Tháng đầu tiên EU không có cam kết quân sự mới với Ukraine: Sự ủng hộ đã cạn?
VOV.VN - Trong suốt tháng 7/2022, sáu nước lớn nhất châu Âu không đưa ra bất kỳ cam kết quân sự song phương mới nào với Ukraine, đánh dấu tháng đầu tiên điều này xảy ra kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2.
Tiết lộ mới này là một dấu hiệu cho thấy, bất chấp sự dịch chuyển mang tính lịch sử trong chính sách quốc phòng châu Âu - khi những quốc gia từng có thái độ do dự như Pháp và Đức đã vận chuyển vũ khí cho Ukraine, sự hỗ trợ quân sự của châu Âu cho Ukraine hiện có lẽ đang giảm dần, giữa bối cảnh Kiev bắt đầu một chiến dịch phản công quan trọng.
Dữ liệu trên do Viện Kinh tế Thế giới Kiel công bố. Điều này đã cho thấy điều mà các quan chức Ukraine lo ngại: Đó là các nước lớn ở châu Âu đang không bắt kịp với tốc độ hỗ trợ quân sự từ Anh, Ba Lan và Mỹ. Các chuyên gia quân sự và một số thành viên Nghị viện châu Âu gần đây cũng lên tiếng về vấn đề này.
Christoph Trebesch, người đứng đầu đội ngũ theo dõi sự hỗ trợ cho Ukraine cho biết, dữ liệu của tổ chức cho thấy những cam kết hỗ trợ quân sự của châu Âu cho Ukraine đang theo chiều hướng giảm dần kể từ cuối tháng 4.
"Bất chấp việc chiến tranh bước vào giai đoạn quan trọng, những sáng kiến hỗ trợ mới đã cạn dần", chuyên gia này đánh giá.
Các nước phương Tây đã gặp nhau vào tuần trước ở Copenhagen để đưa ra cam kết nhằm hỗ trợ Ukraine tăng cường khả năng quân sự với tổng số tiền là 1,5 tỷ euro. Tuy nhiên, theo ông Trebesch, con số này "ít hơn nhiều so với những gì được nêu ra tại các hội nghị trước đó".
Ông Trebesch cho rằng, các nước châu Âu nên coi cuộc chiến ở Ukraine giống như khủng hoảng khu vực đồng tiền chung châu Âu và đại dịch Covid-19 - hai sự kiện khiến châu lục này huy động hàng tỷ euro cho các biện pháp khẩn cấp.
"Khi bạn so sánh tốc độ những tờ séc được ký và số tiền được chuyển đi với những đề xuất của Ukraine, đây chỉ là một con số rất nhỏ".
Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Artis Pabriks gần đây đã nhận định với Politico rằng những quốc gia như Pháp và Đức phải hành động nhiều hơn trong cuộc chiến ở Ukraine hiện nay.
"Nếu chúng ta muốn cuộc chiến này kết thúc sớm, chúng ta cần tự hỏi bản thân mình, liệu những gì chúng ta làm đã đủ hay chưa?", Bộ trưởng Quốc phòng Latvia đặt câu hỏi.
Ông Pabriks kêu gọi các nước châu Âu cần hỗ trợ Ukraine tương đương với mức độ hỗ trợ từ các nước Trung Âu như Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Séc.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Riho Terras, hiện là thành viên của Nghị viện châu Âu nhận định, châu Âu cần "thức tỉnh" và cho rằng sẽ không có hòa bình tới khi giành được chiến thắng trước Nga./.