Siêu bão Sandy đe doạ 60 triệu dân Mỹ
(VOV) - Bão Sandy với sức gió 120 km/h, có khả năng trở thành cơn bão mạnh nhất tấn công nước Mỹ trong vòng 100 năm qua.
Sau khi quét qua nhiều nước vùng biển Caribe, bão Sandy ngày 28/10 đã mạnh lên thành “siêu bão”, đang đổ bộ với tốc độ nhanh vào hàng chục bang đông dân cư nằm dọc ở bờ biển phía đông nước Mỹ.
Theo Trung tâm Dự báo thời tiết quốc gia Mỹ, bão Sandy với sức gió 120 km/h và còn mạnh lên, có khả năng trở thành cơn bão mạnh nhất tấn công nước Mỹ trong vòng 100 năm qua.
Một ga tàu điện ngầm ở New York tạm ngừng hoạt động (Ảnh: Reuters) |
Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang Mỹ cho biết tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại tất cả các bang nằm dọc bờ Đông nước Mỹ trong bối cảnh bão Sandy sắp đổ bộ, dự kiến sẽ gây mưa to gió lớn, lũ lụt và thậm chí khiến tuyết rơi tại hầu khắp khu vực này trong những tuần tới.
Trong thông điệp phát đi từ Washington ngày 28/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc người dân khu vực ven biển phía đông nước Mỹ, chuẩn bị đối phó với cơn bão nhiệt đới Sandy: “Đây là cơn bão lớn và nguy hiểm. Thông điệp mà tôi muốn gửi đến tất cả người dân dọc bờ Đông và Trung Đại Tây Dương là mọi người phải nhận thức được mối nguy hiểm của bão và tuân theo các chỉ dẫn của chính quyền bang, bởi vì họ sẽ có những lời khuyên tốt nhất giúp các bạn đối phó với bão trong những ngày tới”.
Hội Chữ thập Đỏ Mỹ cũng tích cực phối hợp với chính quyền các bang nằm trong vùng ảnh hưởng của bão để kịp thời đưa ra cảnh báo và hướng dẫn người dân ứng phó với bão. Ông John Miller, nhân viên Hội Chữ thập Đỏ Mỹ khuyến cáo người dân: “Cần phải tuân theo cảnh báo của chính quyền. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác để bảo đảm rằng chúng ta sẽ thông tin kịp thời về diễn biến của bão”.
Chính quyền nhiều bang dọc bờ Đông đã phát lệnh sơ tán hàng trăm nghìn người nhằm hạn chế đến mức tối đa thiệt hại do bão gây ra. Một số hệ thống giao thông công cộng, trong đó có tầu điện ngầm và hàng trăm chuyến bay đã hoặc có nguy cơ bị đóng cửa và hủy bỏ. Nhiều cửa hàng đã trống trơn các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, máy phát điện, pin, đèn pin và nước uống do người dân đua nhau đi mua đề phòng bão kéo dài và mất điện dài ngày.
Trong khi đó, siêu bão Sandy đã làm đảo lộn nhiều hoạt động tranh cử của ứng cử viên Tổng thống Obama và Mitt Romney. Hai ứng cử viên này đã phải điều chỉnh và huỷ nhiều cuộc gặp gỡ cử tri. Dư luận cho rằng cách thức Tổng thống Obama xử lý các tình trạng khẩn cấp do siêu bão Sandy gây ra và thái độ của ông Rômni trong tình huống thời tiết bất ngờ này có thể sẽ trở thành một yếu tố tác động tới lá phiếu của cử tri trong ngày bầu cử 6/11 tới.
Trong lúc này, các nước thuộc vùng Caribe, nhất là Cuba và Haiiti, nơi bão Sandy vừa quét qua đã gây thiệt hại lớn về người và của, đang khẩn trương khắc phục hậu quả. Theo thông báo của Chính phủ Cuba, bão Sandy đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng ở tỉnh Santiago de Cuba và khiến 11 người thiệt mạng, đồng thời phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng. Còn tại Haiiti, bão Sandy đã khiến 20 người chết, phá hủy hàng nghìn ngôi nhà ở thủ đô Port au Prince. Nước lũ gây ngập lụt trên nhiều tuyến đường, khiến giao thông đình trệ. Trong lúc này, chính quyền và các cơ quan cứu trợ nhân đạo Liên Hợp Quốc đang nỗ lực giúp người dân vùng thiên tai khắc phục hậu quả cơn bão.
Người đứng đầu Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc Jorhan Pelema cho biết: “Mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp tới Haiiti, song bão Sandy đã gây mưa lớn và lũ lụt trong mấy ngày qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các địa phương Haiiti, trong đó có thủ đô Port au Prince. Mực nước tại nhiều con sông và kênh chảy qua thủ đô đã tràn bờ do nằm ở vùng trũng bao quanh bởi đồi núi”./.