khu vực xung quanh thị trấn Pisky. Bộ Quốc phòng Nga ngày 13/8 cho biết thị trấn đã thất thủ. Tuy nhiên, theo New York Times, không thể xác minh độc lập tuyên bố này.
Đánh vào điểm yếu của Nga
Cách đánh của Ukraine ngày càng trở nên rõ ràng hơn, đó là thực hiện các cuộc tấn công làm suy yếu khả năng của Moscow trong việc duy trì các lực lượng mà nước này đã triển khai ở mặt trận.
Ông Andrii Ryzhenk, một cựu quan chức quân sự hàng đầu của Ukraine, hiện là cố vấn tại Trung tâm Chiến lược Quốc phòng - một tổ chức tư vấn của Ukraine, cho biết: “Chúng tôi tìm kiếm điểm yếu của người Nga, xác định điểm trọng yếu của đối phương và dần dần làm cạn nguồn lực của họ”.
Phương pháp này cũng được các quan chức phương Tây khuyến khích. Ông Reznikov, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Anh đều đưa ra lời khuyên cho ông: “Người Nga sử dụng chiến thuật xay thịt - nếu Ukraine định chống lại Nga bằng chiến thuật tương tự, chúng tôi sẽ không có thể giúp Ukraine”.
Yếu tố quan trọng đối với nỗ lực của Nga trong việc kiểm soát lãnh thổ ở phía Nam Ukraine là quyền kiểm soát của Moscow đối với Crimea – bán đảo mà Nga đã sáp nhập năm 2014. Trước chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Nga đã điều động hàng chục nghìn binh sĩ tới bán đảo này, và Moscow đã kiểm soát được một dải lãnh thổ phía Nam như Kherson và Zaporizhzhia trong vòng vài ngày.
Kể từ đó, các tuyến đường sắt từ Crimea trở nên rất quan trọng trong việc cho phép Moscow chuyển vũ khí và thiết bị hạng nặng vào miền Nam Ukraine. Tuần trước, Cơ quan Tình báo Quốc phòng của Anh cho biết Ukraine đã tấn công một tuyến đường sắt quan trọng từ bán đảo, khiến “tuyến đường sắt nối Kherson với Crimea khó có khả năng duy trì hoạt động”.
Cơ quan này cho biết, Nga có thể gấp rút sửa chữa tuyến đường sắt đó, nhưng cuộc tấn công đã cho thấy một lỗ hổng nghiêm trọng.
Chiến trường phía Nam Ukraine hiện nay về cơ bản bị cắt làm đôi, với đường phân chia là sông Dnipro. Cơ quan tình báo Anh cho biết, ngay cả khi Nga cố gắng sửa chữa đáng kể những cây cầu chiến lược mà lực lượng Ukraine đã tấn công, các công trình đó sẽ vẫn là một điểm yếu tiềm tàng./.