Thái Bình Dương sẽ tiếp cận thống nhất về các vấn đề an ninh
VOV.VN - Tổng Thư ký Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương vừa ra tuyên bố khẳng định các nước trong khu vực không thể trở thành kẻ thù của bất kỳ ai và tổ chức này sẽ có cách tiếp cận thống nhất đối với các vấn đề an ninh trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách tranh giành ảnh hưởng.
Trong phiên họp kín chiều 14/7 của Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF), các nhà lãnh đạo khu vực đã nhất trí thực hiện cách tiếp cận thống nhất đối với các vấn đề liên quan đến an ninh của khu vực.
Tổng thư ký Diễn đàn Henry Puna cho biết trước khi một quốc gia thành viên ký kết các thỏa thuận an ninh với quốc gia khác, các nhà lãnh đạo của Diễn đàn cần được chia sẻ và đối thoại vì an ninh là vấn đề về có tác động đến khu vực và cũng để đảm rằng các vấn đề đó không ảnh hưởng đến biên giới quốc gia của các thành viên.
Hợp tác an ninh với các quốc gia bên ngoài và cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn tại khu vực đang gây chia rẽ giữa các quốc gia Thái Bình Dương và tạo ra không khí căng thẳng bao trùm Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 51 được tổ chức tại Fiji.
Australia và New Zealand lo ngại thỏa thuận an ninh giữa Quần đảo Solomon với Trung Quốc có thể sẽ dẫn đến việc Trung Quốc thiết lập một căn cứ quân sự và gây bất ổn khu vực trong tương lai. Trong khi đó, vào ngày hôm qua, sau một thời gian khá dài không quan tâm đúng mức đối với khu vực, Mỹ thông báo sẽ tăng viện trợ, mở rộng hợp tác, đồng thời gia tăng hiện diện tại Thái Bình Dương.
Cũng trong bài phát biểu được đưa ra sau phiên họp cuối của Hội nghị thượng đỉnh vào hôm nay, Tổng Thư ký Henry Puna đã thông báo về “Chiến lược cho Lục địa Xanh Thái Bình Dương 2050”. Đây là một chiến lược dài hạn của khu vực nhằm thúc đẩy các quốc gia phát triển cần có hành động mạnh mẽ hơn đối với biến đổi khí hậu, vấn đề được cho là mối đe dọa lớn nhất đối với các quốc đảo Thái Bình Dương hiện nay.
Tài liệu “Chiến lược cho Lục địa Xanh Thái Bình Dương 2050” gồm 36 trang đã phác thảo 10 cam kết trên 7 lĩnh vực chuyên đề liên kết với nhau, có ý nghĩa quan trọng nhất đối với sự phát triển bền vững lâu dài của khu vực. Theo Chiến lược này, các nhà lãnh đạo khẳng định tầm nhìn chung về khu vực Thái Bình Dương kiên cường, hòa bình, hòa hợp, an ninh và thịnh vượng, đồng thời đảm bảo tất cả người dân trong khu vực có cuộc sống tự do, khỏe mạnh và hiệu quả.
Các lĩnh vực trọng tâm của Chiến lược bao gồm lãnh đạo chính trị và chủ nghĩa khu vực, phát triển lấy con người làm trung tâm, hòa bình và an ninh, phát triển tài nguyên và kinh tế, biến đổi khí hậu và thảm họa, đại dương và môi trường, công nghệ và kết nối./.