Xung đột Israel-Hamas có nguy cơ phá tan sự hàn gắn mong manh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel
VOV.VN - Mới đây, quan hệ Israel-Thổ Nhĩ Kỳ đã nồng ấm hơn. Nhưng khi Israel và Hamas leo thang căng thẳng quân sự ở Gaza vào tháng 5/2021, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan kêu gọi cho Israel một “bài học mạnh mẽ và có tính răn đe”.
Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua đã khó nhọc hàn gắn quan hệ với Israel thì nay bạo lực bùng phát ở Gaza và Jerusalem, khiến cho sự nồng ấm này trở nên mong manh, dễ vỡ.
Chỉ vài tháng trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố ông muốn nâng quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Israel “lên một tầm mới tốt đẹp hơn”. Nhưng vào đêm 12/5 vừa qua, ông Erdogan lại kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy “cho Israel một bài học răn đe mạnh mẽ”.
Không những vậy, Tổng thống Erdogan còn kêu gọi cộng đồng quốc tế và thế giới Hồi giáo xem xét việc triển khai một lực lượng quốc tế với Dải Gaza để bảo vệ người Palestine.
Soner Cagptay – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Chính sách Cận Đông Washington nhận định đây có thể là sự “bình thường hóa” ngắn ngủi nhất trong lịch sử.
Tất nhiên, về chuyện hành động thực sự thì những gì ông Erdogan tuyên bố có thể chỉ dừng ở câu từ. Tiến sĩ Clemens Hoffman – chuyên gia chính trị quốc tế tại Đại học Stirling, cho rằng thế giới Hồi giáo từ Indonesia cho đến Marốc dẫu vậy vẫn không thực lòng muốn đối đầu với Israel, nếu có thì cũng chỉ ở một chừng mực nhẹ nhàng nào đó mà thôi.
Quan hệ tốt lên của Israel với các nước Arab và Hồi giáo thời gian qua
Thực tế trong năm 2020, một số chính phủ vốn có truyền thống bài Israel như UAE, Sudan, Bahrain, và Marốc đã “bình thường hóa” quan hệ với Tel Aviv thông qua một chuỗi thỏa thuận do Mỹ làm trung gian, gọi là Hiệp định Abraham.
Hiện nay, do căng thẳng ở Gaza, các mối quan hệ trên chịu áp lực nhất định nhưng các quốc gia này có lẽ sẽ không tính đến việc từ bỏ Hiệp định trên vì những lợi ích trong quan hệ nồng ấm với Israel.
Cuối năm 2020, UAE rồi sau đó là Bahrain và Sudan đã lần lượt ký hiệp định bình thường hóa quan hệ với Israel.
Trên tinh thần hòa giải đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố vào tháng 12/2020 rằng họ muốn cải thiện quan hệ với Israel.
Trước thời điểm tháng 12/2020, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel từng căng thẳng dưới thời Erdogan khi ông này tố cáo Israel là “diệt chủng” người Palestine, rồi triệu hồi Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Israel, và cho phép phái Hồi giáo vũ trang Hamas mở trụ sở ở Thổ Nhĩ Kỳ dù cho Israel và Mỹ coi Hamas là một tổ chức “khủng bố”.
Vào cuối tháng 12/2020, trong bối cảnh Israel hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan trong xung đột ở Nagorno-Karabakh (Israel đã cung cấp nhiều UAV vũ trang lợi hại cho Azerbaijan trong trận chiến này – người dịch), thì Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố muốn thấy quan hệ song phương cải thiện.
Quan hệ giữa Israel với các nước như UAE và Bahrain mang tính thực chất hơn. Như UAE đã lập một quỹ 10 tỷ USD để đầu tư vào các ngành chiến lược ở Israel, và khoảng 50.000 du khách Israel đã thăm UAE trong 8 tuần đầu tiên sau khi các chuyến bay quốc tế giữa 2 nước bắt đầu vào tháng 11/2020…
Tác động từ biến cố tháng 5/2021
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Israel cải thiện từ từ. Dự kiến, Bộ trưởng Năng lượng Israel Yuval Steinitz sẽ đến một diễn đàn ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 6 này. Nhưng với diễn biến leo thang căng thẳng ở Gaza, lời mời dành cho ông Steinitz đã bị hủy vào ngày 11/5.
Với những diễn biến mới nhất giữa Israel và Palestine, giới lãnh đạo các nước Arab vừa bình thường hóa quan hệ với Israel sẽ phải thận trọng để tránh vấp phải sự phản ứng của dân chúng trong nước.
Trong bối cảnh ấy, hợp tác an ninh-quốc phòng giữa Israel và các nước trên có thể vẫn tiếp tục nhưng các lĩnh vực bề nổi như du lịch và thể thao có thể bị đình lại.
Ở các thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ là Istanbul và Ankara, các cuộc biểu tình đã nổ ra vào ngày 10/5, liên quan đến vấn đề Palestine.
Bằng việc cổ xúy cho sự nghiệp của người Palestine, ông Erdogan có cơ hội thỏa mãn những người ủng hộ mình và đóng vai trò một nhà lãnh đạo được ủng hộ rộng rãi trong thế giới Hồi giáo. Aykan Erdemir – Giám đốc cao cấp của Chương trình Thổ Nhĩ Kỳ tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ, nói rằng Tổng thống Erdogan đã không bỏ lỡ cơ hội ghi điểm chính trị bằng cách tận dụng tâm lý bài Israel trong các cử tri của mình.
Tuy nhiên, ông Erdogan đồng thời đối diện một vấn đề là tình hình tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ đang khó khăn.
Việc ông Erdogan có thái độ cứng rắn với Israel vào lúc này có thể giúp ông và đảng AKP của ông giành được sự ủng hộ trong nước trong thời gian ngắn nhưng lại không giúp nhiều cho ông trong việc xử lý các vấn đề kinh tế dài hạn./.