Thăm Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ nhận chỉ trích vì căng thẳng leo thang
VOV.VN - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có một chuyến công du Trung Quốc không hề dễ chịu.
Chính bản thân Ngoại trưởng Mỹ cũng thừa nhận ông và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị “cơ bản là bất đồng” trong cuộc gặp tại Bắc Kinh ngày 8/10.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có cuộc gặp tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/Getty
“Cơ bản là bất đồng”
Chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo, trong đó có điểm dừng chân tại Bình Nhưỡng, vốn tập trung vào việc đảm bảo thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Triều Tiên và duy trì sức ép với Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tuy nhiên, mục tiêu này đã trệch hướng vì căng thẳng thương mại Mỹ-Trung hiện nay.
Khi tiếp Ngoại trưởng Mỹ tại Bắc Kinh, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị đã cáo buộc Washington làm gia tăng căng thẳng thương mại, “gây phiền phức” tại Đài Loan và can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
“Những hành động này đã phá hủy sự tin tưởng lẫn nhau và phủ bóng đen lên các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Và những hành động này hoàn toàn không phù hợp với các lợi ích của người dân hai nước”, Ngoại trưởng Trung Quốc thẳng thắng nói vời người đồng cấp Mỹ.
Đáp lại, ông Pompeo thể hiện quan ngại về những hành động của Trung Quốc.
“Với các vấn đề mà Ngoại trưởng Trung Quốc đề cập, chúng ta cơ bản là bất đồng. Chúng tôi có những quan ngại lớn về các hành động của Trung Quốc và tôi hy vọng có cơ hội để thảo luận từng vấn đề bởi vì quan hệ với Trung Quốc là mối quan hệ vô cùng quan trọng”, Ngoại trưởng Mỹ nói.
Trung Quốc đã công khai thể hiện sự không hài lòng và đây là một trong những tín hiệu mạnh mẽ nhất của Bắc Kinh mang theo cảnh báo rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hiện này có thể phá hủy nỗ lực hợp tác giữa hai bên trong giải quyết vấn đề Triều Tiên. Thực tế, Bắc Kinh là “mạnh thường quân” lớn nhất của Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donlad Trump phải nhiều lần thừa nhận chiến tranh thương mại sẽ khiến Bắc Kinh nới lỏng sức ép mà Washington luôn thúc giục cộng đồng quốc tế áp đặt với Bình Nhưỡng.
Cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung bao giờ dừng lại?
Một cuộc chiến tranh lạnh mới?
Không giống như chuyến thăm Bắc Kinh diễn ra hồi tháng 6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần này từ chối gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Trả lời câu hỏi báo chí liệu có phải Chủ tịch Tập Cận Bình từ chối cuộc gặp này là vì những bất đồng giữa hai nước? Ngoại trưởng Pompeo nói rằng: “Tôi hy vọng họ sẽ nêu những vấn đề mà họ cảm thấy hài lòng”.
Những căng thẳng tiếp tục gia tăng khiến dư luận tại Bắc Kinh và Washington lo ngại về khả năng chiến tranh thương mại sẽ đẩy hai nước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Phát biểu tại Viện Hudson ở Washington tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã cáo buộc Trung Quốc “huy động toàn lực” từ tình báo đến thuế quan và các chiến lược tuyên truyền, để tác động tới dư luận Mỹ.
Ông Pence cũng nhắm tới các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông, khu vực Mỹ triển khai tàu chiến vì mục tiêu tự do hàng hải trong bối cảnh Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý với nhiều thực thể trên Biển Đông.
Lĩnh vực quân sự quốc phòng giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian gần đây chứng kiến những diễn biến mới căng thẳng. Trong đó, Bắc Kinh tháng trước đã từ chối cho phép tàu chiến của Mỹ thực hiện chuyến thăm Hong Kong mà theo kế hoạch là vào tháng 11. Động thái của Trung Quốc diễn ra vài ngày sau khi Washington trừng phạt một cơ quan quân sự của Bắc Kinh vì đã mua vũ khí của Nga.
Theo CNN, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ đang soạn thảo một đề xuất về phô diễn lực lượng trên toàn cầu, vốn sẽ khiến Nga và Trung Quốc phải dè chừng. Trong đó, Mỹ muốn gửi cảnh báo tới Trung Quốc và chứng minh rằng Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng để ngăn chặn và đối phó với các hành động quân sự của Trung Quốc. Đề xuất này đồng nghĩa với việc tàu chiến và máy bay của Mỹ sẽ hoạt động trong cự ly gần với các lực lượng Trung Quốc. Song, giới chức quốc phòng Mỹ khẳng định lực lượng của Washington không hề có ý định xung đột với lực lượng của Bắc Kinh.
Căng thẳng Mỹ-Trung leo thang trên nhiều mặt trận, với căng thẳng nhất là thương mại và quân sự. Nhưng giới quan sát không cho rằng mặt trận quân sự sẽ bùng nổ. Bởi chính Trung Quốc cũng nói đến sự cần thiết khi hai cường quốc hàng đầu thế giới tăng cường đối thoại.
“Thực tế là hai cường quốc, hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vẫn và nên tăng cường trao đổi và hợp tác, cũng như có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói trong cuộc họp báo được phát trên truyền hình sau khi gặp người đồng cấp Mỹ./.
Những dấu hiệu lo lắng của Trung Quốc trước cuộc chiến thương mại với Mỹ
Phó Tổng thống Pence: Mỹ không để Trung Quốc đe dọa trên Biển Đông