Xung đột Ukraine: Trung Quốc giành lợi thế lớn trước cả Mỹ lẫn Nga
VOV.VN - Thay vì liên kết với Nga để ứng phó với Trung Quốc, Mỹ làm lại làm điều ngược lại, đó là đẩy Trung Quốc xích lại gần Nga. Cuộc xung đột Ukraine đã làm tổn hại sức mạnh của cả Mỹ lẫn Nga, trong khi Trung Quốc lại giành được nhiều lợi thế mới…
Cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukaine đã rơi vào thế giằng co đẫm máu khó kết thúc trong tương lai gần. Phương Tây kẹt sâu trong cuộc xung đột kéo dài và khó giành chiến thắng này, trong khi Nga thì ngày càng cần đến Trung Quốc để ứng phó với các đòn cấm vận của phương Tây.
Cuộc xung đột ấy đã bước sang năm thứ 2 và cho đến nay, không có nhân vật chính nào liên quan đến xung đột này giành được thắng lợi rõ ràng, ngoại trừ Trung Quốc.
Mỹ, châu Âu tổn hao nhiều tiền bạc với kết quả mịt mùng
Cùng phe với Ukraine trong xung đột nói trên là Mỹ và các đồng minh của họ. Kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, Mỹ là nước ủng hộ bền bỉ nhất cho Ukraine. Mỹ đã bơm hơn 75 tỷ USD vào Ukraine để hỗ trợ nước này trên các mặt nhân đạo, tài chính và quân sự. Washington đã và sẽ cung cấp cho Kiev các vũ khí hiện đại, như tên lửa chống tăng Javelin, hệ thống phòng không Patriot, các xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 và A2 Abrams.
Các đối tác châu Âu của Mỹ cũng tiếp tục viện trợ cho Ukraine ở nhiều lĩnh vực, bao gồm tài chính, nhân đạo, năng lượng và ngân sách, cũng như ngoại giao. Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 12/2022 đồng ý về gói lập pháp cung cấp cho Ukraine 18 tỷ euro viện trợ tài chính trong năm 2023.
Thế nhưng, bất chấp việc tiêu tốn nhiều nguồn lực, hỗ trợ gần như không giới hạn cho Ukraine, Mỹ và phương Tây vẫn chưa nhìn thấy triển vọng đẩy được quân đội Nga ra khỏi chiến trường so với thời điểm khi cuộc xung đột này mới bắt đầu.
Nga chịu sức ép cấm vận lớn chưa từng có
Ở bên kia chiến tuyến, nền kinh tế Nga cho tới nay đã kháng cự được các đòn cấm vận kinh tế hà khắc do phương Tây áp đặt. Tuy nhiên, Nga đã đánh mất thị trường EU, bị chảy máu chất xám, và ngày càng phải dựa nhiều hơn vào Iran, Triều Tiên cũng như Trung Quốc.
Trong khi đó, NATO - đối thủ của Nga, đã trở nên đoàn kết hơn bao giờ hết, đã kết nạp được Phần Lan và đang chuẩn bị để kết nạp thêm Thụy Điển.
Bên cạnh đó, xung đột Ukraine đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn cầu hướng sang các loại năng lượng thay thế, từ đó tạo ra mối đe dọa đối với nền kinh tế Nga vốn dựa nhiều vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch.
Còn trên chiến trường, lực lượng quân đội chính quy cũng như lực lượng quân sự tư nhân của Nga cũng đã hứng chịu những thương vong không hề nhỏ trong hơn một năm chiến sự vừa qua.
Ukraine trở thành chiến trường tàn khốc giữa Đông và Tây
Về phần mình, đương nhiên Ukraine chịu nhiều tổn thất nhất trong cuộc xung đột này. Hiện Ukraine đang vướng vào tình cảnh giao tranh chiến hào như thời Thế chiến I. Mặt trận đã trở nên “tĩnh” ở các tỉnh Kherson, Zaporozhye, Donetsk và Lugansk. Cùng với đó, quân đội Ukraine được cho là đã mất hàng chục ngàn binh sĩ kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022.
Tới nay, Nga đã nhiều lần cảnh báo về bờ vực chiến tranh hạt nhân. Trên thực tế, Nga tuyên bố sẽ đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus vào tháng 7 năm nay (2023) - nước cờ đặt Ukraine vào thế nguy hiểm thực sự.
Trung Quốc mạnh lên cả về tuyệt đối và tương đối
Trong bối cảnh ấy, chính Trung Quốc lại đang giành những lợi thế lớn bằng chính sách “tọa sơn quan hổ đấu”.
Đối với Mỹ, Trung Quốc đã thực hiện chính sách tương tự trong 2 thập kỷ qua. Trong lúc Mỹ can thiệp liên tiếp về mặt quân sự và chính trị vào tình hình Trung Đông và hứng chịu các tổn thất to lớn thì Trung Quốc tích cực đầu tư vào kinh tế châu Phi, từ đó mở rộng ảnh hưởng tại đây. Trung Quốc cũng tranh thủ thời gian này để đầu tư cho quân đội, hiện đại hóa không quân và lục quân, mở rộng hải quân ở Đông Á để ứng phó với hiện diện hải quân của Mỹ, tăng cường kho vũ khí chiến lược.
Giới hoạch định chính sách của Trung Quốc hiểu rằng Washington càng phiêu lưu ở nước ngoài thì cán cân sức mạnh càng nghiêng theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.
Trong quá trình xung đột Ukraine diễn ra thời gian qua, Trung Quốc đã tranh thủ gia tăng quan hệ kinh tế với Nga.
Học giả Nilay Saiya thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng: Nghịch lý ở đây là phương Tây vướng vào xung đột với Nga vào đúng lúc đáng lẽ họ phải vun đắp Nga như một lực lượng đối trọng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Thay vào đó, phương Tây đã đẩy Nga vào vòng tay của Trung Quốc, mà Trung Quốc thì đang rất sẵn lòng theo đuổi “tình hữu nghị không giới hạn” với một nước Nga có nhiều lý do để e ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nói cách khác, Mỹ đang tự đẩy mình vào thế đối đầu cùng lúc với hai đại cường là Nga và Trung Quốc./.