Shangri-La 15: Hàn Quốc không thảo luận với Mỹ về triển khai THAAD
VOV.VN - Hàn Quốc cho biết vẫn chưa có kế hoạch thảo luận vấn đề triển khai THAAD với phía Mỹ trong các cuộc tiếp xúc tại Đối thoại Shangri-La 15.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 3/6, đã lên tiếng phủ nhận nguồn tin nói rằng, Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Han Min-koo sẽ đàm phán với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter về việc triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc trong các cuộc tiếp xúc giữa hai bên, bên lề cuộc đối thoại Shangri-La đang diễn ra ở Singapore.
Trung Quốc lo ngại khi Mỹ lắp đặt lá chắn tên lửa gần nước này (Ảnh: National Interest)
Theo đó, Hàn Quốc chưa có kế hoạch thảo luận vấn đề này với phía Mỹ trong các cuộc tiếp xúc nhân dịp này. Một quan chức cấp cao trong chính phủ Hàn Quốc giấu tên cho biết, việc triển khai THAAD không phải là một vấn đề đơn giản mà cần có nhiều thời gian để thảo luận.
Trước đó, hãng tin Yonhap dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong một tuyên bố báo giới khi tới Singapore tham dự đối thoại Shangri-La đã nói rằng, ông sẽ thảo luận vấn đề triển khai THAAD với phía Hàn Quốc.
Còn theo thông tin từ một quan chức cấp cao quân sự Mỹ, kết quả của các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Hàn Quốc về hệ thống này sẽ sớm được công bố công khai. Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Hàn Quốc về vấn đề này còn đang vướng mắc ở một số vấn đề mang tính kỹ thuật.
Trước đó, Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc đàm phán về việc triển khai THAAD, sau khi Triều Tiên phóng vệ tinh hôm 7/2 mà theo cáo buộc của Mỹ và Hàn Quốc thực chất là một vụ phóng tên lửa.
Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối là hệ thống do Tập đoàn Lockheed Martin, Mỹ phát triển, được thiết kế bắn tên lửa tiêu diệt các tên lửa đạn đạo của đối phương ở bên trong hoặc bên ngoài khí quyển của Trái Đất trong giai đoạn bay cuối cùng trước khi tới mục tiêu.
Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối kế hoạch triển khai hệ thống này tại Hàn Quốc, cho rằng hệ thống đe dọa trực tiếp các lợi ích an ninh vì radar của THAAD có thể phát hiện các tên lửa ở vị trí cách 2.000 km, tức là thấy được cả các tên lửa trên lãnh thổ Trung Quốc.
Trong khi đó, Hàn Quốc khẳng định việc triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối xuất phát từ nhu cầu phòng thủ của nước này trước mối đe dọa về hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên và việc này không ảnh hưởng đến lợi ích an ninh của Trung Quốc./.