So găng sức mạnh “bóng ma tử thần” B-2 của Mỹ và oanh tạc cơ Tu-160M của Nga
VOV.VN - Máy bay ném bom Tu-160M của Nga được coi là đối thủ của B-2 Spirit – máy bay ném bom chiến lược hạng nặng của Không quân Mỹ do tập đoàn Northrop Grumman sản xuất vào năm 1987.
Nga đã chính thức đặt tên mới cho máy bay ném bom chiến lược Tu-160M đầu tiên, như một phần trong kế hoạch khởi động lại việc sản xuất phiên bản hiện đại hơn của dòng máy bay ném bom tàng hình Tu-160, được cho là có tốc độ nhanh hơn nhiều so với máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ.
Hãng thông tấn TASS của Nga cho biết, phiên bản mới được đặt theo tên của nhà du hành vũ trụ Liên Xô Valentina Tereshkova – người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ.
Tổng giám đốc Tập đoàn chế tạo máy bay Thống nhất của Nga Yury Slyusar cho biết: “Chiếc máy bay Tu-160M đầu tiên đã được đặt tên để vinh danh bà Valentina Tereshkova”. Trước đó, Tu-160M vẫn được biết đến với tên gọi “Thiên nga trắng”.
Tu-160 (mã danh NATO là Blackjack) do Công ty Tupolev phát triển vào những năm 1970, được đưa vào biên chế năm 1987. Đến nay Tu-160 vẫn được coi là một trong những máy bay ném bom nhanh nhất, lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới. Mặc dù không có khả năng tàng hình ưu việt như máy bay ném bom B-2 nhưng thiết kế của Tu-160 vẫn kết hợp nhiều tính năng nhằm hạn chế bị radar hoặc cảm biến hồng ngoại của đối phương phát hiện.
Chiếc Valentina mới có nhiều bộ phận được nâng cấp, phạm vi hoạt động lớn hơn và có các hệ thống phòng thủ mới so với máy bay Tu-160 cũ. Máy bay có thiết bị bay và dẫn đường tiên tiến, cùng các hệ thống thông tin liên lạc, radar và điện tử mới. Tu-160M có khả năng mang tới 12 tên lửa hành trình chiến lược trên hai bệ phóng bên trong thân máy bay.
Tổng thống Putin quyết định khởi động chương trình sản xuất phiên bản nâng cấp Tu-160M vào năm 2015, nhưng phải đến năm 2022, máy bay mới thực hiện thành công các chuyến bay thử nghiệm. Trong quá trình thử nghiệm, Tu-160M tiến hành các cuộc diễn tập để kiểm tra sự ổn định, khả năng hoạt động của hệ thống và động cơ cũng như các thiết bị điện tử vô tuyến trên máy bay. Nga đã nhiều lần xem xét kế hoạch nối lại việc sản xuất máy bay này, nhưng kế hoạch bị tạm hoãn do nhiều yếu tố.
Đối thủ của B-2 Spirit
Tu-160M được coi là đối thủ của B-2 Spirit – máy bay ném bom chiến lược hạng nặng của Không quân Mỹ do tập đoàn Northrop Grumman sản xuất vào năm 1987. B-2 Spirit đã được triển khai trên chiến trường vào năm 1997.
Hiện Washington có 20 chiếc đang hoạt động trong tổng số 21 chiếc được chế tạo. Không quân Mỹ dự kiến duy trì hoạt động của B-2 Spirit cho đến năm 2032 và sau đó sẽ bắt đầu thay thế bằng máy bay ném bom B-21 Raiders.
Tu-160M có khả năng đạt tốc độ tối đa hơn 2.200km/giờ, nhanh hơn so với B-2 Spirit với tốc độ 1.000 km/giờ. Cả hai đều có thể hoạt động ở độ cao tối đa 12.000m.
Về khả năng mang vũ khí. B-2 Spirit có 2 khoang vũ khí được tích hợp ở phần bụng, có thể mang được tải trọng từ 20 đến 30 tấn vũ khí, trong đó có tên lửa hành trình và các loại bom. Để thực hiện vai trò tấn công hạt nhân, máy bay ném bom này có thể mang theo 16 quả bom B61-7 (bom có sức công phá 360 kiloton), bom B61-11 (400 kiloton) hoặc bom nhiệt hạch B-83-1 (1,2 megaton).
Đối với Tu-160M, Hãng Thông tấn RIA Novosti của Nga cho biết, máy bay này có thể mang theo cả vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường, với tải trọng lên đến hơn 45 tấn. Tuy vậy, ông Ian Williams, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng, tải trọng vũ khí tối đa của Tu-160M chỉ có thể lên đến gần 30 tấn và tải trọng thông thường sẽ nhỏ hơn.
“Khi máy bay ném bom mang theo tải trọng vũ khí tối đa, nó sẽ bị hạn chế về tốc độ, ảnh hưởng đến mức tiêu thụ nhiên liệu và phạm vi hoạt động”, ông Ian Williams lưu ý.
Giới phân tích cho rằng, Tu-160M có thể mang tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách xa hoặc tấn công sâu vào hậu cứ của đối phương. Đây sẽ luôn là một thành phần quan trọng trong bộ 3 răn đe hạt nhân của Nga.
Trong bối cảnh xung đột tại Nga và Ukraine ngày càng ác liệt hơn, nhiều người lo ngại Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân sau khi Tổng thống Putin cảnh báo có thể sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để bảo vệ lãnh thổ và các đồng minh. Phát biểu với kênh truyền hình Russia 1, cựu chỉ huy quân đội Nga, ông Andrey Gurulyov nói rằng: “Nga cần phải giành chiến thắng và phải đạt được điều này bằng những phương tiện sẵn có. Tôi muốn nhắc lại rằng, vũ khí hạt nhân không chỉ là một loại vũ khí mà còn là di sản của người dân Nga”.
Hồi tháng 9/2022, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo: “Việc sử dụng vũ khí hạt nhân là hoàn toàn không thể chấp nhận được vì điều này sẽ làm thay đổi hoàn toàn bản chất của cuộc xung đột”./.