Sau Brexit đến lượt Hà Lan có thể trưng cầu ý dân rời EU
VOV.VN - Để tổ chức trưng cầu ý dân giống như ở Anh đòi hỏi Hà Lan phải thay đổi hiến pháp và có được sự ủng hộ của 2/3 nghị sĩ trong Quốc hội.
Các nhà vận động người Hà Lan đã thu thập được hơn 56.000 chữ ký vào bản kiến nghị kêu gọi chính phủ nước này tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về việc Hà Lan ở lại hay rời khỏi Liên minh Châu Âu (hay còn gọi là Nexit).
Sau Brexit đến lượt Hà Lan có thể trưng cầu ý dân rời EU. (Ảnh minh họa: Telegraph)
Động thái này diễn ra ngay sau khi có kết quả cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Anh trong Liên minh Châu Âu.
Nội dung bản kiến nghị nêu rõ, “mọi thứ đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Hà Lan sử dụng đồng tiền chung euro. Việc gia nhập Liên minh Châu Âu đã ảnh hưởng đến chủ quyền và biên giới của Hà Lan. Đó là lý do tại sao cần phải tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc Hà Lan rời khỏi Liên minh Châu Âu”.
Tờ nhật báo NRC (Hà Lan) dẫn lời các nhà vận động Peter van Wijmeren và Patrick Crijns cho biết, mặc dù yêu cầu đưa ra trong bản kiến nghị rất khó có thể được đáp ứng, song họ muốn chứng tỏ rằng, vẫn có một bộ phận người Hà Lan mong muốn tách khỏi EU.
Ngày 24/6 vừa qua, nghị sỹ có quan điểm chống Hồi giáo của Hà Lan Geert Wilders đã đệ trình lên Quốc hội nước này đề xuất tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (Nexit).
Tuy nhiên đề xuất của ông Wilders đã bị bác bỏ khi chỉ nhận được 14 phiếu ủng hộ trong khi có tới 124 phiếu phản đối. Trước đó, ông Wilders từng tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về Nexit nếu Đảng tự do cực hữu (PVV) của ông chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 3 năm sau.
Tuy nhiên, để tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân hợp pháp đòi hỏi Hà Lan phải thay đổi hiến pháp và có được sự ủng hộ của 2/3 nghị sĩ trong Quốc hội - những điều kiện cần phải mất nhiều năm mới có thể giải quyết xong./.