Xâm hại động vật hoang dã làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh như Covid-19
VOV.VN - Việc mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã làm tăng nguy lây truyền virus sang con người, từ đó làm bùng phát các dịch bệnh như Covid-19.
Đây là phát hiện chính trong một nghiên cứu được công bố mới đây bởi một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học California (Mỹ). Nghiên cứu này nhìn vào xu hướng của các loài động vật được biết đến là vật trung gian làm lây truyền các virus cho con người.
Động vật hoang dã bị nhốt trong cũi. Ảnh: AFP. |
Mối nguy lớn từ khai thác, xâm hại động vật hoang dã
Mặc dù gen và xác suất là các nhân tố quyết định liệu một virus có truyền từ động vật sang người hay không, nghiên cứu trên cho rằng con người đóng vai trò thúc đẩy nguy cơ truyền nhiễm kiểu này trong đại dịch Covid-19 hiện nay, hiện khiến hơn 1,6 triệu người lâm bệnh.
Con người đe dọa sự tồn vong của các động vật hoang dã thông qua việc tàn phá nơi trú ngụ của chúng, săn bắn và buôn bán động vật hoang dã. Mà những loại động vật này lại là vật chủ của nhiều virus làm lây nhiễm cho con người ở mức độ gấp đôi so với các loài bị đe dọa bởi các nguyên nhân khác, theo nghiên cứu trên.
Trưởng nhóm tác giả của đề tài nghiên cứu này, Christine Kreuder Johnson – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh tật tại Viện One Health, cho hay: “Việc lan truyền virus từ động vật là hậu quả trực tiếp của hành động của con người liên quan đến động vật hoang dã và nơi cư trú của chúng”.
Bà Johnson nói thêm: “Hậu quả ở đây là chúng chia sẻ virus với chúng ta. Các hành động của chúng ta vừa đe dọa sự sống còn của các loài động vật vừa làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho chính chúng ta. Khi không may xảy ra tình trạng hội tụ nhiều yếu tố cùng lúc, sẽ xuất hiện tình trạng hỗn loạn như hiện nay”.
Nghiên cứu kiểm tra khoảng 140 loài virus từ động vật có lây nhiễm sang người và đã được tìm thấy ở các loài động vật cụ thể trước năm 2014. Nghiên cứu cũng khảo sát xu hướng ở các loài đó, sử dụng dữ liệu từ Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Danh sách Đỏ các loài bị đe dọa.
Các phát hiện này củng cố các bằng chứng về vai trò của con người trong sự xuất hiện ngày càng thường xuyên của các bệnh truyền nhiễm trong các thập kỷ gần đây.
Các nhà khoa học và các tổ chức y tế cộng đồng đã từ lâu kêu gọi chú ý hơn tới hậu quả của việc gia tăng xâm hại môi trường sinh sống của động vật trong bối cảnh có nhiều dịch bệnh bùng phát.
Giới khoa học và y tế cảnh báo, tình trạng phá rừng, đô thị hóa, và việc mở rộng nông nghiệp cùng làm gia tăng sự tiếp xúc của con người với các loài động vật này, khi dân số loài người đã tăng gấp hơn 2 lần kể từ năm 1960.
Thách thức nguy hiểm từ biến chủng của virus gây bệnh Covid-19
Các loài nguy hiểm nhất về mức độ gây lây nhiễm virus
Nghiên cứu trên, được xuất bản trên tạp chí chuyên ngành Proceedings of the Royal Society B, phát hiện ra rằng, về mặt lịch sử, các loài động vật được thuần hóa chính là các loài có vú đóng góp nhiều nhất vào việc lây truyền virus, bởi chúng thường xuyên tiếp xúc với con người.
Các động vật đã được thuần dưỡng, bao gồm gia súc, “chia sẻ” với con người số lượng virus động vật nhiều gấp 8 lần so với các động vật có vú hoang dã, như là H1N1, virus Hanta, và virus bệnh dại.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng các cộng đồng dân cư người được mở rộng lộn xộn đã tạo thêm cơ hội để con người sống gần với động vật hoang dã. Chuột, dơi, và các loài linh trưởng sống gần nhà hoặc nông trang, tạo ra nguy cơ cao về lây truyền virus sang người.
Chuột, dơi, và linh trưởng chiếm khoảng 70% tất cả các loài động vật sống trên mặt đất. Chúng chính là vật chủ trung gian cho 3/4 các loài virus động vật, theo nghiên cứu trên. Dơi được cho là nguồn gốc của một số loài virus gây ra bệnh tật ở con người, bao gồm hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng (SARS), bệnh lây nhiễm virus Nipah, và có thể cả Covid-19 (do virus SARS-CoV-2 gây ra).
Như vậy dễ hiểu là mức độ tương tác giữa người và động vật càng lớn thì càng có nguy cơ virus gây bệnh lan truyền từ động vật sang con người, theo nhà dịch tễ học thú y Dirk Pfeiffer, một giáo sư của Viện One Health bên trong Đại học Thành phố Hong Kong.
Vậy chúng ta phải làm gì?
Đồng tác giả của nghiên cứu trên, Peta Hitchens – nhà dịch tễ học thú y tại Đại học Melbourne, cho rằng việc cải thiện điều phối giữa các bác sĩ, bác sĩ thú y, và các nhà sinh thái học, tăng cường an ninh sinh học ở các trang trại, và theo dõi bệnh tật ở động vật và con người là các biện pháp quan trọng để cắt giảm nguy cơ và ngăn ngừa một đại dịch nữa xảy ra sau Covid-19 này.
Bà Peta nói: “Sẽ còn thêm nhiều virus nữa lan truyền từ động vật sang con người trong tương lai và khả năng của chúng ta phản ứng lại điều đó sẽ trở nên tốt hơn nhờ vào những việc như kiểm soát lây nhiễm trước khi chúng bùng phát mạnh, và sản xuất vaccine theo cách hiệu quả hơn. Qua thực tế chúng ta sẽ đạt được điều đó”./.