Sau Mỹ, khói bụi do cháy rừng tại Canada lan sang châu Âu và đe doạ Bắc cực
VOV.VN - Khói từ hàng trăm vụ cháy rừng đang bùng phát ở Canada đã tràn sang Na Uy và dự kiến sẽ tấn công miền Nam châu Âu trong vài ngày tới. Trước đó, hàng chục bang tại Mỹ đã phải ban bố cảnh báo về sức khoẻ do cháy rừng tại quốc gia láng giềng.
Viện nghiên cứu khí hậu và môi trường Na Uy hôm 9/6 cho biết, khói từ các đám cháy rừng tại Canada đã di chuyển qua Greenland và Iceland kể từ ngày 1/6. Các quan sát ở miền Nam Na Uy đã ghi nhận nồng độ ngày càng tăng của các hạt bụi mịn. Theo nhà nghiên cứu Nikolaos Evangeliou, người dân tại một số khu vực đã có nhìn thấy sương mù hoặc ngửi thấy mùi khói. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhấn mạnh, số lượng hạt trong không khí ở Na Uy không đủ lớn để gây hại cho sức khỏe cộng đồng.
Canada đang chứng kiến mùa cháy rừng đến sớm hơn so với mọi năm, với hàng trăm đám cháy rừng không được kiểm soát đã bùng phát khắp đất nước đe dọa các cơ sở hạ tầng quan trọng và buộc người dân phải sơ tán.
Theo Bộ trưởng Bộ Ứng phó khẩn cấp Canada Bill Blair, ước tính, khoảng 3,8 triệu hecta rừng đã bị đốt cháy, gấp khoảng 15 lần mức trung bình 10 năm: “Tôi chắc chắn rằng, chúng ta đang có một khởi đầu rất khó khăn. Số lượng hécta rừng bị đốt cháy đã vượt qua những gì mà chúng ta từng ghi nhận trong lịch sử.”
Những luồng không khí có hại khổng lồ kéo dài đến tận miền Trung Tây nước Mỹ. Tình hình đặc biệt tồi tệ hôm 7/6 vừa qua khi hàng chục bang tại Mỹ phải ban bố cảnh báo về chất lượng không khí. Khói bụi đã khiến nhiều chuyến bay tại các sân bay lớn phải hoãn hoặc huỷ chuyến, các trận bóng cháy của Liên đoàn bóng cháy không thể diễn ra theo kế hoạch và mọi người phải đeo khẩu trang như trong thời kỳ đại dịch.
Mỹ đã điều hơn 600 lính cứu hỏa tới Canada để hỗ trợ nước này dập lửa, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi các vụ cháy rừng là một lời nhắc nhở khác về sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu.
Với nhiệt độ ngày càng tăng do khủng hoảng khí hậu, các vụ cháy rừng được dự báo có thể sẽ xảy ra phổ biến hơn và có quy mô lớn hơn. Và điều đáng quan tâm lúc này là những tác động của hiện tượng này tới Bắc cực.
Chuyên gia khí hậu Allison Crimmins tại Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ đánh giá: "Bạn không thể phủ nhận rằng biến đổi khí hậu là một phần rất lớn trong đó. Có những chính sách đã dẫn đến việc tích lũy nhiều nhiên liệu hơn trong rừng, nhưng chúng ta cũng đã thấy biến đổi khí hậu dẫn đến khoảng 2/3 sự gia tăng các điều kiện khô cằn. Vì vậy, biến đổi khí hậu chắc chắn đóng một vai trò quan trọng trong việc gia tăng các khu vực bị cháy và mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy rừng mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay."./.