Sau vụ Charlie Hebdo: Châu Âu rầm rộ triển khai chống khủng bố
VOV.VN - Sau các vụ tấn công tại Pháp vừa qua, người châu Âu nhận thấy các nỗ lực chống khủng bố thời gian qua dường như là chưa đủ.
Chính phủ Bỉ, Đức, Anh và Pháp đã tăng cường các biện pháp an ninh mạnh tay, đồng thời tiến hành hàng loạt vụ bắt giữ và thẩm vấn những kẻ tình nghi cực đoan.
Trong chưa đầy 24 giờ qua, cảnh sát Pháp, Đức và Bỉ đã tiến hành nhiều chiến dịch truy quét quy mô lớn nhằm bắt giữ những kẻ tình nghi tiếp tay cho khủng bố.
Bên cạnh các hành động tấn công có chủ đích này, cuộc chiến chống khủng bố còn là nội dung thảo luận hàng đầu của nhiều cuộc gặp cấp cao, trong khi chính phủ nhiều nước châu Âu cũng có kế hoạch thông qua một loạt các biện pháp mạnh tay khác. '
Theo các chuyên gia, nỗi lo khủng bố tại châu Âu đang ngày càng hiện hữu, bởi ước tính có hơn 3.000 thanh niên châu Âu sẽ trở về sau khi tham chiến tại Syria và Iraq, đặt ra những thách thức an ninh không hề nhỏ đối với lục địa già.
Trong 2 ngày cuối tuần này, cảnh sát Pháp đã tiến hành lục soát tại một loạt khu vực ngoại ô thủ đô Paris và bắt giữ 12 đối tượng tình nghi tiếp tay cho khủng bố.
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi “một câu trả lời chung và mạnh mẽ” trước chủ nghĩa khủng bố. Theo ông Hollande, không chỉ người dân Pháp hay châu Âu, mà người dân thế giới cần phải đoàn kết chống lại mối nguy cơ chung này, để những kẻ cực đoan không có cơ hội kích động hận thù tôn giáo, sắc tộc.
“Chúng ta là một dân tộc, một nước Pháp cởi mở với tất cả các tôn giáo và tín ngưỡng. Một nước Pháp sẽ phản ứng mạnh mẽ trước những kẻ tìm cách kích động một cuộc chiến tranh tôn giáo. Tôi kêu gọi tất cả công dân Pháp, không phân biệt giới tính, tôn giáo thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với cộng đồng quốc gia của chúng ta. Bởi không có cộng động nào lớn mạnh hơn cộng đồng quốc gia”, ông Hollande tuyên bố.
Tại Bỉ, chính phủ nước này đã nâng cảnh báo an ninh lên mức “nghiêm trọng”, mức cao thứ 3 trong thang cảnh báo an ninh 4 mức, đồng thời thông qua gói biện pháp tăng cường an ninh, trong đó có đề xuất tước quốc tịch của công dân Bỉ từng tham chiến cùng với các chiến binh Hồi giáo, cách ly các tù nhân có thể tuyên truyền tư tưởng cực đoan cũng như phát hiện các phần tử cực đoan qua các mạng xã hội và mạng điện thoại máy tính.
Thủ tướng Bỉ Charles Michel thông báo, nước này sẵn sàng điều động quân đội nhằm tăng cường an ninh trong nước, một biện pháp chưa từng có sau các cuộc tấn công của quân nổi dậy trong những năm 1980.
“Chúng tôi kêu gọi một loạt các biện pháp chống khủng bố toàn diện ở cấp độ châu Âu. Mà một trong số đó là thiết lập danh sách những người trở về sau khi tham gia các nhóm cực đoan tại nước ngoài để tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin. Chúng ta cần một hội nghị cấp cao chính thức để có những quyết định và hành động cụ thể”, ông Michel nói.
Tại Anh, bên cạnh việc nâng mức báo động nguy cơ tấn công khủng bố cảnh sát từ "đáng kể" lên "nghiêm trọng", mức cao thứ tư trong thang 5 điểm, giới chức cảnh sát Anh cũng đang cân nhắc mở rộng việc trang bị súng bắn điện Taser nhằm tăng khả năng tự vệ và trấn áp tội phạm của cảnh sát. Không giống như các đồng nghiệp ở Pháp và Bỉ, cảnh sát Anh phần lớn không có vũ trang và vũ khí hiếm khi được sử dụng trên các đường phố.
Theo các nhà phân tích, hơn lúc nào hết, người châu Âu cần phải đoàn kết, tăng cường hiệu quả hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố. Họ cần phải hiểu rằng, nếu thiết lập được một mạng lưới đối tác tốt, thì hoạt động trao đổi thông tin cũng sẽ được cải thiện và qua đó cuộc chiến chống khủng bố sẽ trở nên hiệu quả hơn. Bởi một thực tế không thể phủ nhận là cuộc chiến chống khủng bố hiện nay mới chỉ tập trung vào việc tiêu diệt các hành động khủng bố, mà chưa thực sự hướng tới việc chấm dứt những tư tưởng khủng bố.
Theo Liên Hợp Quốc, trong 10 năm qua số nạn nhân của những kẻ khủng bố đã tăng lên gấp 10 lần so với trước thăm 2001, thời điểm xảy ra vụ tấn công khủng bố tại Mỹ và cũng là thời điểm quốc tế bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz thừa nhận hợp tác giữa các nước cần phải được cải thiện về căn bản. Theo ông, một sự hợp lực trên quy mô toàn cầu là cần thiết để đẩy lùi những hiểm họa mà chủ nghĩa khủng bố mang đến cho nhân loại. Và thế giới đã chứng kiến được quyết tâm này khi hàng chục nhà lãnh đạo thế giới có mặt tại Pháp tham gia cuộc tuần hành tuần hành thể hiện tình đoàn kết.
Đây có thể xem là cam kết mạnh mẽ nhất về một sự hợp tác sâu rộng chống những kẻ khủng bố trong bóng tối và giờ là lúc phát huy tinh thần này./.