Quốc tế phản ứng thận trọng về vấn đề Kashmir
VOV.VN - Cộng đồng quốc tế lo ngại, bất kỳ bước đi “thiếu kiềm chế” cũng có thể đẩy Ấn Độ và Pakistan đến cuộc chiến tranh toàn diện.
Chính phủ Pakistan hôm qua (13/8) quyết định đưa Ấn Độ và vấn đề Kashmir ra trước Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ “vẫn căng như dây đàn” giữa hai quốc gia láng giềng tại Nam Á này.
Trong khi Ấn Độ tuyên bố quyết định mới đây của nước này bãi bỏ quy chế đặc biệt của Kashmir là vấn đề nội bộ, thì Pakistan lại coi đây là một “hành vi khiêu khích xung đột” và tìm cách “quốc tế hóa” cuộc khủng hoảng. Cộng đồng quốc tế lo ngại, bất kỳ bước đi “thiếu kiềm chế” cũng có thể đẩy hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này đến cuộc chiến tranh toàn diện.
Lực lượng phản ứng nhanh triển khai trên một tuyến phố ở Jammu ngày 12/8. Ảnh: AFP |
Chính phủ Pakistan ngày 13/8 đề nghị Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhóm họp và thảo luận về quyết định của Ấn Độ hủy quy chế đặc biệt đối với Jammu và Kashmir. Trong thư gửi Hội đồng bảo an, Ngoại trưởng Shah Mahmood Qureshi khẳng định, Pakistan sẽ không khiêu khích xung đột, song cảnh báo nếu Ấn Độ một lần nữa chọn cách viện tới sử dụng vũ lực, Pakistan sẽ buộc phải đáp trả để tự vệ bằng tất cả tiềm lực của mình.
Tần suất các vụ va chạm giữa Ấn Độ và Pakistan trở nên thường xuyên hơn trong năm nay, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Bởi bất kỳ bước đi “thiếu kiềm chế nào” cũng có thể đẩy hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này đến cuộc chiến tranh toàn diện. Đây cũng chính là lý do cộng đồng quốc tế thời gian qua phản ứng rất thận trọng trước những diễn biến tại Kashmir.
Theo chuyên gia phân tích Oliviar Guillard, thuộc Viện Chiến lược và quan hệ quốc tế, phần lớn các nước tới nay vẫn xem quyết định của Ấn Độ mới đây hủy bỏ quy chế đặc biệt của Jammu và Kashmir là vấn đề chính trị nội bộ quốc gia. Bởi quyết định không áp dụng cho toàn bộ khu vực Kashmir, mà chỉ tại phần do Ấn Độ kiểm soát.
Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố theo dõi sát tình hình, thì Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế tối đa.
Người phát ngôn Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric nhấn mạnh: “Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đang theo dõi tình hình ở Jammu và Kashmir, nhấn mạnh thỏa thuận năm 1972 về quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Pakistan, trong đó tuyên bố rằng tình trạng cuối cùng của Jammu và Kashmir sẽ được giải quyết bằng biện pháp hòa bình theo Hiến chương Liên Hợp Quốc. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi tất cả các bên kiềm chế những bước đi có thể ảnh hưởng đến tình trạng của Jammu và Kashmir”.
Trong phát biểu đầu tiên kể từ khi công bố quyết định, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 13/8 tuyên bố, ông tin tưởng có thể giải phóng Jammu và Kashmir khỏi chủ nghĩa khủng bố và li khai, với hình thức tổ chức chính quyền như hiện nay. Theo Chính phủ Ấn Độ, quy chế đặc biệt đã kìm hãm sự phát triển kinh tế của Kashmir trong một thời gian dài khi mà họ cũng muốn hội nhập đầy đủ với phần còn lại của đất nước.
Tuy nhiên, Pakistan đã không thể bị thuyết phục trước những giải thích này. Trước khi kêu gọi Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc can thiệp, Pakistan cũng từng cảnh báo đưa vấn đề ra trước các thể chế quốc tế có thẩm quyền không chỉ là Hội đồng bản an, mà cả Tòa án Hình sự quốc tế.
Ngoại trưởng Pakistan Mahmood Qureshi hồi cuối tuần trước cũng đã có chuyến thăm Trung Quốc nhằm tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế.
"Tôi đã chia sẻ với Trung Quốc rằng chính phủ Pakistan đã quyết định đưa vấn đề ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chúng tôi sẽ cần sự ủng hộ của Trung Quốc trong vấn đề này. Tôi cũng sẽ thảo luận với Ngoại trưởng Indonesia, một quốc gia thành viên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và cả với Ngoại trưởng Ba Lan, nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 8”, ông nói.
Trên thực tế, mối quan hệ căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan không phải là “ngày một ngày hai”, mà đã tồn tại ngay từ khi 2 nước này thoát khỏi sự đô hộ của thực dân Anh và giành độc lập năm 1947. Trong suốt hơn 70 năm qua, giữa hai nước đã xảy ra 4 cuộc chiến tranh, 3 trong số đó là tại khu vực tranh chấp Kashmir./.