Quốc tế tiếp tục phản ứng về Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ
VOV.VN - Trong khi Israel gọi Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ là một bước tiến lịch sử thì Palestine và nhiều nước khác chỉ trích mạnh mẽ.
Sau hơn 3 năm ấp ủ, cuối cùng, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” đầy tham vọng mà cá nhân người đứng đầu nước Mỹ khẳng định là một bước tiến lớn đối với tiến trình hòa bình cho khu vực này. Thế nhưng, trong khi chính quyền Israel “hân hoan” gọi đây là một bước tiến lịch sử thì Palestine và nhiều nước khác đang dấy lên làn sóng phản đối và chỉ trích mạnh mẽ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters. |
Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nhấn mạnh rằng, kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ, còn được biết đến là "Thỏa thuận thế kỷ" phải bị ngăn chặn.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Lebanon Michel Aoun, Tổng thống Abbas đã thông báo với người đồng cấp Aoun rằng, ông bác bỏ kế hoạch của Mỹ và khẳng định tính hợp pháp quốc tế là cách duy nhất để giải quyết vấn đề Palestine.
Về phần mình, Tổng thống Aoun nêu rõ, Lebanon hoàn toàn ủng hộ các quyền hợp pháp của người dân Palestine, đồng thời bày tỏ hy vọng tất cả các nước Arab sẽ có lập trường thống nhất và cương quyết ủng hộ các quyền hợp pháp của người Palestine.
Phát biểu tại trụ sở của Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ, quan sát viên thường trực của Palestine tại Liên Hợp Quốc Riyad Mansour cho rằng, kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ nhằm hủy hoại quyền lợi dân tộc của người Palestine, đồng thời nhấn mạnh kế hoạch này sẽ thất bại. Ông Riyad Mansour cũng cho biết, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas sẽ phát biểu trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong hai tuần tới về kế hoạch hòa bình ở Trung Đông của Mỹ.
"Trong vòng 2 tuần tới, Tổng thống Mahmoud Abbas sẽ thăm Liên Hợp Quốc. Tại đây ông sẽ có bài phát biểu thể hiện quan điểm của Palestine trước cộng đồng quốc tế trong việc chống lại kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ. Chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến của mọi người để hy vọng đến lúc đó sẽ có một thỏa thuận bằng văn bản mà Hội đồng Bảo an có thể bỏ phiếu”, ông Riyad Mansour nois.
Trong khi đó, Trợ lý của Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL), ông Hossam mô tả kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ là "không công bằng" khi cho rằng Mỹ buộc người Palestine phải đưa ra những nhượng bộ lớn không phù hợp với yêu cầu của mình đối với phía Israel.
“Điều này không công bằng và bản kế hoạch này sẽ không mang đến hòa bình lâu dài. Cốt lõi của vấn đề là thiếu hòa giải khả thi giữa hai bên, dựa trên các nguyên tắc bình đẳng . Đây là vấn đề chính đang cản trở các cuộc đàm phán hiện tại”, ông Hossam cho biết.
Algeria hôm qua (29/1) cũng bác bỏ kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ, tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài đối với sự nghiệp của Palestine cũng như quyền của người Palestine thiết lập một nhà nước độc lập và có chủ quyền với Đông Jerusalem là thủ đô.
Cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố bất kỳ kế hoạch nào về vấn đề Palestine cần phải "chú ý các quan điểm và đề xuất của các bên liên quan, đặc biệt là phía Palestine". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho biết, Trung Quốc đang nghiên cứu kế hoạch trên của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh, Trung Quốc luôn tin tưởng các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và những đồng thuận quốc tế như giải pháp hai nhà nước và nguyên tắc về vùng đất hòa bình, tạo cơ sở để giải quyết vấn đề Palestine. Người phát ngôn này cũng kêu gọi đạt được các thỏa thuận thông qua đối thoại và đàm phán trên cơ sở công bằng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để sớm giải quyết một cách toàn diện, đúng đắn và lâu dài vấn đề Palestine.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi về những diễn biến mới nhất liên quan vấn đề Palestine, xung đột Israel-Palestine và tiến trình hòa bình Trung Đông. Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về tầm quan trọng của việc mở ra các kênh đối thoại nhằm nối lại đàm phán dưới sự bảo trợ của Mỹ và thể hiện tầm nhìn của Palestine và Israel. Hai nhà lãnh đạo cũng hối thúc đưa ra một thỏa thuận có thể đạt được hòa bình toàn diện và đúng đắn theo đúng các quyết định hợp pháp quốc tế, trả lại cho người dân Palestine tất cả các quyền hợp pháp, cũng như ủng hộ sự ổn định, an ninh tại Trung Đông.
Tối 28/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông tại Nhà Trắng với sự có mặt của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Kế hoạch này đề xuất giải pháp “hai nhà nước một cách thực tế” cho Israel và Palestine, theo đó thành lập Nhà nước Palestine với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, kèm theo một số điều kiện đối với phía Palestine, đồng thời Jerusalem sẽ tiếp tục là "thủ đô không chia cắt" của Israel.
Trước thực tế này, giới quan sát bình luận, nếu trong 3 thập kỷ qua, các đời Tổng thống Mỹ trước đây đều ít nhiều bày tỏ thiện chí lắng nghe, tham khảo ý kiến của phía Palestine cho tiến trình hòa bình Trung Đông do Mỹ đứng đầu. Thế nhưng, dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngay cả việc tham gia đàm phán cũng là “điều xa xỉ” đối với người Palestine. Bởi thế, không những chưa thể khơi thông bế tắc đàm phán, “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” của chính quyền Tổng thống Donald Trump lại đang khơi lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ tại khu vực./.