Tàu vũ trụ của Ấn Độ hạ cánh thành công xuống cực Nam của Mặt Trăng

VOV.VN - Ấn Độ đã thành công trong sứ mệnh hạ cánh trên Mặt Trăng vào chiều tối 23/8 - một thời khắc lịch sử đối với quốc gia đông dân nhất thế giới.

Chandrayaan-3 đã trở thành tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh xuống cực nam của mặt trăng- nơi có các miệng núi lửa bị che khuất được cho là chứa nước đóng băng có thể hỗ trợ cho sự sống trên mặt trăng trong tương lai.

Đúng 19h15 phút tối nay (23/8 theo giờ Việt Nam), tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã thực hiện cú đáp mang tính lịch sử xuống bề mặt của Mặt trăng, chính thức trở thành quốc gia thứ 4 đặt chân lên hành tinh này.

Đây là nỗ lực thứ hai của Ấn Độ nhằm đưa tàu vũ trụ hạ cánh lên mặt trăng và diễn ra chưa đầy một tuần sau khi sứ mệnh Luna-25 của Nga thất bại.

Sứ mệnh này đã giúp củng cố vị thế của Ấn Độ như một siêu cường toàn cầu trong lĩnh vực không gian. Trước đây, chỉ có Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô cũ hoàn thành việc hạ cánh mềm trên bề mặt Mặt trăng.

Quá trình hạ cánh đã được phát sóng trực tiếp trên website chính thức của tổ chức, kênh truyền hình quốc gia của Ấn Độ Doordarshan và nhiều nền tảng mạng xã hội như Facebook và YouTube. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng theo dõi và bày tỏ vui mừng trong thời khắc lịch sử này.

Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ cho biết đã phải thực hiện các điều chỉnh để gia tăng khả năng thành công của sứ mệnh, trong đó bao gồm một hệ thống để mở rộng bãi đáp tiềm năng.

Tàu đổ bộ cũng đã được trang bị nhiều nhiên liệu hơn và chân vững chắc hơn khi va chạm. Thành công của Chandrayaan-3 đã khiến nó trở thành tàu đầu tiên hạ cánh xuống cực nam mặt trăng, khu vực có các miệng hố bị che khuất được cho là chứa băng nước có thể hỗ trợ việc định cư trên mặt trăng trong tương lai.

Sau khi hạ cánh thành công, Chandrayaan-3 sẽ thực hiện một loạt thí nghiệm bao gồm phân tích quang phổ về thành phần khoáng chất của bề mặt mặt trăng trong 2 tuần nữa.

Trạm đổ bộ Vikram trên tàu vũ trụ Chandrayaan-3 mang theo một robot nhỏ gọi là Pragyan. Bộ đôi chạy bằng năng lượng Mặt Trời này sẽ khám phá bề mặt trong một ngày Mặt Trăng (bằng khoảng 14 ngày Trái Đất), trước khi đêm Mặt Trăng (cũng dài bằng 14 ngày Trái đất) tối và lạnh buông xuống, khiến chúng cạn kiệt pin.

Giám đốc điều hành của đối tác Spacetec Partners có trụ sở tại London, Carla Filotico cho biết: “Điều này rất quan trọng đối với Ấn Độ về các khía cạnh khác nhau, bắt đầu từ việc thể hiện sự tiến bộ công nghệ. Thứ hai, điều quan trọng khác là khám phá khoa học.

Trên thực tế, việc hạ cánh xuống cực nam của mặt trăng thực sự sẽ cho phép Ấn Độ khám phá xem có nước đóng băng trên mặt trăng hay không. Và điều này rất quan trọng đối với dữ liệu và khoa học tích lũy về địa chất của mặt trăng và thực sự có thêm thông tin về việc khám phá hệ mặt trời, lịch sử và sự tiến hóa”.

Trước khi tàu hạ cánh thành công, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ đã kích hoạt trình tự hạ cánh tự động của tàu vũ trụ, kích hoạt thuật toán sẽ tiếp quản khi nó đạt đến vị trí được chỉ định và giúp tàu gia tăng khả năng hạ cánh thành công.

Được biết, cực nam Mặt trăng là điểm xa nhất về phía nam trên Mặt Trăng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới khoa học bởi sự hiện diện của băng nước ở những khu vực bóng tối vĩnh cửu xung quanh nó. Băng nước có thể được dùng để chiết xuất nhiên liệu, oxy và nước uống - những thứ có thể phục vụ cho sự sống trên Mặt trăng trong tương lai.

Tàu đổ bộ Chandrayaan-3 cao khoảng 2m và có khối lượng chỉ hơn 1.700 kg - tương đương với một chiếc SUV. Nó được thiết kế để triển khai một tàu thám hiểm mặt trăng nhỏ hơn, nặng 26 kg. Mục tiêu của sứ mệnh này là phát triển và sử dụng các công nghệ mới cần thiết cho các sứ mệnh liên hành tinh trong tương lai.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ấn Độ lần đầu tiên ban hành lệnh cấm xuất khẩu đường sau 7 năm
Ấn Độ lần đầu tiên ban hành lệnh cấm xuất khẩu đường sau 7 năm

VOV.VN - Chính phủ Ấn Độ dự kiến sẽ ban hành lệnh cấm các nhà máy xuất khẩu đường trong vụ mùa tiếp theo bắt đầu từ tháng 10 tới - đây cũng là lệnh tạm dừng xuất khẩu đường lần đầu tiên trong 7 năm qua tại Ấn Độ, nguyên nhân do thiếu mưa làm giảm năng suất mía.

Ấn Độ lần đầu tiên ban hành lệnh cấm xuất khẩu đường sau 7 năm

Ấn Độ lần đầu tiên ban hành lệnh cấm xuất khẩu đường sau 7 năm

VOV.VN - Chính phủ Ấn Độ dự kiến sẽ ban hành lệnh cấm các nhà máy xuất khẩu đường trong vụ mùa tiếp theo bắt đầu từ tháng 10 tới - đây cũng là lệnh tạm dừng xuất khẩu đường lần đầu tiên trong 7 năm qua tại Ấn Độ, nguyên nhân do thiếu mưa làm giảm năng suất mía.