Vụ rò rỉ Dòng chảy phương Bắc phơi bày điểm yếu của châu Âu

VOV.VN - Sự cố rò rỉ đường ống Dòng chảy phương Bắc dấy lên lo ngại tất cả các cơ sở hạ tầng trọng yếu ở châu Âu, từ đường dầu khí Biển Bắc, đường cáp điện kết nối lục địa châu Âu với Anh cho tới các đường cáp internet có thể gặp nguy hiểm.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/9 cảnh báo sẽ đáp trả bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu sau các vụ rò rỉ đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và 2.

Vụ rò rỉ không ảnh hưởng tới việc cung cấp khí đốt sang châu Âu bởi cả 2 đường ống đều không hoạt động ở thời điểm đó. Đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 trên thực tế vẫn chưa chính thức vận hành thương mại, dù đã được cấp hàng trăm triệu mét khối khí đốt trong đó. Còn Dòng chảy phương Bắc 1 đã bị Nga khoá van vô thời hạn từ cuối tháng 8 vì lý do kỹ thuật.

Mặc dù vậy, sự việc dấy lên lo ngại về mức độ an toàn của các hệ thống năng lượng của châu Âu trong bối cảnh các nước đang chạy đua với thời gian để dự trữ khí đốt cho mùa đông.

Mỹ và một số nước châu Âu cam kết sẽ điều tra cặn kẽ sự việc. Một số quan chức và nhà phân tích đã “chỉ tay” về phía Nga. Trong khi đó, Điện Kremlin gọi những cáo buộc này là “ngớ ngẩn” và Nga đã dự đoán trước được những cáo buộc như vậy.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow sẽ đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn về “các hành động khiêu khích” liên quan đến các đường ống dẫn khí đốt.

Cơ sở hạ tầng trọng yếu của châu Âu có thể trở thành mục tiêu

Cao ủy EU về Chính sách Đối ngoại Josep Borrell cho rằng các vụ rò rỉ là hành động có chủ đích và EU sẽ có các bước đi tiếp theo nhằm tăng cường an ninh năng lượng.

“Những sự việc này không phải là trùng hợp và nó đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Bất cứ hành động có chủ ý nào đối với cơ sở hạ tầng năng lượng châu Âu cũng là điều không thể chấp nhận được và sẽ vấp phải phản ứng mạnh mẽ và đoàn kết”, ông Borrell nhấn mạnh.

Trong khi đó, Bộ trưởng kinh tế Đức Robert Habeck cảnh báo các cơ sở hạ tầng trọng yếu ở châu Âu đang trở thành mục tiêu.

“Chúng ta có các đường ống, các đường cáp viễn thông và cả cáp điện chạy dưới đáy biển. Chúng ta phụ thuộc vào các cơ sở hạ tầng đó nhưng chúng lại rất dễ bị tổn thương. Cũng rất khó để giám sát điều gì đang xảy ra và ngăn chặn các hành động phá hoại”, ông Ander Puck Nielsen, nhà nghiên cứu tại Trung tâm hoạt động hàng hải tại Đại học quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch nhận định.

Ông Tobias Federico, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Energy Brainpool, nói rằng các sự cố Dòng chảy phương Bắc dấy lên lo ngại rằng tất cả các cơ sở hạ tầng trọng yếu ở châu Âu, từ đường ống dẫn dầu và khí đốt Biển Bắc, các đường cáp điện kết nối lục địa châu Âu, Scandinavia với Anh cho tới các đường cáp internet có thể gặp nguy hiểm.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông đã thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Morten Bødskov về vấn đề bảo vệ các cơ sở hạ tầng trọng yếu đặt tại các quốc gia NATO.

Gánh nặng tài chính và hậu cần

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nhấn mạnh: “Các vụ phá hoại đường ống dưới Biển Baltic một lần nữa cho thấy, châu Âu đang phụ thuộc vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu, trong đó có cả các hạ tầng dưới nước”.

Cáp điện, các đường ống dẫn dầu mỏ và khí đốt, cáp quang viễn thông dưới đáy biển… thường được thiết kế để chống chịu các sự cố chứ không phải các cuộc tấn công có chủ đích. Việc tăng cương an ninh cho các cơ sở hạ tầng này sẽ làm gia tăng gánh nặng tài chính và hậu cần cho châu Âu.

Cảnh sát Na Uy ngày 28/9 đã tăng cường an ninh xung quanh các cơ sở dầu mỏ và khí đốt của nước này, một ngày sau khi Đan Mạch thông báo áp dụng các biện pháp tương tự xung quanh các cơ sở hạ tầng năng lượng.

Gassco AS, đơn vụ vận hành hầu hết các đường ống dẫn khí đốt ở Na Uy – hiện là nguồn cung cấp lớn nhất của châu Âu – nói rằng công ty này đang tăng cường các biện pháp đề phòng an ninh sau sự cố của đường ống Dòng chảy phương Bắc.

Các vụ rò rỉ, cùng với những tranh cãi giữa các công ty năng lượng Nga và Ukraine liên quan đến phí trung chuyển khí đốt, đã làm dấy lên lo ngại về khả năng nguồn cung cho châu Âu sẽ tiếp tục bị gián đoạn. Nga đã cắt giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu trong những tháng gần đây, động thái mà EU gọi là một cuộc tấn công kinh tế.

Giá khí đốt tiêu chuẩn châu Âu hôm 28/9 đã tăng 7% sau khi giảm giá trong những tuần gần đây.

An ninh khu vực Biển Baltic

Sự cố rò rỉ đường ống Dòng chảy phương Bắc, được cho là do hành động phá hoại, xảy ra trong bối cảnh các lực lượng an ninh châu Âu đang giám sát hoạt động quân sự của Nga trong khu vực.

“Có lý do để lo ngại về tình hình an ninh ở khu vực Biển Baltic. Bất chấp xung đột ở Ukraine, Nga vẫn hiện diện quân sự đáng kể ở khu vực biển Baltic”, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Bødskov cho biết hôm 28/9.

Các đường ống Dòng chảy phương Bắc được đặt dưới đáy biển, mỗi đường ống dài hơn 1.200km. Theo một quan chức châu Âu, các đường ống được tráng bê tông để đảm bảo độ ổn định. Nếu không có bê tông, chúng có thể trồi lên khỏi đáy biển vì khối lượng khí trong đó.

“Đây không phải là rò rỉ mà giống như phun trào”, quan chức này nói sự cố. Ông cho biết cả hai đường ống đều đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất được thiết kế để ngăn nguy cơ rò rỉ nếu chúng bị lưới kéo hoặc mỏ neo va vào, hoặc nếu xảy ra hoạt động địa chấn gần đó.

Ông James Henderson, Chủ tịch Chương trình Nghiên cứu Khí đốt tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford cho biết: “Những đường ống này được thiết kế để chống chịu được tất cả các loại tai nạn. Vụ rò rỉ giống như một hành động phá hoại khá tinh vi, đặc biệt là ở độ sâu của các đường ống”.

Theo ông Henderson, các đường ống dẫn khí đốt thường có van khẩn cấp để có thể cách ly và tắt các đoạn ống cụ thể, từ đó ngăn không để toàn bộ khí đốt trong đường ống rò rỉ ra ngoài. Với độ bền của các đường ống, khó có khả năng chúng bị sập và chúng sẽ chứa đầy nước khi khí thoát ra.

Các nhà phân tích cho biết nhà chức trách trước tiên sẽ sử dụng robot lặn để khảo sát tình hình. Để sửa chữa đường ống, sẽ cần một tàu chuyên dụng để thay thế toàn bộ đoạn ống bị hư hỏng.

Nhà điều hành đường ống Dòng chảy phương Bắc cho biết họ đang huy động nguồn lực để thực hiện khảo sát nhằm đánh giá thiệt hại của sự cố. Hiện không thể ước tính sẽ mất bao lâu để có thể khôi phục cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên