Xích lại gần Trung Quốc, Philippines sẽ thu lợi nhiều về kinh tế?
VOV.VN - Trong chuyến thăm đầu tiên đến Bắc Kinh, Tổng thống Philippines kỳ vọng vào sự giúp đỡ của Trung Quốc để phát triển kinh tế của đất nước.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang có chuyến thăm Trung Quốc bốn ngày, nơi ông có các cuộc đàm phán quan trọng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và một loạt các quan chức cấp cao khác.
Tổng thống Philippin Rodrigo Duterte trong chuyến thăm Trung Quốc bốn ngày |
Sự lựa chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên ngoài khu vực Đông Nam Á trong nhiệm kỳ tổng thống của mình cho thấy những nỗ lực của ông Duterte nhằm thiết lập quan hệ khăng khít hơn với Bắc Kinh.
Kể từ khi nhậm chức vào cuối tháng 6 năm nay, ông Duterte tỏ ý muốn định hình lại mối quan hệ chiến lược bấy lâu với Mỹ - cường quốc thống trị Philippines một thời và là đồng minh chiến lược về quốc phòng của Philippines. Một trong những động thái đó là ông Duterte tuyên bố sẽ ngừng các hoạt động diễn tập quân sự chung giữa hai nước từ năm 2017.
Thậm chí, Tổng thống Duterte còn bày tỏ ý định "phá vỡ” sự lệ thuộc của Philippines vào Mỹ và chuyển hướng sang xích gần tới Trung Quốc và Nga và điều đó được thể hiện bằng cam kết mua vũ khí từ hai quốc gia này.
Trả lời phỏng vấn của hãng Tân Hoa Xã (Trung Quốc) trước chuyến thăm Bắc Kinh, ông Duterte đã nói lời cảm ơn Trung Quốc vì đã không chỉ trích chiến dịch chống ma tuý và tội phạm đang diễn ra tại Phillipines mà báo chí đưa đã dẫn đến trên 3.000 cái chết trong vòng ba tháng qua.
Ông Duterte nói: "Một số nước khác biết chúng tôi thiếu tiền song thay vì giúp đỡ chúng tôi, tất cả những gì họ chỉ làm là chỉ trích. Trung Quốc chưa bao giờ chỉ trích. Họ lặng lẽ giúp chúng tôi và đây là lý do tôi nói đó là một phần tấm chân thành của người Trung Quốc."
Gác vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tán dương chuyến thăm "có ý nghĩa bước ngoặt” của Tổng thống Philippines đến Bắc Kinh khi hai nước nhất trí thiết lập các cuộc đàm phán ngoại giao và quốc phòng, bao gồm vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông vốn làm đóng băng quan hệ giữa hai nước trong nhiều năm.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho biết: "Vấn đề Biển Đông không phản ánh lên được mối quan hệ song phương. Hai nước đã nhất trí nỗ lực dàn xếp vấn đề thông qua đàm phán, đánh dấu sự quay trở lại giải pháp đã được vận dụng năm năm trước”.
Tuyên bố này được xem như là phần thắng cho Bắc Kinh sau khi đã từ chối phán quyết của Toà án Trọng tài Quốc tế The Hague (Hà Lan) vào đầu năm nay.
Chủ tịch Trung Quốc còn bày tỏ tin tưởng rằng chuyến thăm nhà nước của Tổng thống Duterte cùng 200 doanh nhân hàng đầu Philippines có thể góp phần "cải thiện toàn diện” quan hệ giữa hai nước và tuyên bố rằng Trung Quốc và Philippines là hai nước anh em có thể dàn xếp vấn đề tranh chấp một cách hợp lý, thấu tình.
Lợi ích kinh tế
Tiết lộ ông nội mình là người Trung Quốc, ông Duterte nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã rằng "chỉ có Trung Quốc có thể giúp chúng tôi” khi nói về tương lai phát triển của Philippines.
Mặc dù nền kinh tế Philippines vượt trội so với một số nước khác trong khu vực trong những năm trở lại đây song hệ thống cơ sở hạ tầng của nước này, như sân bay, đường sắt, đường bộ và các công trình quan trọng khác, vẫn còn yếu kém, lạc hậu và kìm hãm kinh tế phát triển.
Vì vậy, ông Duterte coi Trung Quốc là nguồn cấp vốn cho sự phát triển hạ tầng vốn rất cần thiết. Tháp tùng Tổng thống Philippines đến Trung Quốc lần này còn có hàng trăm giám đốc điều hành doanh nghiệp Philippines và theo các phương tiện thông tin đại chúng các hợp đồng trị giá hàng tỉ đô la Mỹ có thể được ký kết trong chuyến thăm này.
Theo nhận định của ông Benedikt Seemann, trưởng đại điện văn phòng Quỹ Konrad Adenauer tại Manila, phía Philippines kỳ vọng rất nhiều ở chuyến thăm này và "họ muốn ký kết các thoả thuận song phương phương về thương mại và đầu tư”.
Một kỷ nguyên mới
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 18/10 nhấn mạnh rằng không có "thế lực nước ngoài” nào có thể gây trở ngại cho mối quan hệ Trung Quốc - Philippines.
Tán dương thiện chí của ông Duterte muốn nỗ lực cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc và quay trở lại "con đường đối thoại và hợp tác”, ông Vương nói: "Đây sẽ là chuyến thăm lịch sử, mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines”.
Một cuộc khảo sát mới do cơ quan điều tra Social Weather Stations tại Manila tiến hành, cho thấy nhiều người dân Philippines vẫn hoài nghi về Trung Quốc. Theo kết quả điều tra, 55% người dân Philippines coi Trung Quốc "ít đáng tin cậy”, chỉ 22% tỏ ra "tin cậy nhiều” vào Trung Quốc và 19% không đưa ra ý kiến. Mỹ được đánh giá khả quan hơn với 76% người dân Philippines "tin tưởng nhiều” vào nước Mỹ.
Trong bối cảnh này, nhiều người dân Philippines tỏ ra dè dặt với khuynh hướng chính sách đối ngoài dường như "bài" Mỹ của Tổng thống Duterte. Mặc dù vậy, ông Duterte hiện vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong dân chúng.
Trong khi đó, mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines là mấu chốt quan trọng trong các mục tiêu chính sách đối ngoại "xoay trục sang châu Á” hay tái cân bằng của chính quyền Tổng thống Obama tại châu Á.
Theo giới chuyên gia, các tuyên bố hùng hồn của ông Duterte về Mỹ nếu biến thành hành động sẽ khiến những mục tiêu của Washington trở nên xa vời.
Ông Gregory Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), nhận định không ai biết đâu chính xác là những ý đồ của ông Duterte và đây là một phần lớn của vấn đề.
Theo ông Poling, chiến lược thay thế của ông Duterte "dường như tuỳ thuộc vào mối hy vọng rằng Trung Quốc sẽ cắt ra một sự đối đãi công bằng ở Biển Đông song không có dấu hiệu nào cho thấy rằng Bắc Kinh thực sự muốn thương lượng bất kỳ trong những vấn đề cốt lõi ở Biển Đông”.
Tổng thống Philippines Duterte cũng chịu sức ép gia tăng trong nước đòi không được nhân nhượng trong việc đòi chủ quyền lãnh thổ. Thậm chí, gần đây thẩm phán Toà án Tối cao Philippines Antonio Carpio khuyến cáo ông Duterte có thể bị buộc tội phản quốc nếu từ bỏ đòi chủ quyền của Philippines tại bãi cạn Scarborough.
Giáo sư Shi Yinhong thuộc trường đại học Renmin tại Bắc Kinh nhận định cả Trung Quốc hay Philippines sẽ không đưa ra bất kỳ sự nhượng bộ nào về việc tranh chấp lãnh thổ tại bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc thâu tóm từ tay Philippines vào năm 2012.
Tuy nhiên, theo ông Shi, rất có thể Bắc Kinh sẽ cho phép ngư dân Philippines đi vào các vùng biển xung quanh bãi cạn có điều kiện. Ông nói: "Nhìn chung, Trung Quốc muốn làm dịu quan hệ căng thẳng với Philippines bằng lời hứa hỗ trợ kinh tế cho nước này”./.