Vùng xám giữa NATO và Nga trong bối cảnh chiến sự Ukraine
VOV.VN - Căng thẳng những tháng qua giữa Nga và NATO liên quan đến Ukraine đã làm nổi bật khái niệm vùng xám giữa NATO và Nga.
Các nước thành viên khối quân sự NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) sẽ phải toàn tâm xử lý vấn đề chiến sự ở Ukraine, quản lý mối quan hệ đầy căng thẳng với Nga, tăng cường sườn phía Tây của khối. Sau chiến tranh, họ còn phải tham gia vào công cuộc tái thiết. Nhưng không chỉ có thế, các nước này còn phải nhìn xa trông rộng, vượt ra khỏi cuộc chiến này và các hậu quả nhãn tiền, để rút ra những bài học rộng lớn hơn.
Thực tế chiến trường cho thấy lợi thế hiện nay đã nghiêng về Nga. Đây là một trong các lý do Pháp, Đức, Italy và các đồng minh khác của Mỹ đang hướng tới giải pháp ngoại giao.
Đã đến lúc NATO tập trung vào giải pháp ngoại giao, hỗ trợ quá trình đàm phán cho việc ngừng bắn và các mục tiêu tiếp theo.
Xung đột ở Ukraine đã chỉ rõ nhu cầu phải hình thành tư duy mới về thúc đẩy an ninh ở “vùng xám” của châu Âu, vùng này nằm giữa Nga và các nước NATO.
Ngay trong lúc giao tranh đang diễn ra, người ta đã phải trao đổi về vị thế địa chính trị của Ukraine trong tương lai. Xu hướng vận động của Ukraine có thể cung cấp mô hình cho Gruzia, Moldova và các nước khác muốn quay sang phương Tây nhưng khó lòng gia nhập NATO do đối mặt với yêu cầu của Nga về an ninh.
Hiện đang hình thành 3 cách tiếp cận đan xen vào nhau trong việc thúc đẩy nhu cầu an ninh của các nước trong vùng xám.
Thứ nhất, tính trung lập lâu dài sẽ mang lại cho các nước này phương tiện củng cố chủ quyền và độc lập trong khi vẫn tính tới việc Nga phản đối mở rộng NATO. Ukraine cũng từng theo đuổi đường lối trung lập kể từ khi tách ra khỏi Liên Xô vào năm 1991. Mãi đến năm 2019, Ukraine mới ghi vào Hiến pháp của họ ý định gia nhập NATO. Trong phát biểu ngày 24/2/2022 về “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Tổng thống Nga Putin đã đề cập “các mối đe dọa căn bản do các chính trị gia phương Tây vô trách nhiệm gây ra cho nước Nga”. Ý của ông Putin là tình trạng Đông tiến của NATO và việc khối này đưa cơ sở hạ tầng quân sự ngày một sát biên giới nước Nga.
Thứ hai, trung lập sẽ đi kèm với các bảo đảm an ninh từ liên minh các nước sẵn sàng làm vậy. Những bảo đảm như vậy khó sánh bằng các bảo đảm chính thức về phòng thủ gắn liền với tư cách thành viên của NATO, tuy nhiên chúng sẽ buộc các bên ký kết giúp duy trì an ninh và vị thế không liên kết của các nước ở vùng xám của châu Âu. Các bảo đảm này sẽ cao hơn cấp độ ủng hộ của phương Tây trước đây, như huấn luyện quân sự tăng cường, vận chuyển vũ khí thời bình và ủng hộ quân sự mạnh mẽ nếu các nước trong diện bảo đảm này bị tấn công quân sự.
Phần thứ 3 của an ninh ở vùng xám sẽ là tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU). EU đã trao tư cách thành viên cho Ukraine và Moldova, trong khi Gruzia đang ở phòng đợi.
Mặc dù quá trình thương lượng gia nhập có thể mất một thập kỷ hoặc lâu hơn, tư cách ứng viên có thể khích lệ Ukraine chống tham nhũng và tiến hành các cải cách kinh tế và chính trị.
Thực tế Nga cũng không phản đối việc Ukraine gia nhập EU. Tổng thống Putin gần đây tuyên bố: “Chúng tôi chẳng hề chống lại điều đó. Đó là quyết định chủ quyền của họ khi gia nhập các liên minh kinh tế hay không. Đó là việc của họ, việc của nhân dân Ukraine”.
Trong bối cảnh đó, NATO có thể kết nạp Phần Lan và Thụy Điển và có thể cả nước ở vùng Balkan. Nhưng NATO sẽ không thể mở rộng xa hơn nữa.
Đặt ra một giới hạn minh bạch về việc Đông tiến của NATO, tập trung vào EU để mở rộng ảnh hưởng vào vùng xám của châu Âu có thể sẽ giúp phương Tây và Nga gác sang một bên vấn đề gây chia rẽ mối quan hệ giữa họ kể từ lúc bắt đầu quá trình mở rộng NATO ngay sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc./.