Quốc tế phản đối máy bay Trung Quốc hạ cánh ở Biển Đông
VOV.VN - Chính phủ nhiều nước và báo chí quốc tế đồng loạt phản đối Trung Quốc cho máy bay hạ cánh ở Biển Đông, cho rằng điều này làm gia tăng bất ổn khu vực.
Trước hành động của Trung Quốc hôm 6/1 cho hai máy bay dân sự cỡ lớn hạ cánh xuống sân bay mà nước này xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chính phủ nhiều nước và báo chí quốc tế những ngày qua đã đồng loạt lên tiếng phản đối và cho rằng, hành động này càng làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực.
Máy bay quân sự của Trung Quốc. Ảnh: IBTimes. |
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 7/1 cảnh báo, việc máy bay Trung Quốc hạ cánh xuống sân bay nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông trong thời gian gần đây là hành động làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook nêu rõ: “Chúng tôi quan ngại về những chuyến bay này cũng như tất cả những hành động của Trung Quốc tại các hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông. Bất cứ động thái nào của bất kỳ quốc gia nào làm gia tăng căng thẳng liên quan tới những hòn đảo tranh chấp này, cũng như việc tìm cách quân sự hóa hay tiến hành những hoạt động bồi lấn tại các hòn đảo đó sẽ chỉ gây thêm bất ổn trên Biển Đông.”
Tại cuộc gặp Ngoại trưởng Anh Phillip Hammond đang có chuyến thăm Manila, Ngoại trưởng Albert del Rosario cùng ngày tuyên bố, nước này phản đối việc Trung Quốc tiến hành hoạt động bay thử nghiệm trên đường băng mà Bắc Kinh mới xây dựng ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, đồng thời bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc có thể thiết lập Khu vực nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Theo ông, hành động này sẽ chỉ càng làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
“Nếu hành động này không bị ngăn chặn, chúng ta sẽ chứng kiến nguy cơ Trung Quốc lấy cớ lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Điều này là không thể chấp nhận. Chúng tôi rất quan ngại và sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình, bởi đây là những hành động gây hấn mà chúng ta cần phải suy nghĩ và cần phải cho thấy rõ lập trường của mình.”
Ngoại trưởng Anh Phillip Hammond khẳng định, tự do hàng hải trên Biển Đông là “quyền không thể thương lượng”, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế và tránh bất kỳ điều gì làm gia tăng căng thẳng.
“Tự do hàng hải và hàng không là không thể thương lượng và có những lằn ranh đỏ mà chúng ta không thể vượt quá. Chúng tôi, với vai trò là một quốc gia thương mại và hàng hải quốc tế, luôn tôn trọng quyền tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện những quyền này”.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida mới đây cũng bày tỏ quan ngại của nước này trước những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo Ngoại trưởng Kishida, đây là hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại khu vực, biến hoạt động cải tạo đất nhanh chóng và quy mô lớn tại những vùng biển tranh chấp thành sự đã rồi.
Trong những ngày qua, nhiều tờ báo lớn quốc tế cũng đồng loạt đưa tin Trung Quốc đã có những hành động khiêu khích trên Biển Đông khi tiến hành bay thử nghiệm đường băng trái phép trên khu vực quần đảo Trường Sa của Việt nam.
Báo “Ngôi sao” (Stern) số ra mới đây của Đức nhận định, với chuyến bay thử này, Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm những căng thẳng liên quan tới quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Theo bài viết, Trung Quốc đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì việc bồi đắp các đảo đá trong khu vực. Ngoài ra, nước này cũng bị tố cáo vì đã xây dựng các căn cứ có thể sử dụng cho mục đích quân sự như đường băng, hải cảng trên các đảo này, mà trước đây chỉ là các rạn san hô hay bãi đá. Ngoài ra, các báo lớn như Tấm gương (Spiegel), Deutshe Welle cũng đăng tin bài đề cập hành động khiêu khích này của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tờ Figaro của Pháp ngày hôm qua cũng có bài viết nhan đề “Bẫy Trung Quốc khép chặt Biển Đông”, trong đó nêu rõ, Trung Quốc đã làm dậy sóng biển Đông khi cho hạ cánh máy bay dân sự xuống một sân bay xây dựng trái phép trên đá chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Hành động này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước trong khu vực khi cho rằng, việc Trung Quốc sử dụng các cơ sở hạ tầng xây dựng trái phép trên Biển Đông đã cho thấy tham vọng bành trướng quân sự của Trung Quốc tại khu vực.
Chính phủ Việt Nam hôm qua một lần nữa phản đối hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Một lần nữa Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc. Đây là hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp. Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế.”
Cũng trong ngày 7/1, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối./.