Tên lửa hành trình Kh-101 của Nga nhả mồi bẫy khi tấn công mục tiêu ở Ukraine
VOV.VN - Tên lửa hành trình Kh-101 của Nga lần đầu tiên được trang bị khả năng nhả mồi bẫy hồng ngoại ở giai đoạn cuối của quỹ đạo bay. Đây là một bước đột phá trong lĩnh vực công nghệ quân sự.
Trang tin Avia Pro đăng tải đoạn video cho thấy tên lửa hành trình Kh-101 của Nga nhả mồi bẫy hồng ngoại trước khi lao vào mục tiêu ở Ukraine trong cuộc tấn công hôm 29/12.
Ban đầu, người ta cho rằng việc nhả mồi bẫy được kích hoạt sau khi tên lửa bị hệ thống phòng không đối phương “bắt” được, nhưng sau đó có thông tin cho rằng quá trình này có thể được thực hiện tự động sau một thời gian nhất định hoặc khi tên lửa đạt đến tọa độ cụ thể, nơi mà hệ thống phòng không đối phương rất có thể đã được định vị.
Ngoài ra, tên lửa Kh-101 nâng cấp có thể được trang bị hệ thống tác chiến điện tử (EW) trong băng tần G/X/Ku, được thiết kế để ngăn chặn đường tiếp nhận của đầu dẫn radar chủ động sử dụng trong các tên lửa phòng không như Aster-30 và IRIS-T SLM.
Những cải tiến này làm tăng đáng kể khả năng sống sót của tên lửa Kh-101 trước hệ thống phòng không của đối phương.
Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine chưa bình luận về video trên.
Tên lửa hành trình Kh-101 là vũ khí chủ lực của máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS và Tu-160. Mỗi quả đạn được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp với đầu dò quang - điện tử, cũng như cập nhật vị trí và đường bay qua vệ tinh, có khả năng đánh trúng mục tiêu trong vòng tròn 5 m.
Kh-101 có thể đạt tốc độ bay hành trình 700 km/h, lao tới mục tiêu với tốc độ tối đa 970 km/h. Mỗi quả tên lửa mang được đầu đạn nặng 400 kg, bao gồm các loại nổ mạnh (HE), xuyên phá hoặc nổ chùm.
Nga bắt đầu triển khai phiên bản Kh-101 trang bị biện pháp đối phó phòng không từ đầu năm nay, trong bối cảnh lưới Ukraine được viện trợ hàng loạt hệ thống phòng thủ của phương Tây.