Quốc tế lo ngại về tuyên bố của Triều Tiên
(VOV) - Cộng đồng quốc tế tiếp tục bày tỏ lo ngại trước tuyên bố của Triều Tiên về tái khởi động lò phản ứng hạt nhân Yonbyon.
Cộng đồng quốc tế tiếp tục bày tỏ lo ngại trước tuyên bố của Triều Tiên đưa ra ngày 2/4 về tái khởi động lò phản ứng hạt nhân Yonbyon, bao gồm một nhà máy làm giàu uranium. Phía Triều Tiên cho rằng, việc tái khởi động lò phản ứng hạt nhân là phù hợp với chính sách "tăng cường lực lượng vũ trang hạt nhân cả về chất và lượng", đồng thời giúp giải quyết triệt để tình trạng thiếu điện.
Tổ hợp Yongbyon (Ảnh Washington post) |
Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh rằng: “Tôi lo ngại sâu sắc và với tư cách là Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, nhiệm vụ của tôi là ngăn chặn chiến tranh và theo đuổi hòa bình. Tôi nhấn mạnh rằng căng thẳng hiện nay đã đi quá xa. Đe dọa hạt nhân không phải là một trò chơi. Những hành động gây hấn và phô trương quân sự chỉ dẫn tới những hành động đáp trả, thổi bùng lên sự sợ hãi và bất ổn”.
Trong tuyên bố tiếp theo gửi tới Triều Tiên, Tổng thư ký Ban Ki-moon kêu gọi Bình Nhưỡng tránh "đối đầu với cộng đồng quốc tế" sau khi khẳng định "không nước nào có ý định tấn công Triều Tiên vì những bất đồng về hệ thống chính trị hay chính sách ngoại giao". Tổng thư ký Ban Ki-moon cam kết sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn tình hình tiếp tục xấu đi.
Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đã lập tức bày tỏ "lấy làm tiếc" về tuyên bố này của Bình Nhưỡng, cho rằng hành động này (nếu xảy ra) sẽ vi phạm các thỏa thuận đàm phán 6 bên cũng như các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh kiên định theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo này cũng như toàn bộ khu vực Đông Bắc Á.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Cho Tai-young bày tỏ "thực sự lấy làm tiếc" trước quyết định tái khởi động tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Bình Nhưỡng. Ông Cho Tai-young cũng cho biết Hàn Quốc sẽ theo dõi sát sao những diễn biến xung quanh vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng "tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận đã đạt được trước đây nhằm duy trì tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên".
Phát biểu với báo giới tại Tokyo, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, Yoshihide Suga cho rằng việc Triều Tiên khởi động lại các cơ sở hạt nhân là "hành động khiêu khích vi phạm các thỏa thuận tại các cuộc đàm phán sáu bên cũng như các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc".
Tuy nhiên, hãng tin CNN dẫn lời quan chức giấu tên Lầu Năm Góc cho biết hải quân Mỹ đang di chuyển một hệ thống radar X-band tới vùng biển gần Triều Tiên để giám sát các động thái quân sự của Bình Nhưỡng. Hệ thống radar này được đặt trên tàu nổi tự hành có hình dáng như một dàn khoan dầu trên biển. Trước đó, Washington cũng đã có một loạt động thái gây sức ép tương tự khi đưa máy bay ném bom chiến lược B-52 và máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại nhất hiện nay F-22 tới các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. Ngoài ra, Mỹ cũng điều hai máy bay ném bom tàng hình chiến lược B-2 tới Hàn Quốc tham gia sứ mệnh huấn luyện quân sự.
Trong một diễn biến mới nhất, nguồn tin ngoại giao Hàn Quốc cho biết hôm nay Triều Tiên đã không cho phép công dân Hàn Quốc vào khu công nghiệp Kaesong, sau khi đe dọa đóng cửa khu công nghiệp là biểu tượng duy nhất còn lại của sự hợp tác giữa hai miền Triều Tiên này.
Giới chức Hải quan và Xuất nhập cảnh Hàn Quốc tại thành phố biên giới Paju, cho biết cho đến 9 giờ sáng 3/4 (giờ Hàn Quốc), Triều Tiên vẫn không có hồi đáp về việc cho phép cho các nhân viên quản lý và vận chuyển Hàn Quốc ra vào khu công nghiệp. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất ở đây vẫn diễn ra bình thường./.