Shangri-la 18: Các bước đảm bảo an ninh trên bán đảo Triều Tiên
VOV.VN - Hôm 1/6, Đối thoại Shangri-la thứ 18 thảo luận vấn đề an ninh Triều Tiên nhằm tìm kiếm các bước tiếp theo cho hòa bình ở Bán đảo Triều Tiên.
Phiên thảo luận này có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kyeong-Doo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya và bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU).
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc phát biểu. |
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kyeong-Doo, cho biết: Năm 2018, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tổ chức 3 hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Hai bên đã xây dựng lòng tin, làm giảm tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Điều này có lợi cho việc phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Từ năm ngoái đến năm nay (2019), có 2 cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Tổ chức được cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều cũng có sự đóng góp không nhỏ của Hàn Quốc nhưng đáng tiếc hai bên vẫn chưa đạt được sự đồng thuận.
Theo ông Kyeong-Doo, vấn đề hòa bình và thịnh vượng cho Triều Tiên có thể đạt được bằng nhiều cách khác nhau nhưng điều quan trọng nhất là để thuyết phục Triều Tiên tin rằng sự thịnh vượng kinh tế chỉ có thể thực hiện được nếu quá trình phi hạt nhân hóa được thực hiện.
“Chỉ cần Triều Tiên có thể có những bước đi táo bạo hướng đến phi hạt nhân hóa, Hàn Quốc sẽ hỗ trợ họ về mặt kinh tế. Cả hai miền bán đảo Triều Tiên đã ngừng các hành động thù địch từ cuối năm 2019.”
Phần phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. |
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc đối thoại, bà Mogherini, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng một số người đã coi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội là một thất bại, nhưng theo bà, điều đó chứng tỏ rằng cần phải tổ chức các cuộc đàm phán như vậy dựa trên nền tảng vững chắc. Bà cho biết: Bà mình tin tưởng sự tham gia của các cường quốc trong vấn đề Triều Tiên. Hiện Triều Tiên đang chịu nhiều biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất và EU cũng đang nỗ lực để đảm bảo những biện pháp này được duy trì, nhưng các biện pháp trừng phạt cần phải được dừng lại khi các bên đạt được mục tiêu cuối cùng của mình.
Về phía Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya cho biết, chính sách của chính phủ Nhật Bản về quan hệ với Triều Tiên là không thay đổi, tức là tìm cách bình thường hóa quan hệ. Theo ông, Triều Tiên sẽ có tương lai tốt đẹp nếu lựa chọn con đường đúng đắn./.