Saudi Arabia bắt 3 Hoàng thân “âm mưu đảo chính”: Cuộc chơi vương quyền?
VOV.VN - Những tờ báo quốc tế lớn như Reuters, New York Times, Washington Post cùng nhiều tờ báo của khu vực Trung Đông đã đồng loạt đưa tin về vụ việc.
Truyền thông quốc tế những ngày qua đã đưa tin nhiều về việc chính quyền Saudi Arabia đã bắt giữ 3 thành viên hoàng gia cấp cao, gồm em trai ruột và cháu của Quốc vương nước này, với cáo buộc âm mưu tiến hành đảo chính. Hiện tiến trình bắt giữ các thành phần liên quan có thể vẫn đang tiếp tục.
Thái tử Mohammed (trái) và Quốc vương Salman. Ảnh: AFP |
Dù giới chức Saudi Arabia chưa lên tiếng xác nhận các thông tin này, song giới quan sát đồn đoán đây có thể là 1 bước đi nữa nhằm củng cố quyền lực của Thái tử Mohammed bin Salman, hướng tới việc kế nghiệp Vua cha trong tương lai.
Những tờ báo quốc tế lớn như Reuters, New York Times, Washington Post cùng nhiều tờ báo của khu vực Trung Đông đã đồng loạt đưa tin về vụ việc.
Cụ thể, theo Washington Post, vào ngày 6/3 vừa qua, Hoàng thân Ahmed bin Abdulaziz al-Saud, 77 tuổi - em trai duy nhất còn sống của Quốc vương Salman và Hoàng thân Mohammed bin Nayef - cháu trai Quốc vương, từng là Thái tử và bị phế truất năm 2017, đã bị cận vệ hoàng gia áp giải khỏi nhà với cáo buộc tội danh phản quốc.
Tòa án hoàng gia Saudi Arabia đã cáo buộc hai người này “âm mưu đảo chính để lật đổ Quốc vương và Thái tử”, và có thể sẽ đối mặt với án tù chung thân hoặc xử tử.
Theo New York Times và Reuters, em trai của Thái tử bị phế truất là Nawaf bin Nayef cũng đã bị bắt.
Một số báo cáo khác cho biết thêm, các thành viên hoàng gia và trợ lý khác liên quan đến âm mưu đảo chính này cũng đã bị bắt giữ trong ngày hôm qua (8/3).
Các vụ bắt giữ tại Saudi Arabia ngay lập tức đã làm dấy lên những đồn đoán về sức khỏe của Quốc vương Salman, hiện 84 tuổi và thời khắc Thái Tử Mohammed sẽ kế nghiệp Vua cha - có thể là trước tháng 11 tới – thời điểm Saudi Arabia tổ chức thượng đỉnh G-20 tại thủ đô Riyadh. Và rất có thể các vụ bắt giữ là 1 bước đi nữa để Thái tử Mohamed củng cố quyền lực của mình.
Theo hãng tin Aljazeera, Em trai Quốc vương – Hoàng thân Amed từng là một trong 3 thành viên “Hội đồng Tận trung” của Saudi Arabia phản đối Hoàng tử Mohammed lên ngôi Thái tử hồi năm 2017. Tháng 10/ 2018, ông này đã từ Anh trở về giữa lúc uy tín Thái tử Mohammed “sụt giảm nghiêm trọng” liên quan đến vụ giết hại nhà báo Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ. Sự trở về của ông đúng thời điểm nhạy cảm này được truyền thông lúc bấy giờ nghi ngờ nhằm mục đích lôi kéo sự ủng hộ trong hoàng gia chống lại Thái tử.
Hơn thế nữa, Hoàng thân Ahmed - em trai Quốc vương cũng từng có 1 phát ngôn gây sốc liên quan đến vai trò của Saudi Arabia trong cuộc chiến tại Yemen. Năm 2018, trước những người biểu tình tại London, Anh phản đối cuộc chiến, vị hoàng tử này từng cho biết: “Hoàng gia không có liên quan gì. Chỉ vài cá nhân nhất định phải chịu trách nhiệm, đó là Quốc vương và Thái tử”. Đoạn băng hình ghi lạih phát biểu này đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội sau đó, bất chấp những lời giải thích về lòng trung thành của ông.
Ngoài em trai Quốc vương, Thái tử bị phế truất - Hoàng thân Momhammed bin Nayef – người từng có công lao to lớn trong cuộc chiến chống khủng bố trước đây và em trai của ông này cũng bị bắt giữ.
Tất cả các vụ bắt giữ đều bị cáo buộc đến 1 âm mưu đảo chính, song nhiều nhà phân tích cho rằng, 1 âm mưu đảo chính ở thời điểm hiện tại là khó có thể xảy ra bởi thực tế những người này đều đã bị quản thúc trong 1 thời gian dài. Và đây rất có thể là hành động củng cố quyền lực cho Thái tử, sau cuộc chiến chống tham nhũng trong hoàng gia gây trãnh cãi của Thái tử trước đây.
Chuyên gia phân tích chính trị Jamal Alshayyal của Qatar cho biết: “Đây là 1 sự kiện rất lớn tại Saudi Arabi. Cần phải nhắc lại rằng, những thành viên bị bắt đều có quan điểm không ủng hộ Thái tử Mohammed, từ các chính sách đối nội cải cách mở, đến các chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, theo tôi được biết, họ đã bị quản thúc trong 1 thời gian dài nên cáo buộc đảo chính dường như là không thể. Tuy nhiên, các vụ bắt giữ xảy ra khi sức khỏe của Quốc vương đang là 1 câu hỏi nghi vấn. Và để Thái tử lên ngôi không gặp trở ngại có lẽ là mục đích chính của vụ việc.”
Đến nay, Saudi Arabi vẫn chưa lên tiếng chính thức về các vụ bắt giữ thành viên cấp cao hoàng gia này. Song theo hãng thông tấn RT (Nga), sẽ không dễ dàng để có thể xác minh được báo cáo liên quan các vấn đề nội bộ trong Hoàng gia Saudi Arabia - vốn có rất nhiều bí mật./.