Thách thức lớn nhất của chính phủ Afghanistan trong bầu cử Quốc hội
VOV.VN - Afghanistan đang đối mặt với tình trạng an ninh xấu đi nghiêm trọng, với hàng loạt các vụ tấn công gây nhiều thương vong lớn.
Bạo lực gia tăng ngay trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội quan trọng tại quốc gia Nam Á này vào ngày 20/10 tới, với cảnh báo của Taliban sẽ tấn công các lực lượng an ninh chính phủ trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử.
Hình ảnh các ứng viên trong bầu cử Quốc hội Afghanistan 2018. Ảnh: AP.
Một vụ nổ bom xảy ra sáng nay (17/10) tại tỉnh Helmand ở miền Nam Afghanistan, khiến một ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp diễn ra tại nước này thiệt mạng, trong khi 7 người khác bị thương.
Taliban xác nhận đã tiến hành vụ tấn công này. Lực lượng an ninh cũng đã bắt giữ nhiều đối tượng tình nghi liên quan.
Tính đến nay, hơn 10 chính trị gia đã bị sát hại trong quá trình tiếp xúc cử tri ở kỳ bầu cử quốc hội lần này.
Hàng loạt các vụ tấn công bạo lực do Taliban thực hiện thời gian qua khiến hàng trăm người thương vong, trong đó có nhiều cảnh sát và binh lính Afghanistan.
Nhiều người dân bày tỏ lo ngại về tình trạng an ninh trước bầu cử: “Chúng tôi muốn chính phủ đảm bảo an ninh cho chiến dịch của các ứng cử viên. Tôi cũng đề nghị các ứng cử viên khi thực hiện bất cứ sự kiện nào trong chiến dịch tranh cử cần đảm bảo an ninh, tránh gây thương vong cho người ủng hộ”.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội Afghanistan lần này, dự kiến có khoảng 9 triệu cử tri, trong đó có 3 triệu cử tri là nữ giới, đi bỏ phiếu để bầu chọn 249 nghị sĩ trong cơ quan lập pháp của quốc gia Nam Á với nhiệm kỳ 5 năm, cũng như bầu chính quyền địa phương các cấp.
Phiến quân Taliban đang gia tăng các cuộc tấn công, đồng thời kêu gọi người dân Afghanistan tẩy chay cuộc bầu cử, vì Taliban cáo buộc Mỹ sử dụng cuộc bầu cử này nhằm mục đích hợp pháp hóa sự cai trị cũng như sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan. Chính vì vậy, thách thức lớn nhất của chính phủ Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani hiện này đó là đảm bảo an ninh hoàn toàn cho 5.100 điểm bỏ phiếu tại 387 khu vực của đất nước.
Đánh bom tại Afghanistan làm 1 ứng cử viên quốc hội thiệt mạng
Mặc dù Bộ Nội vụ Afghanistan đã triển khai khoảng 54.000 binh lính để đảm bảo an toàn cho các trung tâm bỏ phiếu, nhưng Ủy ban bầu cử quốc gia cũng thừa nhận, các hoạt động bỏ phiếu không thể được thực hiện tại 900 điểm ở những khu vực do Taliban kiểm soát và tình hình tại 3.000 trung tâm bỏ phiếu cũng đối mặt với nhiều lo ngại bạo lực có thể xảy ra. Lực lượng do Mỹ dẫn đầu tại Afghanistan sẽ không có vai trò trực tiếp trong việc đảm bảo an ninh thời điểm diễn ra bỏ phiếu, nhưng sẽ cố vấn và hỗ trợ lực lượng Afghanistan nếu cần thiết.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani lên án làn sóng bạo lực đang diễn ra, đồng thời khẳng định những kẻ thù của Afghanistan sẽ không thể làm suy yếu ý nguyện của cả quốc gia. Đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Afghanistan Tadamichi Yamamoto cũng bày tỏ lo ngại về tình hình bạo lực gia tăng có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử quan trọng tại quốc gia Nam Á này, kêu gọi tất cả các bên hành động có trách nhiệm.
Ông Yamamoto nói :"Đây là thời điểm thích hợp cho các quyết định quan trọng tại Afghanistan khi người dân đi bỏ phiếu vào ngày 20/10 tới để lựa chọn các đại diện Quốc hội lần đầu tiên kể từ năm 2010. Những quyết định của các cử tri sẽ có tác động đến xã hội và tương lai của Afghanistan. Cuộc bầu cử này cũng giúp định hình các bước đi tiếp theo hướng đến hòa bình cho toàn đất nước”.
Làn sóng bạo lực mới nhất tại Afghanistan diễn ra trong bối cảnh có nhiều cơ hội cho các cuộc đàm phán hòa bình sau cuộc gặp giữa đại diện Taliban và Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad tại Qatar. Trong một tuyên bố mới đây, Taliban cũng khẳng định, lãnh đạo nhóm này và đặc phái viên Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc đối thoại để chấm dứt cuộc chiến này.
Nhiều quan chức an ninh Afghanistan cho rằng, tăng cường các vụ tấn công bạo lực vào thời điểm này cũng có thể là một phần trong chiến lược lớn hơn của Taliban, nhằm đảm bảo lợi thế trong việc áp đặt yêu cầu nếu các cuộc đối thoại hòa bình chính thức bắt đầu./.