Quốc tế nỗ lực tháo “ngòi nổ” ở Gaza, hối thúc Israel không phát động tấn công Rafah
VOV.VN - Vòng đàm phán mới nhất nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, diễn ra tại thủ đô Cairo (Ai Cập) ngày 8/5 với sự tham gia của các phái đoàn từ Qatar, Mỹ và lực lượng Hamas, đã ghi nhận một số tiến triển. Tuy nhiên các bên vẫn còn nhiều điểm tranh cãi xoay quanh việc tìm kiếm giải pháp tháo gỡ những "vấn đề cốt lõi". Điều đó cho thấy xung đột tại Gaza chưa thể sớm hạ nhiệt.
Theo một nguồn tin cấp cao của Ai Cập, phái đoàn Israel đã cố gắng nêu ra những điểm gây tranh cãi khác trong cuộc đàm phán trước các nhà trung gian hòa giải Ai Cập, Qatar và Mỹ. Israel phản đối một điều khoản cụ thể trong thỏa thuận liên quan đến việc Hamas thả con tin, theo đó yêu cầu 33 người được thả phải đáp ứng các tiêu chí nhất định. Israel cũng nhất quyết giảm số lượng người Palestine được trả tự do để đổi một con tin Israel được phóng thích.
Trong khi lực lượng Hamas đề xuất thả 3 người bị giam giữ hàng tuần, thì Israel yêu cầu thả hàng ngày. Israel đến nay dù nhận thức rõ tính nhạy cảm của hoạt động quân sự chống lại Hamas tại thành phố Rafah, ở phía Nam Dải Gaza và giáp biên giới Ai Cập, song vẫn một mực khẳng định, các hoạt động này không vi phạm Hiệp ước hòa bình giữa Israel và Ai Cập.
Về phía Ai Cập, nước này tuyên bố sẵn sàng cho mọi kịch bản ở Gaza sau khi quân đội Israel tiến vào khu vực cửa khẩu biên giới Rafah, đồng thời cảnh báo bất kỳ hành vi nào của Israel vi phạm hiệp ước hòa bình và các phụ lục an ninh của hiệp ước sẽ vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ Ai Cập. Trong một phản ứng mới nhất với chiến dịch quân sự của Israel ở Rafah, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua cũng lần đầu tiên vạch "lằn răn đỏ” với Israel khi cảnh báo sẽ ngừng cung cấp đạn pháo và các loại vũ khí khác cho đồng minh Trung Đông nếu phát lệnh tấn công Rafah.
Giao tranh vẫn tiếp diễn và các tuyến đường vào Gaza vẫn trong tình trạng bị phong tỏa. Cửa khẩu Rafah, tuyến đường viện trợ quan trọng vào Gaza trong những tháng gần đây, vẫn đóng cửa trong ngày hôm qua, cắt đứt nguồn cung vô cùng cần thiết cho dải đất này. Cùng ngày, cửa khẩu Kerem Shalom dù vừa được mở cửa trở lại, song giao thông đã phải tạm dừng do lực lượng Israel tiếp tục pháo kích vào vùng lân cận và Hamas liên tục phóng tên lửa đáp trả. Liên Hợp Quốc cảnh báo về những tác động nhân đạo từ việc đóng cửa biên giới Rafah. Ông Andrea De Domenico, người đứng đầu Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng nhấn mạnh:
“Việc đóng cửa cửa khẩu Rafah đã cắt đứt khả năng tiếp cận nhiên liệu cho các hoạt động nhân đạo. Tất nhiên, việc bảo vệ dân thường, tài sản và vật tư nhân đạo vẫn là điều cần thiết. Chúng tôi đang tìm kiếm sự đảm bảo từ tất cả các bên trong cuộc xung đột. Chúng tôi tiếp tục ủng hộ một biện pháp thực tế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa nhân đạo một cách an toàn qua tất cả các tuyến đường ra vào dải Gaza. Riêng về nhiên liệu, hoạt động nhân đạo không thể diễn ra nếu không có nhiên liệu. Trừ khi nguồn cung nhiên liệu được nối lại, nếu không các hoạt động nhân đạo có thể sẽ phải ngừng hoàn toàn trong vài ngày tới. Việc thiếu nhiên liệu cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể tới cuộc sống của người dân trên dải đất này."
Các cuộc không kích liên tục đang gây áp lực lớn lên các cơ sở y tế ở Rafah. Các bệnh viện ở phía Nam của Dải Gaza chỉ còn nhiên liệu dùng cho 3 ngày do các cửa khẩu ở khu vực biên giới đều bị đóng cửa. Chỉ 1/3 trong số 36 bệnh viện và trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Gaza còn hoạt động và tất cả đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc men, vật tư y tế cơ bản, nhiên liệu và nhân lực trầm trọng.
Bệnh viện phụ sản chính ở Rafah đang buộc phải ngừng tiếp nhận bệnh nhân, trong khi tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân tại Bệnh viện Najjar cũng tăng hơn gấp đôi trong những tháng gần đây. Tình hình này báo hiệu thảm kịch nhân đạo tại Gaza sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn nếu cộng đồng quốc tế không sớm có hành động can thiệp nhằm chấm dứt hoàn toàn xung đột trên dải đất này.