Thái Lan kêu gọi “tái kết nối, xây dựng, và cân bằng” quan hệ ASEAN-Mỹ
VOV.VN - Thái Lan đặc biệt coi trọng việc tạo ra “động lực kinh tế cho tương lai” để thúc đẩy tăng trưởng khu vực trong giai đoạn hậu đại dịch, đồng thời kêu gọi ASEAN và Mỹ tăng cường “tái kết nối, xây dựng, và cân bằng” mối quan hệ song phương.
Tại cuộc họp giữa lãnh đạo các nước thành viên ASEAN và những người đứng đầu các doanh nghiệp Mỹ tại thủ đô Wahsington của Mỹ vào hôm qua (12/5), Thủ tướng Thái Lan Prayut Chanocha hoan nghênh sự đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế ASEAN của các doanh nghiệp Mỹ trong thời gian qua. Ông Prayut cũng đồng thời nhấn mạnh 3 khía cạnh mà ASEAN và Mỹ cần tăng cường hợp tác, bao gồm: “tái kết nối, tái xây dựng và tái cân bằng".
Tái kết nối
Theo Thủ tướng Prayut, khu vực tư nhân của Mỹ có thể đóng vai trò quan trọng thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng thông qua việc mở rộng cơ sở sản xuất trong khu vực, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp mới mà ASEAN có tiềm năng và nguồn lực.
Hành lang kinh tế phía Đông Thái Lan (EEC) hoan nghênh đầu tư của khu vực tư nhân Mỹ nhằm thúc đẩy sự đa dạng chuỗi cung ứng, coi Thái Lan là cầu nối kinh doanh với các quốc gia khác trong khu vực thông qua việc thành lập các trụ sở chính tại khu vực. Trong đó, các lĩnh vực tiềm năng hợp tác bao gồm: thiết bị y tế, công nghiệp dịch vụ, hậu cần thông minh và điện tử thông minh.
Thái Lan là một trung tâm sản xuất lớn trong khâu trung gian và cuối cùng của ngành sản phẩm công nghiệp điện tử thông minh, vốn đã có sự đầu tư của một số công ty tư nhân của Mỹ. Thủ tướng Prayut khuyến khích các nhà thầu Mỹ tăng cường đầu tư cho các sản phẩm công nghệ cao đóng góp quan trọng trong chuỗi cung ứng, như giai đoạn đầu trong quá trình sản xuất sản phẩm bán dẫn và xe điện. Chính phủ Thái Lan hiện đã có chính sách phấn đấu đưa quốc gia này trở thành cơ sở sản xuất xe điện đẳng cấp thế giới, cùng với đó các nhà sản xuất xe điện và các lĩnh vực liên quan sẽ nhận được nhiều đặc quyền đầu tư.
Tái xây dựng
Trong bối cảnh diễn ra cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, các bên liên quan cần tập trung phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ đổi mới để thúc đẩy sự phát triển của các nền kinh tế, đặc biệt là phát triển nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực – một động lực kinh tế quan trọng hướng tới mục tiêu tăng trưởng 1.000 tỷ USD cho GDP của ASEAN vào năm 2030.
Thủ tướng Prayut kêu gọi doanh nghiệp Mỹ tham gia phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực ASEAN như mạng lưới internet, công nghệ đám mây trong sản xuất, trung tâm dữ liệu, cung cấp nội dung, phát triển và ươm tạo các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số.
Tái cân bằng
Mục tiêu trước mắt của tất cả các lĩnh vực hiện nay là phục hồi xã hội và đời sống của con người. Điều cốt yếu hiện nay là duy trì “cân bằng” giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Khu vực tư nhân Mỹ có tiềm năng lớn để mở rộng đầu tư và chuyển giao kiến thức và công nghệ trong ngành công nghiệp carbon thấp và năng lượng sạch cho khu vực ASEAN.
Là nước chủ nhà của APEC 2022, Thái Lan nỗ lực thúc đẩy phát triển khu vực Châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn hậu đại dịch, “sẵn sàng” trước mọi cơ hội, “kết nối” đa chiều, và đảm bảo “cân bằng” trong mọi lĩnh vực.
Thủ tướng Prayut khẳng định Thái Lan và các nước thành viên ASEAN khác luôn cam kết hỗ trợ mở rộng cơ hội kinh doanh, giảm thiểu các trở ngại thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư của doanh nghiệp Mỹ trong khu vực để cả ASEAN và Mỹ cùng phát triển bền vững./.