“Vùng an toàn” tại Syria có hiệu lực: Vẫn bộn bề những mối lo
VOV.VN - Việc Nga và Mỹ vẫn thực hiện các cuộc tấn công chống IS hay Al-Qaeda có thể tạo ra “cái cớ” cho ý định vi phạm lệnh ngừng bắn ở Syria.
Hôm nay (6/5), Thỏa thuận về các vùng an toàn tại Syria chính thức có hiệu lực, được đánh giá là cơ hội để giúp giảm tình trạng bạo lực kéo dài nhiều năm qua tại Syria.
“Vùng an toàn” tại Syria ngày 6/5 chính thức có hiệu lực nhưng không vì thế mà tình hình đã thực sự bớt căng thẳng. (Ảnh: Getty) |
Mặc dù được cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc trong khu vực như Mỹ, Iran, Saudi Arabia hay Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh, nhưng kế hoạch thiết lập vùng an toàn vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của lực lượng đối lập Syria, đe dọa triển vọng của việc thực hiện Thỏa thuận mới nhất này.
Thỏa thuận thành lập vùng an toàn là kết quả sau hai ngày họp của các bên liên quan tại thủ đô Astana,Kazakhstan dưới sự bảo trợ của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Bộ Quốc phòng Nga, vùng an toàn đầu tiên và lớn nhất tại miền Bắc Syria bao gồm tỉnh Idlib và những quận liền kề các thành phố Latakia, Aleppo và Hama, với tổng số dân hơn 1 triệu người.
Tại ranh giới các vùng giảm căng thẳng sẽ thành lập các khu vực an toàn, nơi đặt các trạm kiểm soát người dân ra vào vùng giảm căng thẳng, phục vụ công tác cứu trợ nhân đạo và các điểm giám sát ngừng bắn.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin đánh giá cao sự ủng hộ của Mỹ và các bên liên quan giúp đảm bảo việc thực thi thỏa thuận.
“Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia tích cực cho các hoạt động chuẩn bị để việc kí biên bản ghi nhớ diễn ra một cách kịp thời. Nước Mỹ cũng đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy thành lập khu vực vùng an toàn tại Syria. Mỹ cũng đã lên tiếng hoan nghênh các bước đi nhằm giảm tình trạng bạo lực tại Syria”, ông Fomin.
Nga hôm qua (5/5) tuyên bố các vùng an toàn ở Syria đóng cửa đối với các máy bay của liên quân do Mỹ đứng đầu. Trên thực tế, quân đội Nga cũng đã ngừng ném bom các khu vực được xác định là vùng an toàn theo thỏa thuận vừa ký kết với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Nga: Mỹ đóng vai trò tích cực trong thiết lập vùng an toàn ở Syria
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng có cuộc điện đàm, thảo luận về các nỗ lực cần thiết nhằm giảm căng thẳng tại Syria, thực hiện nghiêm túc lệnh ngừng bắn, tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố, thúc đẩy hoạt động phối hợp của các nước trong tiến trình đàm phán giữa các bên tại Syria.
Sự đồng thuận lớn giữa Nga và Mỹ cùng các bên liên quan như Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran giúp mang lại cơ hội lớn để thỏa thuận được thực thi một cách hiệu quả. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất hiện nay đó là việc thỏa thuận này không nhận được sự ủng hộ của nhóm đối lập Syria.
Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC), đại diện phe đối lập chính tại Syria đã lên tiếng chỉ trích đề xuất của Nga thành lập vùng an toàn tại Syria. Tuyên bố của nhóm này nêu rõ, đây là một đề xuất chưa rõ ràng và bất hợp pháp, đồng thời bác bỏ vai trò của Iran trong bất cứ một thỏa thuận nào. Trước đó, Đại diện phe đối lập Syria đã rời khỏi bàn đàm phán tại Astana và tỏ thái độ giận dữ sau khi vòng đàm phán kết thúc do phản đối sự tham dự của Iran.
Cơ quan khảo sát nhân quyền Syria hôm qua (5/5) cũng cho biết, lực lượng chính phủ với các nhóm đối lập đã có các cuộc đụng độ tại khu vực phía tây bắc tỉnh Hama của Syria, ngay sau khi thỏa thuận chính thức có hiệu lực.
Việc Nga cũng như liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu chống IS vẫn thực hiện các cuộc tấn công chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS hay Al-Qaeda cũng có thể tạo ra những “đụng độ tình cờ” hay là “cái cớ” của một bên nào đó muốn vi phạm lệnh ngừng bắn.
Tuy vậy, một số nhà quan sát cũng có cái nhìn lạc quan hơn đối với Thỏa thuận mới nhất này. Sau nhiều năm lực lượng đối lập Syria đề nghị Mỹ và các đồng minh thiết lập khu vực cấm bay tại Syria thì kế hoạch này hiện lại do Nga đề xuất và nhận được sự ủng hộ của chính phủ Syria.
Điều này có thể tạo ra một lệnh ngừng bắn hoàn toàn tại những khu vực đã được thiết lập. Thỏa thuận lần này cũng có sự khác biệt so với một số lệnh ngừng bắn đã đạt được trước đó, là các bên nhất trí về khả năng có các lực lượng bên ngoài giám sát lệnh ngừng bắn. Phía Nga cho biết nước này có thể cử quan sát viên và hợp tác với các nước khác để đảm bảo thỏa thuận được thực thi./. Nga-Mỹ tiếp tục theo đuổi nỗ lực hợp tác giải quyết khủng hoảng Syria