Thái Lan “căng thẳng” chờ đợi ngày bỏ phiếu sớm
VOV.VN - Thái Lan vẫn chuẩn bị cho bỏ phiếu sớm diễn ra ngày 26/1 trong khi chưa rõ cuộc bầu cử chính thức có diễn ra hay không?
Trước đó, Đảng Pheu Thái cầm quyền tuyên bố rằng, họ vẫn muốn cuộc bầu cử chính thức diễn ra đúng ngày 2/2, nhưng họ cũng sẵn sàng lùi ngày bẩu cử lại nếu các phe phái chính trị đối lập kết thúc cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng qua và chấp nhận kết quả cuộc bầu cử mới này.
Ngày 25/1 Toà án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết rằng, Chính phủ đã thống nhất với Uỷ ban Bầu cử rằng họ có thể sẽ hoãn cuộc bỏ phiếu. Tuy nhiên Đảng Pheu Thái của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra đã lên tiếng bày tỏ nghi ngờ về tính hợp pháp của phán quyết này.
Người biểu tình Thái Lan tham gia tuần hành trước thời điểm diễn ra bầu cử sớm (Ảnh AP) |
Ông Thanin Boonsuwan, một quan chức của Đảng này, gợi ý rằng phán quyết của Toà không hề đáp ứng được những điều kiện của luật pháp Thái Lan. Ông cũng cho rằng quyết định của Toà chỉ nên có tính chất tham khảo và không thể coi là mệnh lệnh cho việc trì hoãn ngày bầu cử.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của Đảng Dân chủ đối lập Chavanond Intarakomalyasut ngày 25/1 đã tán thành phán quyết của Toà và thúc giục Chính phủ trì hoãn việc bỏ phiếu.
Ông Chavanond cho rằng Đảng của ông sẽ chỉ tham gia bầu cử nếu nhận thấy rằng các điều kiện bầu cử là đáng tin cậy và có thể chấp nhận được đối với tất cả các bên.
Theo Bloomberg, Những tranh cãi trên diễn ra trong bối cảnh các điểm bỏ phiếu trên khắp Thái Lan đã sẵn sàng cho các cuộc bỏ phiếu trước thời hạn ngày hôm nay (26/1), bất chấp việc người biểu tình đe doạ sẽ ngăn cản cuộc bầu cử.
Những người tình nguyện và những người tổ chức bầu cử đã đến các điểm bỏ phiếu để tham gia tập huấn do lo ngại các cuộc đụng độ sẽ xảy ra tại một vài nơi trên cả nước khi thời gian bầu cử diễn ra, nhất là ở thủ đô Bangkok và các tình miền Nam Thái Lan, thành trì của phe đối lập.
Ông Suphot Thariwiboon, một người tham gia tổ chức bầu cử tại Bangkok, cho biết đã có những nghi ngại về việc người biểu tình sẽ chiếm các điểm bỏ phiếu hoặc ngăn cử tri đến đó.
Kết quả cuộc bầu cử ngày hôm nay sẽ là tiền đề cho cuộc bầu cử chính thức dự kiến diễn ra ngày 2/2 tới.
Khoảng 49 triệu người dân nước này có đủ tư cách tham gia bỏ phiếu và có khoảng 2,16 triệu người đã đăng ký bỏ phiếu sớm.
Các quan chức Đảng Pheu Thai cho biết Chính phủ Thái Lan sẽ xem xét việc hoãn cuộc bỏ phiếu chính thức nếu Đảng Dân chủ đối lập đồng ý tham gia bỏ phiếu và những người biểu tình chống Chính phủ ngừng các cuộc biểu tình của họ.
Tuy nhiên cả Đản Dân chủ và người biểu tình đều từ chối đề nghị này.
"Không có nhượng bộ gì hết, người biểu tình sẽ không bao giờ chấp nhận trở về nhà bởi điều họ mong muốn là cải cách nền chính trị và cải cách đất nước", lãnh đạo người biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố.
Dự kiến, ngày 28/1 tới, bà Yingluck và Uỷ ban Bầu cử Thái Lan sẽ gặp gỡ để bàn thảo về kế hoạch bầu cử.
Uỷ viên Uỷ ban Bầu cử Thái Lan Theerawat Theerarojwit cho biết Ủy ban này cho rằng việc bỏ phiếu nên được trì hoãn để các bên có thể xem xét đàm phán với nhau.
"Tôi không tin rằng cuộc bỏ phiếu ngày 2/2 có thể diễn ra theo như dự kiến. Nó sẽ khó được tổ chức bởi nếu nó diễn ra rất có thể người đi bầu cử sẽ bị tấn công mà Uỷ ban Bầu cử không muốn tính mạng của người dân bị đe doạ”, ông Theerawat tuyên bố.
Ngay cả nếu cuộc bầu cử vẫn diễn ra, rất có khả năng người biểu tình sẽ ngăn trở những người được bầu và điều này có thể dẫn đến việc Quốc hội sẽ không có đủ số ghế cần thiết và không thể nhóm họp được dẫn tới việc không thể hình thành một Chính phủ mới.
Việc hoãn cuộc bầu cửa có thể mở ra một giải pháp cho tình hình khủng hảng hiện nay, nhà phân tích chính trị Chris Baker cho biết.
Tuy nhiên, ông Baker cảnh báo nếu Đảng Dân chủ vẫn nhất quyết không tham gia bầu cử sau đó thì việc này cũng là vô nghĩa./.