Yếu tố Trung Quốc trong sự “đoản mệnh” của INF
VOV.VN - Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc rút khỏi INF bổ sung thêm lựa chọn quân sự cho Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc.
Lý do Mỹ rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (Intermediate-range Nuclear Forces - INF), theo một số nhà phân tích, có thể xuất phát từ việc Washington đã không còn muốn bị ràng buộc bởi các điều khoản trong hiệp ước được ký kết năm 1987 này. Theo nhận định, Mỹ có một số lý do để rút khỏi INF, dù Nga có thực sự vi phạm các điều khoản của Hiệp ước hay không.
Tên lửa DF-26 trong một cuộc duyệt binh tại Quảng trường Thiên An Môn. Ảnh: globalsecurity.org
Nhiều chuyên gia tin rằng việc Mỹ kiên quyết rút khỏi INF xuất phát từ việc Washington muốn xây dựng lại một kho vũ khí mới, đối trọng với kho vũ khí tầm trung mà Trung Quốc đang phát triển trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương. Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và khả năng quân sự cũng như vai trò ngày càng quan trọng của Trung Quốc trong trật tự thế giới mới buộc phương Tây phải cân nhắc nghiêm túc và có bước đi cụ thể nhằm kiềm chế sự ảnh hưởng đang ngày một tăng của Bắc Kinh.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Bolton - một người ủng hộ Mỹ rút khỏi INF, cho rằng, mối đe dọa từ Bắc Kinh đang ngày càng rõ và hiệp ước tên lửa đạn đạo song phương Nga và Mỹ trên thực tế đã không còn phù hợp trong thế giới đa cực (là thỏa thuận đã lỗi thời do nó không bao gồm các nước như Iran, Triều Tiên và đặc biệt là Trung Quốc). Không bị kiểm soát bởi INF, khả năng quân sự của Trung Quốc đang ngày càng được tăng cường và phát triển, nhất là việc mở rộng các lực lượng tên lửa tầm trung. Sức mạnh quân sự của Bắc Kinh không chỉ ảnh hưởng đến các đồng minh của Mỹ trong khu vực mà còn đe dọa trực tiếp các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc, Nhật Bản và trên lãnh thổ Mỹ.
Chính quyền Mỹ cho rằng, INF đang đặt Mỹ ở thế bất lợi hơn vì Trung Quốc không tham gia vào cam kết cắt giảm tên lửa hạt nhân tầm trung ở Thái Bình Dương, trong khi các điều khoản của INF cấm Mỹ phát triển vũ khí mới. Tờ SCMP dẫn nhận định của một số chuyên gia quân sự cho rằng, việc rút khỏi INF bổ sung thêm lựa chọn quân sự cho Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc. Theo tờ báo này, Bắc Kinh đã đưa vào hoạt động những tên lửa mới, có tính sát thương cao hơn, bao gồm tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26, có tầm bắn tối đa 4.000km, có thể nhắm bắn hiệu quả các căn cứ không quân và hải quân ở Guam cũng như các tàu sân bay của Mỹ. Cho đến nay, Mỹ chỉ có thể dựa vào những khả năng khác để đối trọng với Trung Quốc, như tên lửa bắn từ tàu hoặc máy bay của Mỹ.
Theo nhận định của tờ New York Times, nếu rút khỏi INF, Washington sẽ rảnh tay để phát triển các loại vũ khí hạt nhân tầm ngắn và tầm trung và triển khai chúng tại các căn cứ quân sự của mình trên khắp thế giới.
Sputnik dẫn lời cựu Thư ký Hội đồng An ninh Nga Kokoshin cho rằng nguyên nhân sâu xa của việc Mỹ rút khỏi INF là do Trung Quốc đã triển khai hơn 1.000 tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở biển Đông và Hoa Đông ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ. Còn theo cựu Tổng tham mưu trưởng Nga Baluevsky, Mỹ có thể bắt đầu với việc triển khai tên lửa ở Nhật và Hàn Quốc để nhắm vào Trung Quốc nếu rút khỏi INF. Đáp trả Mỹ, Tổng thống Putin ra lệnh tạm ngừng thực thi Hiệp ước INF
Trung Quốc có thể làm gì?
Trong trường hợp Mỹ chính thức rút khỏi INF, dù không phải một nước thành viên hiệp ước này, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với hai khả năng: hoặc phải ký một hiệp ước kiểm soát vũ trang mới với Mỹ và Nga; hoặc là, Mỹ sẽ triển khai tên lửa tầm trung mới tại khu vực Thái Bình Dương, trong đó có đảo Guam - tạo mối đe dọa trực tiếp đối với các lực lượng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương một khi xảy ra xung đột. Nếu buộc phải tham gia các hiệp ước có liên quan dưới sức ép của nước ngoài, Trung Quốc phải minh bạch về các vấn đề liên quan như thiết bị phóng, tham số đầu đạn và tầm bắn của tên lửa…
Trung Quốc có thể tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống răn đe chiến lược kiểu mới. Về khả năng răn đe hạt nhân, Trung Quốc sẽ nâng cao và cải thiện khả năng sống sót và thâm nhập của các loại vũ khí hạt nhân, cải thiện chất lượng thay vì tăng số lượng, trong khi tăng cường khả năng răn đe hạt nhân, cố gắng tránh một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân vũ trang với Mỹ và Nga. Liên quan đến năng lực quy mô thông thường, nước này có thể tìm cách nghiên cứu chế tạo máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới hoặc tên lửa hành trình tầm xa, hệ thống vệ tinh giám sát tên lửa đạn đạo và năng lực chống vệ tinh, tăng cường sức mạnh răn đe về tổng thể…
Tổng thư ký NATO Stoltenberg cũng từng đưa ra cảnh báo về việc Trung Quốc phát triển tên lửa mà không bị ràng buộc và đề nghị mở rộng INF thành một hiệp ước quốc tế, trong đó sự tham gia của Bắc Kinh. Theo ông Stoltenberg, khoảng một nửa số tên lửa hiện nay của Trung Quốc vi phạm INF. Điều này giải thích vì sao Trung Quốc không muốn Mỹ rút khỏi INF và cũng không muốn thực hiện đa phương hóa hiệp ước. Nếu tham gia hiệp ước, họ sẽ từ bỏ một trong những công cụ chủ đạo nhằm giữ cho Mỹ tránh xa họ ở khu vực Thái Bình Dương, bài báo trên New York Times nhận định.
Theo The Hill, việc ông Trump tuyên bố rút khỏi hiệp ước INF cũng có thể là một sách lược, ông chủ Nhà Trắng muốn đàm phán lại về một hiệp ước phù hợp với yêu cầu của Mỹ. INF quy định, bất cứ bên nào muốn rút khỏi cũng phải thông báo với đối tác việc chấm dứt hiệp ước trước 6 tháng. Điều này khiến Washington có thời gian để đàm phán với Moscow và Bắc Kinh, có thể đạt được một hiệp ước bao gồm cả 3 bên. Tuy nhiên, việc thẳng thừng bác bỏ về một hiệp ước đa phương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 2/2/2019 cho thấy, ý định này của Trump nếu có thật cũng khó có thể trở thành hiện thực./. Số phận Hiệp ước INF và hệ lụy