Quốc hội Mỹ gia tăng áp lực đòi trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ
VOV.VN - Nghị sĩ cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ Mỹ đang hối thúc Tổng thống Trump áp đặt trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ vì mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Các nghị sỹ Mỹ cũng khẳng định Tổng thống cần tuân theo đạo luật cho phép trừng phạt những quốc gia giao dịch với quân đội Nga. Sức ép từ quốc hội có thể buộc Tổng thống Donald Trump giáng thêm đòn với đồng minh trong NATO. Tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không có ý định lùi bước.
Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: Anadolu. |
Hai nghị sỹ đảng Cộng hòa Rick Scott và Todd Young đã trình một dự thảo nghị quyết kêu gọi trừng phạt sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nhận linh kiện của hệ thống phòng không tân tiến S-400 của Nga vào tuần trước.
Thượng nghị sỹ Bob Menendez, thuộc Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện Mỹ tuyên bố, quyết định loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình máy bay F-35 là chưa đủ. Ông tuyên bố, luật của Mỹ cho phép triển khai các biện pháp trừng phạt dựa trên Đạo luật chống các kẻ thù Mỹ thông qua các biện trừng phạt (gọi tắt là CAATSA) được Quốc hội thông qua năm 2017. Đạo luật chống các kẻ thù Mỹ cho phép trừng phạt những nước làm ăn hay giao dịch với lĩnh vực quân sự, tình báo của Nga.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump tuyên bố hiện tại Mỹ chưa áp đặt lệnh trừng phạt mới: “Chúng tôi đang xem xét. Chúng tôi thấy tình hình hết sức khó khăn vì rất nhiều lý do. Mọi chuyện có thể đã được làm tốt hơn so với chính quyền trước. Chính quyền tiền nhiệm đã phạm những sai lầm rất lớn liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ và điều đó là rất tồi tệ. Do vậy, chúng tôi đang phải cân nhắc các bước đi. Hiện tại chúng tôi chưa thể công bố bất kỳ điều gì”.
Nếu được thông qua, luật do hai nghị sỹ Scott và Young soạn thảo sẽ kêu gọi thực hiện đầy đủ lệnh trừng phạt, vì coi việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 là mối đe dọa trực tiếp đối với các lợi ích an ninh của Mỹ.
Đạo luật chống các kẻ thù Mỹ thông qua các biện trừng phạt ủy thác cho phép Tổng thống Mỹ lựa chọn 5 trong số 12 hình thức trừng phạt từ cấm cấp visa, từ chối tiếp cận ngân hàng xuất- nhập khẩu Mỹ đến các hình thức hà khắc hơn như cấm giao dịch với hệ thống tài chính Mỹ và không cấp giấy phép xuất khẩu. Tuy nhiên đạo luật không quy định thời hạn áp đặt trừng phạt nên Tổng thống có thể trì hoãn vô hạn định.
Dự thảo Nghị quyết của các nghị sỹ Mỹ cũng kêu gọi chính quyền triệu tập cuộc họp tại NATO để xem xét việc có loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi khối này hay không. Tuy đây là dự thảo nghị quyết không mang tính ràng buộc pháp lý, nhưng nếu được thông qua tại Thượng viện thì sẽ gia tăng áp lực lên Tổng thống Donald Trump phải có hành động đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù chưa hứng chịu lệnh cấm vận của Mỹ, song phía Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ "bức xúc" về việc bị loại khỏi chương trình máy bay tiêm kích F-35. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ gọi động thái này là bước đi đơn phương có thể gây ra thiệt hại không thể sửa chữa cho quan hệ song phương.
Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, ông Ibrahim Kalin cho biết, mối quan hệ giữa hai nước đồng minh trong NATO không thể duy trì một cách thuận lợi với những hành động đơn phương như vậy. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết không lùi bước khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ nghiên cứu khả năng mua máy bay tiêm kích Su-35 của Nga.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ khó tránh khỏi những thiệt hại. Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng nước này cho biết đang tính toán những thiệt hại để đền bù cho các công ty tham gia dự án F-35. Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố, với việc bị loại khỏi F-35, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị mất việc làm và các cơ hội kinh tế trong tương lai. Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định các nước tham gia dự án sản xuất F-35 cũng chịu thiệt hại không kém, phải gánh thêm chi phí từ 7-8 triệu USD cho mỗi máy bay do hậu quả của việc loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi dây chuyền sản xuất.
Giới chuyên gia nhận định với việc “phớt lờ” cảnh báo của Mỹ để mua mua khí quân sự của Nga, điều chắc chắn mà Mỹ sẽ đáp trả là thực hiện đạo luật CAATSA. Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ đưa ra một tuyên bố ôn hòa, khẳng định duy trì mối quan hệ nhưng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không được phép xích gần hơn nữa với Nga./.