Thảm kịch khủng bố ở Paris: Kinh tế Pháp có thể thiệt hại 2 tỷ Euro
VOV.VN - Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thảm kịch ngày 13/11 có nguy cơ gây ra những tác hại dài hạn đến kinh tế Pháp
Báo chí Pháp hôm nay (25/11) tiết lộ một con số ước tính của Bộ Tài chính Pháp về thiệt hại do các vụ khủng bố tối 13/11 đối với nền kinh tế Pháp có thể lên tới 2 tỷ Euro. Tuy nhiên, Bộ này vẫn khẳng định “con số chính xác phải chờ trong nhiều tuần nữa”.
Bóng ma khủng bố đè nặng kinh tế Pháp. |
Thông tin được đài phát thanh RTL tiết lộ, cho biết đài này đã có thể tiếp cận với một báo cáo của Ban điều hành ngân khố. Theo đó, ước tính thảm kịch có thể gây thiệt hại 2 tỷ Euro cho nền kinh tế Pháp. Tuy nhiên, văn phòng Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron vẫn khẳng định đó mới chỉ là một ước tính đầu tiên và rất khó xác định các chỉ số để đo mức thiệt hại của thảm họa ngoại lệ như thế này. Và vì thế, các cơ quan tính toán tài chính sẽ đưa ra các con số chính xác hơn trong nhiều tuần tới.
Những thiệt hại được tính toán trong nhiều lĩnh vực. Ngay những ngày đầu tiên sau các vụ khủng bố, ngành du lịch và kinh doanh nhà hàng khách sạn của Pháp đã chịu những thiệt hại nặng nề do du khách lo sợ đến Pháp, bản thân người dân Pháp cũng hủy các chuyến đi chơi đặt trước cho dịp nghỉ sắp tới. Ngành giao thông cũng chịu thiệt hại nặng nề, do các đặt chỗ bị hủy, người dân Paris cũng lo ngại khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Cơ quan giao thông của Paris ước tính bị giảm 50% lượt khách qua lại riêng hôm thứ bảy 14/11 – ngay sau thảm họa 13/11. Hàng không cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Giám đốc điều hành hãng Air France cho biết số hủy chuyến nhiều hơn số đặt chỗ mới, sau các vụ khủng bố; và hy vọng trong những tuần tới, tình hình sẽ khả quan hơn.
Quốc vụ khanh phụ trách thương mại và nghề thủ công Martine Pinville hai ngày sau thảm họa đã đi thăm một số trung tâm thương mại lớn để trấn an các doanh nghiệp Pháp. Bà Pinville nói: “Thông điệp của chúng tôi là cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, công việc kinh doanh vẫn phải được tiếp tục duy trì và tình hình sẽ tốt trở lại. Người dân đã phải chịu một thảm kịch chưa từng có. Chính phủ Pháp, từ Tổng thống đến các cơ quan chức năng, các lực lượng an ninh đang làm tất cả để tình hình ổn định, đảm bảo môi trường kinh doanh và sinh hoạt cuộc sống”.
Theo một nghiên cứu của Phòng Thương mại và công nghiệp vùng Ile de France, cứ 10 thương gia thì gần 9 người cho biết số khách hàng tới các cửa hàng của họ giảm mạnh; và có tới 3/4 cho biết doanh thu của họ giảm nhiều sau thảm kịch tối 13/11. Các cửa hàng bán đồ ăn, quán café, nhà hàng là bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Và lý do thì rất dễ hiểu khi mục tiêu của bọn khủng bố tối 13/11 là những quán bar, nhà hàng đông khách ở Paris. Một số doanh nghiệp còn giảm doanh số tới 20%. Các trung tâm thương mại lớn hay các cửa hàng kinh doanh quần áo cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, trong dịp lẽ ra “ăn nên làm ra” trước Giáng sinh vài tuần.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nếu như vụ xả súng tại tòa soạn báo Charlie Hebdo và tại một siêu thị hồi tháng 1- từng được coi là vụ khủng bố 11/9 ở Pháp- chỉ gây những thiệt hại ngắn hạn. Thảm kịch ngày 13/11 có nguy cơ gây ra những tác hại dài hạn đến kinh tế Pháp.
Người đứng đầu Sở cảnh sát Paris Michel Cadot cho biết các lực lượng an ninh làm hết mình để người dân và du khách yên tâm khi đi mua sắm: “Tất cả các biện pháp an ninh được triển khai. Lực lượng được triển khai đông đảo và nhanh, để đảm bảo an ninh ở mức tốt nhất, cũng như duy trì tuần tra giám sát ở mức độ cao để người dân yên tâm và cuộc sống trở lại bình thường” .
Đầu tuần này, chính quyền Paris đã bắt đầu thảo luận về khoản trợ giúp 560.000 Euro để hỗ trợ những thương gia tại Paris bị ảnh hưởng nặng nề do các vụ khủng bố ngày 13/11. Chính quyền thành phố cũng mở một quỹ hỗ trợ để tập hợp các khoản quyên góp giúp các quán ăn, nhà hàng bị ảnh hưởng.
Ngoài các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các tiểu thương ở Paris, Thị trưởng Paris bà Anne Hidalgo cũng nhấn mạnh đến những thiệt hại cho ngành du lịch và khách sạn, nhà hàng của kinh đô ánh sáng thế giới. Riêng tuần đầu tiên sau các vụ khủng bố, các khách sạn ở Paris bị giảm một nửa doanh thu, theo tính toán của Phòng Thương mại và công nghiệp Paris. Trước tình hình này, thị trưởng Paris kêu gọi các nhân vật nổi tiếng của Pháp và thế giới thúc đẩy quảng bá cho các địa điểm du lịch ở Paris và nước Pháp, để cứu ngành du lịch Pháp./.