Xung đột Nga - Ukraine tròn 2 năm: Châu Âu đau đầu với câu hỏi khó
VOV.VN - Khi xung đột vũ trang Nga – Ukraine sắp tròn 2 năm, châu Âu có lẽ phải tự hỏi mình những câu hỏi nghiêm túc về một cuộc xung đột bất ngờ nổ ra ngay ở biên giới của mình, và rằng cuộc xung đột này sẽ tiếp diễn thế nào trong 12 tháng tới?
Các câu hỏi khó với châu Âu
Có thể thấy rõ rằng, một trong những câu hỏi quan trọng nhất hiện nay là liệu phương Tây có thể duy trì sự hỗ trợ tài chính vốn đang cạn kiệt cho Ukraine trong bao lâu? Vấn đề này không mới, nhưng lại đang khiến giới quan chức ở châu Âu phải suy nghĩ nhiều nhất. Nó cũng phản ánh một số sự thật nghiệt ngã hiện nay.
Xung đột đã rơi vào bế tắc một thời gian và tuần trước, Ukraine buộc phải rút khỏi thành phố trọng điểm Avdiivka sau nhiều tháng giao tranh ác liệt - đánh dấu thất bại tồi tệ nhất kể từ khi Bakhmut thất thủ hồi tháng 5/2023.
Số tiền Ukraine rất cần từ Mỹ lại đang bị kẹt, bởi dù đã được Thượng viện thông qua nhưng vẫn phải chờ Hạ viện phê duyệt. Sự thống nhất giữa Liên minh châu Âu (EU) và NATO đang bắt đầu rạn nứt, với gần như mọi quyết định lớn đều bị giữ lại và bị đe dọa phủ quyết.
Không có tiếng nói chính thức nào của phương Tây ngỏ ý muốn bỏ mặc Kiev, nhưng không thể phủ nhận rằng sự mệt mỏi đang ập đến khi các hóa đơn ngày càng tăng.
Theo Cơ quan Theo dõi Hỗ trợ Ukraine của Viện Kiel, kể từ khi xung đột vũ trang Nga – Ukraine nổ ra, EU và các đồng minh khu vực đã chi hơn 100 tỷ USD tài trợ cho nỗ lực quốc phòng của Kiev.
Đầu tháng này, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý cung cấp gói hỗ trợ trị giá 54 tỷ USD cho Ukraine từ nay đến năm 2027. Vương quốc Anh - nước đóng vai trò an ninh lớn trong khu vực cam kết cấp hơn 15 tỷ USD cho Ukraine kể từ năm 2022. Viện Kiel ước tính, Mỹ đã chi 66 tỷ USD cho Ukraine và 60 tỷ USD nữa đang được chuẩn bị.
Trong khi sự ủng hộ mạnh mẽ của phương Tây dành cho Ukraine kể từ năm 2022 khiến nhiều người trong giới ngoại giao ngạc nhiên thì xung đột càng kéo dài, sự mệt mỏi càng tăng lên.
Giữa bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine trước mắt không có hồi kết, các điểm nóng mới ở Trung Đông phát sinh và bản thân chính phủ các nước châu Âu phải đối mặt với những lo ngại trong nước vì khủng khoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát gây ra, việc chi khoản tiền lớn cho Ukraine rõ ràng là khó khăn lớn.
Áp lực chính trị về chi tiêu sẽ trở nên rõ ràng hơn khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra vào tháng 6/2024, cũng như các cuộc tổng tuyển cử ở nhiều quốc gia, trong đó có Vương quốc Anh, một đồng minh quan trọng của Ukraine.
Các quan chức châu Âu chỉ cần nhìn vào khó khăn mà Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp phải với gói viện trợ dành cho Ukraine để thấy tác động thực tế của việc tài trợ cho một cuộc chiến tranh tốn kém ở nước ngoài khi nó có mối liên hệ trực tiếp với chính trị trong nước.
Thêm vào những phiền nhiễu không thể tránh khỏi này là viễn cảnh ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm tới.
Cựu Tổng thống Mỹ Trump vẫn chưa tuyên bố rõ ràng chính sách Ukraine của ông sẽ như thế nào, ngoại trừ phát biểu có thể kết thúc cuộc chiến này trong vòng 24 giờ nếu đắc cử. Những luận điệu chống NATO, coi thường các thể chế châu Âu và thái độ tương đối tích cực với Tổng thống Nga Putin của ông Trump từ lâu đã được nhiều người biết đến.
Đây là một viễn cảnh đáng báo động đối với các quan chức châu Âu, những người vốn tin rằng ông Putin đang đào sâu vào chia rẽ và cố gắng chờ đợi phương Tây không còn đủ kiên nhẫn.
Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, câu hỏi điều gì sẽ xảy ra với an ninh châu Âu nếu không có Mỹ chắc chắn sẽ được đặt ra. Và mặc dù sự thật là an ninh Ukraine gắn liền trực tiếp với an ninh châu Âu, nhưng câu hỏi trước mắt về việc làm thế nào để hỗ trợ Kiev lại khác với mục tiêu dài hạn của châu Âu là độc lập an ninh lớn hơn khỏi Mỹ.
Châu Âu có thể viện trợ Ukraine nếu Mỹ rút hỗ trợ tài chính?
Hầu hết các quan chức cho rằng điều này là có thể. Chắc chắn sẽ khó khăn nhưng có thể. Một quan chức NATO nói với CNN: “EU rất giỏi trong việc gây quỹ và có những công cụ mà họ chưa sử dụng”.
Quan chức này nói rằng trong 12 tháng tới, Brussels nên bắt đầu xem xét việc sử dụng số tiền gắn liền với tài sản bị đóng băng của Nga để giúp tài trợ cho Ukraine. Họ cho biết: “Mặc dù số tiền đó không thể được sử dụng một cách hợp pháp để mua vũ khí nhưng nó có thể được sử dụng để trang trải chi phí bồi thường, giải phóng tiền cho vũ khí từ ngân sách EU và các quốc gia”.
Những tiếng nói ngoại giao có tầm nhìn ra thế giới bên ngoài châu Âu bày tỏ nghi ngờ trước điều này. Số khác lo ngại rằng việc đó sẽ tạo tiền lệ xấu cho việc sử dụng tài sản bị phong tỏa để quyên tiền cho các cuộc chiến tranh ở nước ngoài.
Vấn đề gai góc hơn là liệu châu Âu có thể cung cấp cho Kiev những vũ khí cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc chiến mà không cần sự hỗ trợ của Mỹ hay không. Câu trả lời cho điều đó sẽ là không. Đơn giản là châu Âu hiện không có đủ sức mạnh sản xuất để phục vụ độc lập cho Ukraine trong 12 tháng tới.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao phương Tây lạc quan rằng việc trang bị vũ khí cho Ukraine hoàn toàn phù hợp với nỗ lực rất cần thiết của châu Âu nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.
Các quan chức chỉ ra một thỏa thuận gần đây do NATO làm trung gian, trong đó các nước châu Âu đã cam kết mua 1.000 tên lửa từ các công ty Mỹ sẽ được chế tạo tại một nhà máy mới của Đức.
Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng ý chí mua vũ khí và có chính sách an ninh độc lập của châu Âu sẽ không gây tổn hại cho Mỹ và việc trao “củ cà rốt” cho các hợp đồng của Mỹ là một cách giải quyết điều đó.
Xung đột Nga – Ukraine ở một góc độ nào đó cũng đã thức tỉnh châu Âu khi thúc đẩy các nước thành viên EU phải có hành động phù hợp hơn để tự vệ và hiểu rõ về những nguy cơ, thách thức để qua đó có sự chuẩn bị tốt hơn trước các tình huống phát sinh.