Ra mắt Quỹ G20 ứng phó với các đại dịch
VOV.VN - Ngày 13/11, lễ ra mắt chính thức Quỹ ứng phó đại dịch G20 diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Y tế và Tài chính G20 tại Bali, Indonesia.
Trong một video gửi trực tuyến tới Lễ ra mắt, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết quỹ đã huy động được khoảng 1,4 tỷ USD, bao gồm các khoản đóng góp từ Indonesia, Mỹ và Liên minh Châu Âu, cũng như từ các nhà tài trợ và các tổ chức từ thiện như Quỹ Bill và Melinda Gates.
Quỹ được thành lập trong bối cảnh nhiều nước đang phát triển “bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch Covid-19, khi các nước giàu hơn thường tích trữ nhiều nguồn lực như vaccine để chống lại virus. Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính thiếu hụt kinh phí hàng năm cho khả năng chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch là 10,5 tỷ USD.
Tổng thống Indonesia Jokowi cho rằng, số tiền quyên góp được cho đến nay để tăng cường khả năng ứng phó cho các đợt dịch tương lai là chưa đủ, đồng thời bày tỏ sẽ có sự ủng hộ lớn hơn từ các quốc gia. Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết quỹ dự kiến sẽ tăng quy mô với sự đóng góp từ Pháp và Saudi Arabia, đồng thời kêu gọi đề xuất từ các quốc gia đang tìm cách tiếp cận quỹ.
Mỹ đóng góp 450 triệu USD, chiếm gần 1/3 trong tổng số quỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh, Quỹ phòng chống đại dịch G20 là một ví dụ về những gì G20 có thể làm để giải quyết các vấn đề toàn cầu, là một công cụ quan trọng hỗ trợ các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Quỹ phòng chống đại dịch G20 có thể giúp thế giới an toàn hơn.
Đại dịch Covid-19 đã khiến mọi quốc gia trên thế giới nhận ra tầm quan trọng của việc cải tổ cấu trúc y tế toàn cầu. Đây cũng là một trong những vấn đề ưu tiên của G20 bên cạnh chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi kỹ thuật số và các vấn đề kinh tế.
Trước đó, ngày 10/11, Diễn đàn y tế các nước thành viên G20 cũng nhất trí thiết lập Cơ quan hợp tác toàn cầu, tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19 (ACT-A) để tích hợp hợp tác giữa các bên liên quan nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai./.