Tàu sân bay Mỹ và Trung Quốc cùng xuất hiện trên Biển Đông
VOV.VN - Trong bối cảnh tình hình khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gia tăng căng thẳng trong thời gian gần đây, việc hai tàu sân bay của Mỹ và Trung Quốc cùng hiện diện trên khu vực Biển Đông trong các hoạt động riêng rẽ là sự kiện đang được dư luận Australia quan tâm.
Theo báo điện tử 9News của Australia ngày hôm nay, Chủ nhật vừa qua (4/4), nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) của hải quân Mỹ đã vượt qua eo biển Malacca để tiến vào Biển Đông. Trong khi đó, tàu sân bay Liêu Ninh (Liaoning) của Trung Quốc cũng đã vào Biển Đông sau khi đi qua eo biển Miyako nằm ở ngoài khơi phía Tây Nam của Nhật Bản vào cuối tuần.
Ngoài ra, một tàu chiến khác của Mỹ là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin cũng đang được triển khai trên Biển Hoa Đông, theo Sáng kiến Kiểm tra tình hình chiến lược Biển Đông.
Theo truyền thông Australia, đây là lần biểu dương sức mạnh quân sự mới nhất của hai siêu cường trên Biển Đông và Biển Hoa Đông trong bối cảnh tình hình trên các vùng biển thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang liên tiếp gia tăng căng thẳng trong thời gian gần đây.
Trong đó đáng chú ý là việc hơn 200 tàu cá được cho là có liên hệ với hải quân Trung Quốc đang neo đậu tại khu vực Đá Ba Đầu (Whitsun Reef). Mỹ, Nhật Bản, Indonesia, Philippines và nhiều nước trong khu vực đã lên tiếng phản đối sự hiện diện của hàng trăm tàu cá của Trung Quốc, tuy nhiên, số tàu này vẫn không di chuyển.
Cũng theo tin của báo 9News, Biển Đông là nơi có nhiều yêu sách lãnh thổ chồng lấn, trong đó Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ 3,4 triệu km2 tại đây. Từ năm 2014, Trung Quốc đã đẩy mạnh tôn tạo các bãi đá ngầm và bãi cát nhỏ thành các đảo nhân tạo, sau đó tiến hành xây dựng các đường băng kiên cố và bố trí các hệ thống vũ khí và tên lửa. Các động thái của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới./.