Tàu chiến Mỹ - Trung chạm trán “không an toàn” trên Biển Đông
VOV.VN - Vụ việc xảy ra khi tàu Hải quân Mỹ tiến vào vùng 12 hải lý quanh các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý.
Hai tàu chiến của Hải quân Mỹ và Trung Quốc đã “chạm mặt không an toàn” trên Biển Đông. Thông báo từ giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, sự việc xảy ra sáng 30/9 khi tàu Hải quân Mỹ đang tiến hành chiến dịch tự do hàng hải ở gần quần đảo Trường Sa trên Biển Đông [thuộc chủ quyền của Việt Nam-ND].
Tàu Hải quân Mỹ USS Decatur. Ảnh: Reuters |
CNN dẫn lời người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Charles Brown cho biết: “Một tàu khu trục Luyang của Trung Quốc đã tiếp cận tàu USS Decatur một cách không an toàn và không chuyên nghiệp ở gần Đá Ga Ven trên Biển Đông”.
Theo ông Charles Brown, tàu của Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt động thái “gây hấn” để buộc USS Decatur rời khỏi khu vực này. “Tàu khu trục của Trung Quốc đã tiếp cận trong phạm vị 40m trước mũi tàu Mỹ buộc tàu Decatur phải chuyển hướng để tránh va chạm”, người phát ngôn Charles Brown nói thêm. Ông đồng thời khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục “đưa máy bay và tàu hải quân tới bất cứ đâu được luật pháp quốc tế cho phép”.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia, trong trường hợp 2 tàu đối đầu ở cự ly gần như vậy, thuyền trưởng sẽ chỉ có vài giây để phản ứng và đưa ra quyết định.
“Đây là tình huống vô cùng nguy hiểm. Mọi thuyền trưởng sẽ đều thấy lo sợ khi một tàu khác tiến tới gần trong cự ly chưa tới 1.000m. Từ bánh lái đến tốc độ tàu phải được tính toán chính xác, vì chỉ cẩn một sai sót nhỏ cũng sẽ dẫn đến một vụ va chạm”, Giáo sư Schuste tại Đại học Thái Bình Dương Hawaii, một cựu thuyền trưởng trên tàu Hải quân Mỹ với 12 năm kinh nghiệm trên biển nhận định.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang chưa từng thấy trong hàng loạt vấn đề từ kinh tế đến quân sự.
CNN ngày 30/9 cũng đã đưa tin tàu Decatur đã đi vào vùng 12 hải lý quanh Đá Ga Ven và Đá Gạc Mạc thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông. Hải quân Mỹ gọi hoạt động này là một phần chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế. Mỹ gia tăng hiện diện quân sự tại Biển Đông thời gian qua, trong khi Trung Quốc tiến hành quân sự hóa hàng loạt thực thể trển Biển Đông, khiến căng thẳng khu vực và quan ngại quốc tế gia tăng.
Hiện Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng về vụ “chạm trán nguy hiểm” này với tàu Mỹ trên Biển Đông. Song trước đó, Bắc Kinh đã không bỏ qua vụ việc Mỹ liên tiếp đưa B-52 bay qua Biển Đông, gọi đây là hành động “khiêu khích”.
Giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ -Trung gia tăng có thông tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã hủy chuyến thăm Bắc Kinh dự kiến diễn ra trong tháng 10 này. Theo kế hoạch ban đầu, ông Mattis tới Bắc Kinh và thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc các vấn đề về an ninh. Bộ Quốc phòng Mỹ hiện chưa lên tiếng xác nhận thông tin Bộ trưởng Mattis hủy chuyến thăm Bắc Kinh.
Mỹ với quan ngại Trung Quốc quân sự hóa và tuyên bố chủ quyền phi lý nhiều thực thể trển Biển Đông- tuyến hàng hải huyết mạch, đã gia tăng hiện diện quân sự với lý do đảm bảo “tự do hàng hải”. Đến nay, các đồng minh Mỹ là Pháp, Anh cũng đưa tàu chiến tới Biển Đông với cùng lý do này. Động thái của các nước khiến căng thẳng với Trung Quốc không ngừng leo thang./.
Tàu chiến Mỹ tiến vào Biển Đông, Trung Quốc “không thể ngăn cản”
Quan hệ Mỹ-Trung “nóng” lên với tần suất bay của B-52 ở Biển Đông