Quyết xây tường biên giới, ông Trump sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp?
VOV.VN - Quyết tâm thực hiện kế hoạch xây tường biên giới với Mexico, ông Trump cảnh báo sẽ dùng quyền khẩn cấp nếu Quốc hội không nhất trí được về vấn đề này.
Tuyên bố trên của Tổng thống Trump cũng đồng nghĩa với khả năng nhà lãnh đạo Mỹ có thể ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước vì lý do an ninh quốc gia và xúc tiến xây tường biên giới với Mexico một cách nhanh chóng, mà không cần Quốc hội phê chuẩn. Vậy liệu Tổng thống Donald Trump có thực hiện được tham vọng của mình hay không?
Quyết xây tường biên giới, ông Trump sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp? Ảnh: New York Times |
Trong một loạt động thái thể hiện thái độ “cứng rắn” trong vấn đề tài trợ cho bức tường biên giới với Mexico, sáng 9/1 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có một bài phát biểu quốc gia xung quanh vấn đề này và đích thân tiến hành chuyến thăm hiếm hoi đến khu vực biên giới. Trong bối cảnh cuộc chiến giữa Nhà trắng và Quốc hội xung quanh kế hoạch bức tường biên giới với Mexico vẫn chưa ngã ngũ, khiến một phần chính phủ liên bang “bị tê liệt” trong suốt hơn 2 tuần qua, thì lập trường cứng rắn của Tổng thống Donald Trump khiến nhiều người bất ngờ. Không một nhà phân tích nào có thể dự đoán, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ thông báo sử dụng quyền khẩn cấp vào thời điểm hiện nay để gây sức ép với Quốc hội. Theo Tổng thống Donald Trump, ông sẵn sàng sử dụng quyền hạn đặc biệt của mình nếu cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia:
“Nếu không có được những gì chúng ta muốn, dù bằng cách này hay cách khác, tôi sẽ đóng cửa chính phủ. Tôi sẽ không xấu hổ khi phải đóng cửa chính phủ vì an ninh biên giới. Bởi người dân Mỹ không muốn tội phạm, không muốn ma túy”.
Đươc thông qua năm 1976, luật quốc gia về tình trạng khẩn cấp cho phép Tổng thống Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để kích hoạt các quyền hạn đặc biệt được nêu trong các văn bản luật khác, song cũng đi kèm một số điều kiện khắt khe. Với một sắc lệnh trình trạng khẩn cấp đơn giản, Nhà Trắng có thể tuyên bố thiết quân luật, hạn chế quyền tự do dân sự, trưng dụng tài sản tư nhân, huy động lực lượng Vệ binh quốc gia, tuyển quân,... Theo luật, hai viện Quốc hội sẽ phải họp 6 tháng sau sắc lệnh của Tổng thống nhằm gia hạn hoặc hủy bỏ biện pháp. Và lệnh này phải được gia hạn sau 1 năm, nếu không sẽ tự động hết hiệu lực.
Trên thực tế, tất cả các đời Tổng thống Mỹ trước đây đều từng sử dụng quyền khẩn cấp. Một số lượng lớn các sắc lệnh trong số này được gia hạn mỗi năm và hiện có hơn 20 biện pháp khẩn cấp tới nay vẫn có hiệu lực. Đa phần, luật tình trạng khẩn cấp quốc gia thường được sử dụng để trừng phạt các quốc gia khác như Venezuela hay Sudan, Zimbabwe.
Đối với trường hợp bức tường biên giới với Mexico hiện nay, Tổng thống Donald Trump có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp liên quan tới vấn đề nhập cư bất hợp pháp tại biên giới với Mexico. Luật nhập cư quy định lệnh trình trạng khẩn cấp có thể thiết lập nếu làn sóng người nước ngoài vào Mỹ vượt quá khả năng kiểm soát của chính quyền. Điều này cho phép Tổng thống triển khai thêm nhiều binh sĩ tại biên giới và huy động nguồn ngân quỹ lên tới 20 triệu USD. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với con số 5.700 triệu USD như yêu cầu của Tổng thống Trump.
Một luật khác cho phép Tổng thống trong trường hợp khẩn cấp sử dụng nguồn ngân sách dùng cho quân đội để thực hiện các dự án xây dựng quân sự. Tuy nhiên, không chắc là liệu bức tường biên giới với Mexico có đủ điều kiện nằm trong diện này hay không. Hơn nữa, bức tường này dự kiến đi qua nhiều vùng đất tư nhân và dù là lệnh tình trạng khẩn cấp, thì cũng không có gì chắc chắn là chính quyền Mỹ có thể trưng dụng chúng.
Và một điều không thể không nhắc tới là Quốc hội có quyền phản bác mọi sắc lệnh khẩn cấp. Trong khi đó, tòa án cũng có quyền trong vấn đề này. Nghị sĩ đảng Dân chủ Adam Smith mới đây cho rằng, Tổng thống sẽ phải đối mặt với câu hỏi của tòa án về lý do đưa ra tình trạng khẩn cấp này và mọi chuyện đối với nhà lãnh đạo Mỹ sẽ không phải là dễ dàng./.
Mexico quyết không trả tiền cho bức tường biên giới với Mỹ
Nghị sĩ Mỹ đề xuất chi 1,6 tỷ USD cho bức tường biên giới với Mexico