Thái Lan: Dư luận về nội dung quan trọng của dự thảo Hiến pháp
VOV.VN - Dư luận chính giới và xã hội Thái Lan đang có những phản biện trái chiều về các vấn đề này.
Ngày 29/12, báo chí Thái Lan cho biết, sau khi xem xét những đề xuất của các cơ chế thuộc chính quyền Thái Lan, Ủy ban soạn thảo Hiến pháp của nước này đã tạm thời chốt lại một số nội dung quan trọng về lĩnh vực chính trị, dự kiến sẽ được thể hiện trong dự thảo Hiến pháp mới của Thái Lan.
Theo thông báo mới nhất của Chủ tịch Ủy ban soạn thảo Hiến pháp Thái Lan Bowonsak, dự thảo Hiến pháp mới về chính trị sẽ có một số nội dung đáng chú ý như sau:
Một là, thể thức bầu cử Hạ viện sẽ theo mô hình bầu cử hỗn hợp kiểu Đức, gồm 450 hạ nghị sỹ; trong đó 250 hạ nghị sỹ được bầu theo khu vực và 200 hạ nghị sỹ được bầu theo danh sách đảng; song tổng số hạ nghị sỹ của một chính đảng tại Hạ viện được tính theo tỷ lệ phiếu bầu của cử tri ủng hộ cho đảng đó.
Hai là, bầu cử Thượng viện gồm 200 thượng nghị sỹ, sẽ tiến hành theo thể thức "xét tuyển" đại diện của các tổ chức xã hội và nghề nghiệp và Thượng viện này sẽ có thêm nhiều quyền lực giám sát Chính phủ.
Ba là, Hạ viện sẽ bầu ra Thủ tướng; song Thủ tướng không nhất thiết phải là hạ nghị sỹ. Đặc biệt, các thể thức bầu cử nêu trên đều kèm theo những quy định nghiêm ngặt, với mục đích phòng chống tham nhũng trong bầu cử và điều hành đất nước.
Một bộ phận dư luận chính giới và xã hội Thái Lan ủng hộ các nội dung dự thảo Hiến pháp nêu trên; song cũng có nhiều ý kiến phản đối.
Đại diện đảng Vì nước Thái và một số các chuyên gia luật pháp Thái Lan cho rằng, mô hình bầu cử hạ viện theo kiểu Đức khó đạt hiệu quả như mong muốn, vì không phù hợp với tập quán chính trị của Thái Lan.
Việc xét tuyển toàn bộ thượng nghị sỹ, trong khi lại trao thêm quyền lực cho Thượng viện là vi phạm nguyên tắc của thể chế dân chủ. Đặc biệt, các quy định kèm theo thể thức bầu cử bộc lộ rõ chủ đích của Ủy ban soạn thảo Hiến pháp là, nhằm làm suy yếu vai trò của các chính đảng lớn, nhất là nhằm ngăn chặn không cho Đảng Vì nước Thái thân cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra trở lại cầm quyền; đồng thời tạo thuận lợi cho giới tướng lĩnh quân đội tiếp tục đóng vai trò chi phối chính trường Thái Lan.
Một số nhà phân tích chính trị Thái Lan nhận định, Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia, tức ban lãnh đạo chính quyền quân sự Thái Lan sẽ có quyết định cuối cùng về các nội dung của dự thảo Hiến pháp.
Nếu Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia chấp nhận những nội dung nêu trên, thì họ sẽ không đạt được mục tiêu là cải cách đất nước trên mọi lĩnh vực, xây dựng nền dân chủ tiến bộ và tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững của Thái Lan.
Trái lại, các thể thức mới về bầu cử này sẽ làm gia tăng mâu thuẫn và bất ổn chính trị ở Thái Lan; thậm chí có thể làm phát sinh một cuộc đảo chính quân sự mới trong tương lai./.